Doanh nghiệp Việt Nam làm sao để lớn?
VOV.VN - Quy mô nhỏ, quản trị kém, công nghệ thấp, sức cạnh tranh không cao… đang là thực trạng phổ biến của các doanh nghiệp tư nhân.
Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ 2015 diễn ra ngày 9/6, một lần nữa, thông điệp sát cánh cùng doanh nghiệp và các nhà đầu tư được Thủ tướng Chính phủ khẳng định, qua những nỗ lực xây dựng thể chế kinh tế thị trường, cải cách thủ tục hành chính, chủ động đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế.
Trăn trở lớn hiện nay, được đại diện cộng đồng doanh nghiệp bày tỏ, là doanh nghiệp của Việt Nam đa số là các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, vậy làm sao có thể trụ được trong xu thế hội nhập như vũ bão hiện nay?
Dây chuyền lắp ráp tại Công ty Toyota Việt Nam (Ảnh: VOVGT) |
Quả là một thực tế đáng lưu tâm khi gần 70% doanh nghiệp tư nhân kinh doanh không có lãi. Theo con số thống kê, doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đang đóng góp một nửa tổng sản phẩm quốc dân, thì tính chất manh mún lại thể hiện rõ khi kinh tế cá thể đóng góp tới 1/3 vào giá trị này.
Quy mô nhỏ, tính chất phi chính thức lớn, quản trị kém, công nghệ thấp, khó tiếp cận nguồn vốn, khó tiếp cận thị trường, sức cạnh tranh không cao… đang là thực trạng phổ biến của các doanh nghiệp tư nhân trong nước. Đây cũng chính là điểm yếu, khi doanh nghiệp ngoại vào đầu tư, cần các doanh nghiệp phụ trợ, thì doanh nghiệp trong nước không đáp ứng được.
Như Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thông báo cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư trong và ngoài nước tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ 2015, với một loạt các Hiệp định thương mại tự do đã, đang và sẽ được đàm phán, ký kết, trong tương lai gần, Việt Nam sẽ hoàn tất 14 Hiệp định thương mại tự do, có quan hệ thương mại tự do với 55 đối tác, trong đó có 15 thành viên của Nhóm 20 nước phát triển (G20). Cơ hội mở ra là rất lớn cho doanh nghiệp Việt Nam, cho cả nền kinh tế Việt Nam, nhưng kèm theo đó, thách thức cũng nhiều nếu không có sự chuẩn bị.
Với lực lượng doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có tới 96% là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, quả thực, còn nhiều điều đáng lo. Một chuyên gia kinh tế đã ví von doanh nghiệp tư nhân ở nước ta như những củ khoai tây rời rạc trong một túi khoai tây, nên khó có sức cạnh tranh. Ở những nền kinh tế phát triển, các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ vẫn tồn tại và phát triển được nhờ liên kết theo chuỗi, theo ngành.
Vậy, vai trò kiến tạo, dẫn dắt của các doanh nghiệp lớn là hết sức quan trọng. Trong đó, chiến lược phát triển ngành, cùng những chính sách đi kèm sẽ chính là “nam châm” cho doanh nghiệp lớn, cả doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hút các nguồn lực đầu tư, các doanh nghiệp khởi nghiệp “bám” vào, tạo nên chuỗi phát triển, hỗ trợ lẫn nhau và tạo nên một tổng thể lớn mạnh để có thể cạnh tranh về sản phẩm, dịch vụ. Đây cũng chính là định hướng, là con đường phát triển của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh hội nhập sâu và rộng hiện nay.
Và trên con đường đó, phải chấp nhận sự sàng lọc, đào thải của thị trường đối với các doanh nghiệp. Nhưng để quá trình sàng lọc, đào thải này bớt khắc nghiệt, bớt thiệt hại, bớt đổ vỡ lớn thì những hỗ trợ từ vĩ mô là vô cùng quan trọng.
Về mặt chủ trương, chính sách vĩ mô như tái cơ cấu nền kinh tế, cải cách thể chế kinh tế…, cho tới những đề án cụ thể chúng ta đã có nhiều. Giờ đây, là quyết tâm hành động, đẩy nhanh thực thi. Kết quả cải cách thủ tục hành chính thuế, hải quan thời gian qua là minh chứng rất rõ cho việc “có quyết tâm - là làm được”. Cộng đồng doanh nghiệp chắc chắn sẽ được hưởng lợi lớn nhất từ những sự cải cách này. Và đây cũng chính là môi trường giúp doanh nghiệp Việt lớn được cả về lượng và chất./.