Dân Chương Mỹ “sống chung với lũ lụt”: Không thể chỉ nói cho xong
VOV.VN - Thực tế cho thấy, để người dân ngoại thành Hà Nội “sống chung” được với lũ lụt, Hà Nội còn nhiều việc phải làm.
10 năm trước, khi Hà Nội ngập nặng trong “trận lụt lịch sử” thì ở phía Tây Nam thành phố, người dân một số xã của huyện Chương Mỹ cũng phải một phen khổ sở vì nước lũ tràn đê sông Bùi. Nước dâng, nhà ngập, hàng trăm tấn cá nuôi thất thoát, hàng trăm hecta cây trồng mất năng suất, cơ sở hạ tầng hư hại.
Năm 2017, cái tên Chương Mỹ lại một lần nữa hâm nóng dư luận giữa mùa mưa cùng với phát ngôn “vỡ đê có kế hoạch” từ một cán bộ phụ trách đê điều của thành phố Hà Nội.
Nước ngập sâu, người dân huyện Chương Mỹ phải dùng thuyền để di chuyển trên đường, vào chiều 2/8/2018. (Ảnh: Nhật Ngân) |
Tuy nhiên, từ phát ngôn được cho là “vạ miệng” của ông cán bộ phụ trách đê điều Hà Nội, người ta thấy lộ rõ sự lúng túng của chính quyền và ngành chức năng Thủ đô trước những biến đổi bất thường của thời tiết, thiên tai nhiều và dữ dội hơn trước đây, khi Hà Nội chưa mở rộng địa giới, chưa bao gồm những huyện ngoại thành thuần nông như Chương Mỹ.
Còn người dân vùng trũng ven sông Bùi của huyện này thì cũng không phải mang thêm cái danh xưng Thủ đô mỗi khi ai đó nhắc đến họ cùng nỗi khổ sở của ngập lụt. Khái niệm “sống chung với lũ lụt” được dùng cho đồng bằng sông Cửu Long, các tỉnh miền Trung, giờ lại được áp dụng cho Thủ đô Hà Nội, cốt để người dân vùng thoát lũ được sống an toàn.
Thế nhưng đợt ngập lụt cả tuần qua tại Chương Mỹ với hơn 3.600 nhà dân ở các xã Tốt Động, Thủy Xuân Tiên, Hoàng Văn Thụ, Nam Phương Tiến và thị trấn Xuân Mai bị ngập từ nửa mét đến 2 m, khoảng 5.000 người dân phải sơ tán, phải nhận cứu trợ lương thực, thuốc men, cuộc sống bị đảo lộn. Dẫu chưa thống kê hết, nhưng thiệt hại do lũ lụt gây ra cho người dân nơi đây, chắc không chỉ đo đếm bằng tiền.
Nguyên nhân ngập lụt trầm trọng ở Chương Mỹ được xác định là do: Mưa nhiều; Chịu tác động của nhiều con sông và đây là vùng thoát lũ của sông Bùi. Những nguyên nhân mà nhiều người cho là không có gì mới. Bởi gần 30 năm trước, bằng Nghị định 62/1999, Chính phủ đã xác định khu vực hữu Bùi của Chương Mỹ là vùng ngập lụt khi phân lũ sông Hồng vào sông Đáy để bảo vệ nội thành Hà Nội.
“Phải hiểu dòng sông để sống chung với nó”- người đứng đầu chính quyền thành phố Hà Nội đã nói như vậy khi về kiểm tra công tác ứng phó với lũ lụt tại huyện Chương Mỹ mấy ngày trước.
Không chỉ nói suông, ông đã giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội chủ trì, thuê tư vấn khảo sát kỹ 4 con sông tại huyện; nạo vét, mở rộng dòng chảy, gắn cải tạo đê với làm đường giao thông, đầu tư phân kỳ từ 3 – 5 năm, về lâu dài phải kè bê tông các tuyến đê, không gia cố đê theo kiểu đóng cọc tre và xếp bao cát.
Trách nhiệm của chính quyền Hà Nội là phải thực hiện chủ trương "sống chung với lũ lụt” một cách căn cơ nhất, trên cơ sở các tính toán khoa học và quyết tâm chính trị cao nhất, chủ động mang đến cho dân một cuộc sống bình yên nhất trong điều kiện “sẵn sàng” chịu ngập khi có lụt lớn, chứ không phải để đến khi dân bị lũ lụt bủa vây rồi mới tổ chức thăm hỏi, tặng quà, cứu trợ mì tôm, nước uống.
Không chỉ là sự khẳng định bằng một Nghị định của Chính phủ, mà chuyện sẵn sàng sống chung với lũ lụt của xác xã ven sông Bùi, huyện Chương Mỹ đã được đặt ra từ lâu. Ít nhất là cũng từ thực tế của trận lụt năm 2008 và 2017 mới đây./.
Ảnh: Sau ngập lụt dài ngày, dân Chương Mỹ đối mặt bệnh lở loét da
Bí thư Hà Nội thăm, kiểm tra công tác chống ngập úng tại Chương Mỹ
Cảnh sinh hoạt của người dân Chương Mỹ bị lũ cô lập gần 2 tuần nay