Tự học-một yêu cầu của thời đại
VOV.VN -Khi mọi người, mọi nhà đều có ý thức tự học thì vấn nạn học thêm, dạy thêm tràn lan mất kiểm soát sẽ được đẩy lùi.
Những ngày này, khi đến nhiểu vùng đô thị, vùng quê đều thấy khẩu hiệu” Học tập để phục vụ bản thân, phục vụ gia đình, phục vụ xã hội”, “ Học tập suốt đời”… Quả thật đây có lẽ là khẩu hiệu nên xem nhất. Nhất là trong bối cảnh hội nhập hiện nay, khi tri thức trở thành sức mạnh, sự học vì vậy luôn được quan tâm nhiều nhất ở cả tầm quốc gia, mỗi gia đình và mỗi cá nhân.
Song có một thực tế là khi mà có quá nhiều trường lớp, hình thức học tập xuất hiện, với đủ các lời quảng bá, quảng cáo, khiến người học không khỏi băn khoăn khi chọn lựa hình thức nào sẽ phù hợp với bản thân. Còn ở trường học thì việc dạy thêm, học thêm tràn lan gần như mất kiểm soát. Một phần là do chương trình quá nặng, học thêm để theo kịp; phần nữa là giáo viên muốn cải thiện thêm thu nhập.
Có một điều mà từ nhà trường đến gia đình và cả xã hội đều ít nói đến đó là khả năng tự học. Sách hướng dẫn, dạng như “kim chỉ nam” cho người tự học cũng rất ít. Do vậy, tự học thực ra mới chỉ dành cho những người làm công việc nghiên cứu và đa số họ là những người lớn tuổi. Còn hầu hết người trẻ đều ít tự học mà theo trường, lớp cả. Tất nhiên học được là điều quý, song tự học sẽ là một trong những cách học đạt hiệu quả cao nhất.
Tạo cho mình thói quen tự học đòi hỏi nỗ lực lớn và những tri thức tiếp thu được sẽ in đậm trong não bộ nhiều nhất. Bởi chỉ khi yêu thích một vấn đề nào đó, muốn khám phá, tìm hiểu người ta mới mày mò tự học. Và đã học rồi đều có chung mong muốn là ứng dụng vào thực tiễn.
Một nông dân ở miền Tây Nam Bộ nung nấu ý chí làm ra một chiếc máy để đào ao nuôi tôm đã tự học qua tài liệu, sách báo vài năm trời và đã chế tạo thành công. Máy sản xuất ra đến đâu bán hết đến đó, giúp anh làm giàu. Hay có nông dân ở thành phố Hồ Chí Minh dùng khí biogas từ phân thải của lợn để chế tạo ra máy phát điện ổn định 220 KV dư sức sử dụng trong gia đình và còn chia sẻ điện cho hàng xóm.
Cô gái Nguyễn Bích Lan ở Thái Bình dù bị bệnh loạn dưỡng cơ, không thể đến trường song nhờ khả năng tự học đã trở thành tác giả của nhiều cuốn sách nổi tiếng trong đó có tự truyện “Không gục ngã” đã tiếp thêm tinh thần và nghị lực cho rất nhiều bạn trẻ.
Nói rộng ra trên thế giới, nhiều nhà bác học nổi tiếng không phải ai cũng có điều kiện được đến trường, lớp đầy đủ, mà phần lớn là tự học. Tỷ phú Billgates bỏ học đại học Harvard giữa chừng để lao vào nghiên cứu sáng tạo phần mềm máy tính và đã thành công vang dội như ngày nay.
Rõ ràng khả năng tự học của mỗi người, nhất là đối với học sinh, sinh viên cần được nhà trường, gia đình và toàn xã hội nên đặc biệt quan tâm, giúp đỡ. Bộ Giáo dục và Đào tạo nên khuyến khích các nhà sư phạm, các nhà nghiên cứu, những người có kinh nghiệm tự học biên soạn các giáo trình, sách hướng dẫn các phương pháp tự học để đạt hiệu quả. Đồng thời phong trào khuyến học ở khắp nơi cũng nên tập trung mạnh mẽ vào việc khuyến khích tự học, xây dựng các mô hình tự học trong cộng đồng. Truyền thông đại chúng cần chủ động thông tin tuyên truyền các tấm gương nhờ tự học mà thành công để mọi người làm theo.
Tự học giờ đây phải trở thành một yêu cầu của thời đại. Khi mọi người, mọi nhà đều có ý thức tự học thì vấn nạn học thêm, dạy thêm tràn lan mất kiểm soát sẽ được đẩy lùi, chất lượng giáo dục và đào tạo nước nhà sẽ có bước tiến bộ vượt bậc./.