Giải quyết khiếu nại, tố cáo phải từ tăng cường đối thoại với dân
VOV.VN- Yêu cầu đặt ra trong công tác tiếp dân là cần xây dựng chế tài xử phạt nghiêm khắc người đứng đầu cơ quan Nhà nước khi để khiếu kiện kéo dài.
Theo Thanh tra Chính phủ, trong 9 tháng qua số vụ khiếu nại, tố cáo giảm khoảng 3,4% so với năm 2013, nhưng tố cáo đông người lại tăng tới hơn 12%. Nguyên nhân được cho là tình trạng quan liêu, né tránh giải quyết tại một số địa phương khiến nhân dân bức xúc, gửi đơn thư vượt cấp. Thực trạng này thêm một lần đặt ra vấn đề đạo đức, trách nhiệm công vụ, đặc biệt là của người đứng đầu các địa phương, đơn vị.
Hai kỳ tiếp công dân theo luật định của Ban Tiếp công dân Trung ương tại trụ sở Tiếp dân Trung ương vừa qua cho thấy, khối lượng công việc, số vụ việc, tính chất các vụ việc là rất lớn, rất phức tạp. Đến nỗi, Bộ trưởng-Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Tổng Thanh tra Chính phủ phải tranh thủ ăn bánh mì buổi trưa để có thời gian tiếp công dân, xem xét và giải quyết vụ việc.
Hành động, tình cảm, trách nhiệm ấy quả là đáng trân trọng. Nhưng lẽ ra các vị Bộ trưởng, Trưởng ngành không phải mất nhiều thời gian đến thế, nếu như mọi việc được giải quyết rốt ráo ngay từ đầu, ngay từ cơ sở. Chất lượng giải quyết khiếu nại, tố cáo ở cơ sở như vậy, nhưng hầu như chưa có cán bộ nào, người đứng đầu nào bị truy cứu về việc né tránh, đùn đẩy trách nhiệm trong công tác tiếp công dân. Chính vì vậy, không ngạc nhiên khi có con số tăng 12% tố cáo đông người, tính từ đầu năm 2014 đến nay.
Sẽ là không công bằng khi cho rằng người dân luôn không thỏa mãn với giải quyết khiếu nại-tố cáo của cấp cơ sở, một hai đòi Trung ương phải đứng ra giải quyết. Theo Thanh tra Chính phủ, số lượt đoàn đông người tăng và có đoàn lên đến vài trăm người tham gia. Gần 70% nội dung khiếu nại tập trung vào lĩnh vực đất đai. Đáng nói, có tới 40% khiếu nại của dân là có cơ sở. Trách nhiệm thuộc về ai nếu không phải là đội ngũ cán bộ tiếp công dân; người lãnh đạo, người đứng đầu các địa phương, đơn vị đó? Người dân luôn trọng cả lý, cả tình. Họ rất thấu hiểu và luôn mong muốn cán bộ thực hiện nhiệm vụ, giải quyết vụ việc một cách công khai, minh bạch, đúng pháp luật. Chỉ khi cán bộ không làm đúng được điều đó, họ mới phản ứng mà thôi.
Đã có nhiều bài học đắt giá về khoảng cách giữa cán bộ với dân; cách hành xử của cán bộ với dân, đặc biệt là lãnh đạo, người đứng đầu. Không ít trường hợp đã không giải quyết được vụ việc, còn làm phức tạp thêm tình hình, vô tình đẩy người dân đến ranh giới mong manh giữa người lương thiện với kẻ phạm tội. Thái độ né tránh, thiếu trách nhiệm đến vô cảm ấy là một thực tế, được Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thẳng thắn chỉ ra tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị và Luật tiếp Công dân, rằng: "Có việc đùn đẩy trách nhiệm, trốn tránh giải quyết. Nhiều trường hợp cơ quan hành chính bảo thủ, sai rõ ràng mà không thừa nhận". Như vậy, người dân biết tin vào đâu, biết chạy tới đâu nếu không phải là cấp cao hơn? Kết quả của việc “đùn đẩy, trốn tránh, bảo thủ, sai sót” ấy là Thanh tra Chính phủ phải giải quyết thay cho địa phương hơn 2.000 vụ mỗi năm!
Điều 9 Luật Tiếp công dân quy định 8 hành vi bị cấm đối với người tiếp công dân. Nhưng dù Luật đã quy định, dù đã có chế tài, dù Chính phủ đã nhiều lần nhắc nhở, phê bình nhưng khiếu kiện đông người, vượt cấp vẫn tăng. Chứng tỏ pháp luật đang bị chính một số người thực thi pháp luật ở địa phương xem thường; thậm chí còn không tuân thủ, “chống lệnh” cấp trên. Bởi thế, yêu cầu đặt ra trong công tác tiếp dân hiện nay là, cần xây dựng chế tài xử phạt nghiêm khắc, cụ thể những cá nhân đứng đầu các cơ quan Nhà nước để khiếu kiện kéo dài; chấn chỉnh kỷ cương việc tuân thủ các quyết định của pháp luật, chỉ đạo của cấp trên; siết trách nhiệm của lãnh đạo địa phương, các cấp sở ngành nếu không giải quyết đến cùng đơn thư của công dân.
Để không còn những “cái sai” trong công tác tiếp công dân, để không còn cảnh Bộ trưởng phải ăn bánh mì cho có nhiều thời gian tiếp dân, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu, người đứng đầu chính quyền các cấp ở địa phương phải trực tiếp đối thoại với dân để kiên trì giải thích, thuyết phục. Phó Thủ tướng nhấn mạnh: “phải đối thoại, đối thoại và đối thoại”.
Đó không chỉ là yêu cầu của một cá nhân, một người có trách nhiệm, có thẩm quyền mà nó trở thành mệnh lệnh. Lãnh đạo, người đứng đầu chấp hành nghiêm túc mệnh lệnh ấy; tuân thủ quy định của pháp luật mới thực sự là người có đạo đức, trách nhiệm công vụ; mới xứng đáng với lòng tin của dân./.