Đạo hiếu đối với bậc sinh thành không thể xem nhẹ!
VOV.VN -Cha mẹ sẵn sàng đánh đổi tuổi thọ của mình để con thêm một ngày sống. Vậy nên, phận làm con phải biết hiếu lễ đối với bậc sinh thành.
Tháng Ba thanh minh, tháng Bảy báo hiếu. Đạo hiếu là bài học làm người đầu tiên, được sinh ra và nuôi dưỡng trong từng gia đình. Song gần đây, cùng với kinh tế phát triển, đời sống nâng cao, lại đặt ra nhiều vấn đề về sự suy thoái của đạo đức xã hội và gia đình, trong đó có đạo hiếu. Những vụ việc “chướng tai gai mắt” xảy ra với tần suất ngày càng dày đặc. Có nhiều cách lý giải, nhưng nhìn chung là chúng ta chưa hiểu đúng về đạo hiếu.
Người hiểu đúng về đạo hiếu không đổ lỗi cho xã hội. Bởi, cùng trong xã hội ấy, cộng đồng ấy, với hoàn cảnh như nhau, chỉ cần ngó trước nhìn sau có thể kể ra rất nhiều, rất nhiều tấm gương hiếu thảo, tấm lòng nhân nghĩa. Cũng chỉ cần ngó sau nhìn trước có thể thấy nhiều gia đình xích mích nhỏ to trong trách nhiệm phụng dưỡng cha mẹ, ông bà. Và, cho dù không muốn kể về những vụ việc đau lòng cụ thể, chúng ta cũng không thể lờ đi một sự thật là có không ít trường hợp con cái bất hiếu hành hạ, đánh đập cha mẹ. Song hành với đó là những trường hợp bất nhân, thất đức như cha đánh chết con, mẹ vứt bỏ con sơ sinh,… thật là, chẳng còn tính người nữa. Về đạo hiếu, đáng buồn hơn khi thấy trong số những kẻ đối xử tệ bạc với cha mẹ có cả những người học vấn cao, chức tước không nhỏ.
Người hiểu đúng về đạo hiếu bao giờ cũng lấy đó là gốc rễ để thường xuyên soi xét bản thân. Đi suốt đời nào ai tròn được chữ hiếu? Cha mẹ sẵn sàng đánh đổi tuổi thọ của mình để con thêm một ngày sống, nhịn ăn để nhường cơm cho con. Có người cha bán máu để mua thuốc chữa bệnh cho con. Có người mẹ chăm sóc con là thương bệnh binh như khi còn thơ trẻ,… Vậy nên, phận làm con đừng để người đời răn dạy là “con nuôi cha mẹ con kể từng ngày”. Tất nhiên, trong bối cảnh thang giá trị xã hội có nhiều biến đổi như hiện nay cần phải xem xét rõ từng trường hợp. Sự nuôi dưỡng khác nhau dẫn đến tính nết, nhu cầu, thói quen thụ hưởng khác nhau, và có thể dẫn đến cả niềm tin khác nhau. Chẳng hạn, một vị bác sĩ ở miền Trung chấp nhận bị kỉ luật để ở nhà chăm sóc mẹ già chưa chắc đáng nêu gương. Những trường hợp mua đất nghĩa trang để báo hiếu trong khi cha mẹ phải sống trong nhà dưỡng lão cũng chưa chắc đáng bị lên án. Còn nữa, đã có cơ quan chức năng nào thống kê xem trong 10% dân số, tức là gần 9 triệu người cao tuổi, có bao nhiêu người được hạnh phúc bên con cháu, bao nhiêu người bị đối xử tàn tệ. Song, nếu để xảy ra việc đau lòng như vụ một đứa cháu đuổi bà ngoại ra khỏi nhà xảy ra mới đây ở một tỉnh miền Bắc thì phải nói là không thể chấp nhận được. Công luận lên án. Lương tri xã hội nhức nhối.
Người hiểu đúng về đạo hiếu biết cách bày tỏ thái độ lên án mạnh mẽ những hành vi chà đạp đạo lý và vi phạm pháp luật ấy. Đó là những biểu hiện vô luân, là chỉ dấu mạnh mẽ nhất trong số những chỉ dấu về sự xuống cấp của đạo đức xã hội. Và, không dừng lại ở sự lên án, mỗi người cần thấy rõ rằng, ai sinh ra cũng là con là cháu, rồi sau đó sẽ làm cha mẹ, làm ông bà. Có thể cha mẹ chưa cần báo hiếu đâu, nhưng nếu chúng ta biết quan tâm dành thời gian đầy đủ hơn, đừng lơ là trong việc rèn tập, giáo huấn chính mình và con cháu, đừng để bản thân và con cháu mình trượt ngã hoặc phạm lỗi lầm, thì đó đã là báo hiếu rồi. Hiểu rộng ra, mỗi người biết sống tốt, biết tôn trọng kỷ luật kỷ cương, biết chăm lo cho thế hệ sau cũng là sự báo hiếu với ông bà Tổ tiên. Làm được điều đó, mỗi người chúng ta góp phần làm giảm tần suất những vụ việc đau lòng đang có xu hướng xảy ra với tần suất ngày càng dày đặc. Trách nhiệm đó trước hết là của từng gia đình, của mỗi người làm cha làm mẹ, làm con làm cháu. Trợ giúp họ có các cơ quan, đoàn thể, cộng đồng, xã hội... Luật pháp chỉ là công cụ cuối cùng và không ai muốn dùng đến.
Người hiểu đúng về đạo hiếu cần biết rằng, người hiếu thảo chưa hẳn đã là công dân tốt, nhưng một kẻ bất hiếu vô luân thì chắc chắn không thể là người tốt. Xin nhắc lại lời của cổ nhân khi mở đầu cuốn sách dịch những câu chuyện về 24 tấm gương hiếu thảo sang tiếng quốc ngữ như sau: “Người tai mắt đứng trong trời đất - Ai là không cha mẹ sinh thành - Gương treo đất nghĩa, trời kinh - Ở sao cho xứng chút tình làm con”./.