Tai nạn đường thủy: Có luật mà như nước chảy bèo trôi!
VOV.VN -Từ nhiều năm nay, chúng ta đã có Luật Giao thông đường thủy nội địa nhưng tai nạn vẫn thường xuyên xảy ra…
Không phải đến khi xảy ra vụ tai nạn ca-nô trên vùng biển Cần Giờ của TP HCM thì an toàn giao thông đường thủy mới trở thành vấn đề nóng. Nhiều năm nay, chúng ta có Luật Giao thông đường thủy nội địa, mà thực trạng đáng lo ngại như vậy vẫn tiếp diễn, thì nguyên nhân chính là thực thi pháp luật không nghiêm.
Ngay khi Bộ Giao thông vận tải công bố kết luận về vụ tai nạn ca-nô ở Cần Giờ thì tại khu vực gần đó lập tức xảy ra sự cố tàu cánh ngầm khiến 75 hành khách một phen hoảng loạn. Trước đó, vài ngày, chính Bộ Giao thông vận tải đã quyết định sẽ tạm dừng hoạt động của loại tàu cánh ngầm này để kiểm định an toàn kỹ thuật.
Những nạn nhân trong vụ chìm ca-nô ở vùng biển Cần Giờ (Ảnh: CTV Nguyễn An/VOV online) |
Rõ ràng, công tác quản lý vận tải thủy nhiều năm qua rất lỏng lẻo. Nhiều đơn vị kinh doanh coi thường luật pháp, có nơi vì đồng tiền bất chấp cả mạng sống con người. Mà giao thông đường thủy đâu phải chỉ có các đơn vị kinh doanh. Xin nhắc lại một vài con số đáng lưu tâm. Hơn 30 vạn tàu thuyền nhỏ tải trọng từ 5 người trở xuống do nhân dân tự đóng không phải đăng kí, cũng chẳng rõ các địa phương quản lí như thế nào, có kiểm tra an toàn định kì hay không.
Đối với loại phương tiện lớn hơn thì từ khi có luật tới nay mới cấp đăng kí được 34%, loại cần đăng kiểm cũng chỉ đạt 61%. Đa số phương tiện trọng tải từ 200 đến 1.000 tấn, thậm chí có loại tới 2.000 tấn cũng trang bị rất thô sơ, thiếu thiết bị hỗ trợ hành trình như thông tin liên lạc, rađa định vị.
Về hạ tầng, trong số hơn 40.000 km đường thủy có hoạt động giao thông vận tải chúng ta mới quản lí được 45%, tức là chưa đầy một nửa. Vậy nên, mỗi năm cả nước vẫn xảy ra hàng trăm vụ tai nạn giao thông đường thủy lớn nhỏ, làm chết và bị thương hàng trăm người, thiệt hại về tài sản hàng chục tỉ đồng.
Câu hỏi đặt ra là vì sao từ nhiều năm nay chúng ta có Luật Giao thông đường thủy nội địa mà vẫn để kéo dài thực trạng đáng lo ngại như vậy? Có nhiều cách lý giải, nhưng nguyên nhân bao trùm là luật không phù hợp với thực tiễn cần sửa đổi bổ sung, và quan trọng hơn là việc thực thi luật pháp chưa rốt ráo, chưa nghiêm minh. Buông lỏng quản lý nên tàu thuyền mới không đăng kiểm, người điều khiển không cần chứng chỉ, tình trạng chở người vượt quá tải trọng xảy ra phổ biến. Còn khi đã xảy ra tai nạn rồi phân tích nguyên nhân cho rằng 76% do ý thức tuân thủ qui định an toàn của người tham gia giao thông còn kém là chưa thỏa đáng.
Nếu quản lý nghiêm thì ý thức chấp hành của mọi người sẽ nghiêm. Chẳng hạn, trên bộ đi xe máy phải đội mũ bảo hiểm, nhưng tàu thuyền thiếu áo phao vẫn chở người ngang dọc là do quản lí không nghiêm, có ai kiểm tra nhắc nhở hay xử phạt đâu. Rồi nhiều vụ tai nạn xảy ra lại không làm rõ trách nhiệm hoặc chậm trễ xử lý. Điển hình là vụ chìm tàu Dìn Ký ở Bình Dương xảy ra 27 tháng rồi không những chưa được đưa ra xét xử mà lại tạm đình chỉ điều tra?
Dù sao, những vụ tai nạn giao thông đường thủy nghiêm trọng xảy ra gần đây ít nhiều cũng thức tỉnh sự quan tâm của ngành chức năng và chính quyền địa phương. Ví dụ như tỉnh An Giang tăng cường kiểm tra kiểm soát an toàn dọc tuyến kênh từ Long Xuyên đi Hà Tiên; tỉnh Quảng Ngãi chú trọng đến tình trạng đò chở khách lên xuống tàu cao tốc ở bến cảng Sa Kì; hay tỉnh Bắc Giang ban hành qui định quản lí bến khách ngang sông, đăng kí phương tiện thủy loại nhỏ và thô sơ,... Nhưng qua đó cũng thấy rõ thêm là vấn đề an toàn giao thông đường thủy nội địa từ trước tới nay không được quan tâm đúng mức.
Cùng với các địa phương, việc kiểm tra, rà soát của ngành chức năng vừa qua còn cho thấy nhiều bất cập của Luật giao thông đường thủy nội địa, ví dụ như biển báo trùng lắp gây cản trở giao thông; rồi sự chồng chéo chức năng nhiệm vụ của các bên có liên quan, của trung ương và địa phương; khái niệm về luồng, về bến thủy nội địa, về tai nạn đường thủy chưa rõ ràng, chưa phân định thẩm quyền giải quyết khi xảy ra sự cố, khi cứu hộ cứu nạn,... Những bất cập ấy đang được gấp rút sửa đổi bổ sung, nhưng, như đã nói, quan trọng hơn là thực thi pháp luật phải nghiêm minh, chứ cứ buông lỏng quản lí rồi khi xảy ra tai nạn nghiêm trọng mới ngồi phân tích nguyên nhân thì có khác gì “nước chảy bèo trôi”./.