Giám đốc Công an TPHCM: Vụ khởi tố chủ quán Xin Chào là bài học lớn
Giám đốc Công an TPHCM Lê Đông Phong cho rằng vụ khởi tố chủ quán Xin Chào là bài học lớn cho cán bộ điều tra trong quá trình thực thi nhiệm vụ.
Trung tướng Lê Đông Phong, Giám đốc Công an TPHCM đã chia sẻ với phóng viên như vậy, sau khi quyết định tạm đình chỉ đối với Trưởng Công an huyện Bình Chánh và cán bộ liên quan đến việc khởi tố ông chủ quán cà phê “Xin Chào” được công bố. Theo Giám đốc, đây là bài học lớn cho cán bộ điều tra trong quá trình thực thi nhiệm vụ.
Trung tướng Lê Đông Phong, Giám đốc Công an TP.HCM |
PV: Quyết định tạm đình chỉ đối với Trưởng Công an huyện Bình Chánh và cán bộ chiến sĩ liên quan đến vụ quán cà phê “Xin Chào” đã được công bố. Cảm giác của ông thế nào với tư cách người đứng đầu CATP?
Trung tướng Lê Đông Phong: Thực ra, đây là việc không đáng có nếu ngay từ đầu Công an huyện Bình Chánh thận trọng hơn trong các quyết định của mình. Trong khi CATP đang tập trung triển khai lực lượng thực hiện nhiều biện pháp nhằm kéo giảm tội phạm với những chuyển biến tích cực đã, đang được ghi nhận thì việc để xảy ra vụ việc như trên là rất đáng tiếc.
Quay trở lại sai sót trong việc khởi tố ông Tấn, chúng tôi cho rằng việc tạm đình chỉ công tác các cán bộ liên quan để tiến hành kiểm điểm là cần thiết, nhằm lấy lại niềm tin của nhân dân đối với lực lượng công an nói chung và cơ quan tiến hành tố tụng nói riêng. Đồng thời, vụ việc này cũng mang đến bài học về nhận thức và áp dụng pháp luật cho cán bộ và cơ quan tiến hành tố tụng.
Thấy sai thì phải nhận, phải chịu trách nhiệm và phải sửa sai. Chúng tôi đã cam kết xử lý nghiêm và sẽ làm đúng như lời đã hứa, để lấy lại niềm tin trong nhân dân.
PV: Xây dựng được lòng tin của người dân đã khó, giờ lấy lại lòng tin còn khó hơn nhiều, thưa ông?
Trung tướng Lê Đông Phong: Tôi tin rằng người dân hiểu và họ không đánh đồng tất cả. Đúng là đâu đó trong xã hội, nhân dân còn bất bình và mất niềm tin vào một số cán bộ cơ quan công quyền, trong đó có cơ quan công an. Thực tế này thôi thúc chúng tôi càng phải khẳng định mình, càng phải làm đúng trách nhiệm, đúng bổn phận của mình để xây dựng một hình ảnh thật sự đẹp trong lòng dân.
Tôi tin người dân hiểu điều đó và vẫn đang đồng hành cùng chúng tôi trong cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm, vì sự bình yên của cuộc sống. Và tôi cũng mong người dân hiểu, để đổi lấy sự bình yên đó, nhiều chiến sĩ, đồng đội của chúng tôi cũng như nhiều tấm gương quần chúng tiêu biểu vẫn đang ngày đêm cống hiến, không quản ngại khó khăn, gian khổ, thậm chí sẵn sàng hy sinh cả tính mạng mình.
PV: Nhưng một bộ phận dư luận cho rằng cách xử lý sai phạm của CATP đối với vụ việc dường như còn chậm và thiếu quyết liệt. Ông có cho rằng niềm tin phải được bắt đầu từ cả những việc như thế?
Trung tướng Lê Đông Phong: Nếu các bạn nhìn nhận công bằng sẽ thấy ngay sau khi sự việc xảy ra, chúng tôi đã tổ chức tiếp xúc với báo chí để chủ động cung cấp thông tin. Đó là chúng tôi đã biết cầu thị và biết lắng nghe chứ.
Từ thời điểm báo chí nêu vụ việc, tôi đã chỉ đạo Cảnh sát điều tra CATP rút hồ sơ để đánh giá lại tài liệu, chứng cứ. Mặc dù lúc này tiến trình tố tụng thuộc thẩm quyền của Viện Kiểm sát, cáo trạng đã được Viện Kiểm sát chuyển tới tòa truy tố.
Qua kiểm tra ban đầu, CATP đánh giá có sự nóng vội, cứng nhắc của Cảnh sát điều tra Công an huyện Bình Chánh. CATP cho rằng không cần thiết xử lý hình sự ông Tấn và chủ động đề xuất họp liên ngành với Viện Kiểm sát nhân dân thành phố. Trong cuộc họp này, CATP đã đề xuất phía Viện Kiểm sát xem xét theo hướng không xử lý hình sự ông Tấn. Tuy nhiên, xử lý vụ án thế nào là thẩm quyền của Viện Kiểm sát.
Còn việc xử lý cán bộ thì phải đúng quy trình và quy định. Phải có hội đồng kỷ luật. Hiện chúng tôi đang trong tiến trình tổ chức kiểm điểm, để đề xuất Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị quyết định kỷ luật đối với ông Nguyễn Văn Quý (Trưởng Công an huyện Bình Chánh - PV). Với các cán bộ khác thuộc thẩm quyền theo phân cấp, chúng tôi cũng đang tổ chức kiểm điểm để có quyết định xử lý nghiêm minh
PV: Qua vụ việc xảy ra, ông đánh giá thế nào về vai trò của báo chí, truyền thông trong việc tìm và phát hiện ra cái xấu, cái chưa tốt, cụ thể trong ngành công an?
Trung tướng Lê Đông Phong: Trước hết, tôi thấy cần phải cảm ơn các cơ quan báo chí và truyền thông rất nhiều, kể cả mạng xã hội. Qua các kênh này, chúng tôi hiểu rõ hơn mình còn thiếu gì, chưa làm được gì để phấn đấu, để học hỏi và hoàn thiện mình.
Cũng qua báo chí, truyền thông, chúng tôi hiểu tâm tư của người dân, hiểu những đòi hỏi có lý của họ đối với chúng tôi, từ đó có những thay đổi cho phù hợp. Hiểu lòng dân thì mới làm việc vì dân được.
Nhưng ở góc độ khác, chúng tôi mong nhận được phản ánh trực tiếp từ người dân và báo chí về những mặt được, chưa được của cán bộ chiến sĩ mình qua đường dây nóng của CATP. Có những sự việc nếu như chúng ta biết và trao đổi từ trước, thì việc xử lý đã kịp thời hơn mà không để xảy ra những hậu quả đáng tiếc.
PV: Có một điều mà dư luận đang rất quan tâm là liệu có động cơ nào sau quyết định khởi tố ông Tấn không? CATP có điều tra làm rõ nguyên nhân không, thưa ông?
Trung tướng Lê Đông Phong: Chúng tôi sẽ làm rõ vấn đề này trong quá trình kiểm điểm những người liên quan. Lo ngại mà dư luận đặt ra, cũng là vấn đề chúng tôi quan tâm. Chúng tôi sẽ công bố kết quả kiểm điểm, xử lý sau khi có kết luận rõ ràng.
PV: Qua vụ việc này ông rút ra bài học gì trong công tác xây dựng lực lượng của Công an thành phố? Từng là Thủ trưởng cơ quan An ninh điều tra, ông có lời khuyên hay kinh nghiệm gì cho các điều tra viên trẻ?
Trung tướng Lê Đông Phong: Như tôi đã nói ở trên, đây là một vụ việc không đáng để xảy ra sai sót nghiêm trọng như vậy. Ban giám đốc CATP đã chỉ đạo Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra rà soát, kiểm tra công tác điều tra của cơ quan điều tra các cấp trong CATP.
Qua đó, CATP sẽ chấn chỉnh những thiếu sót bằng những giải pháp thiết thực, cụ thể, như củng cố, kiện toàn, nâng chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác điều tra cũng như tổ chức và hoạt động của cơ quan điều tra các cấp trong CATP. Đặc biệt, phải xây dựng đội ngũ điều tra viên có tâm và có tầm, đủ sức đáp ứng đòi hỏi của công tác điều tra trong tình hình mới.
Nói kinh nghiệm thì nhiều và nó gắn với từng vụ việc cụ thể. Nhưng theo tôi, một điều tra viên tốt trước hết phải là một người có tâm. Cái tâm sẽ soi rọi những việc anh làm, cái tâm sẽ giúp anh nhìn rõ đúng - sai, từ đó biết chấp nhận hy sinh để bảo vệ cái đúng, biết điều chỉnh bản thân và biết khắc phục sai lầm, có như vậy mới giải quyết mọi việc thấu tình đạt lý được!
PV: Xin cảm ơn ông./.