37% công nhân ngành may lương không đủ sống, phải đi vay nợ
VOV.VN -Khảo sát của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam tại các doanh nghiệp cho thấy thu nhập của công nhân may còn thấp, đời sống không đảm bảo.
Đây là thông tin được đưa ra tại hội thảo "Thu nhập của lao động may mặc ở Việt Nam- thực trạng và giải pháp" vừa được tổ chức chiều nay (11/4) tại Hà Nội.
Ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng ban Quan hệ lao động (Tổng LĐLĐVN) cho biết, ngành dệt may hiện hấp thụ khoảng 2,5 triệu lao động với trên 600.000 doanh nghiệp, tốc độ tăng trưởng mạnh. Ngành này có đóng góp đáng kể trong việc tạo việc làm, phát triển kinh tế xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, các khảo sát của Tổng LĐLĐ Việt Nam cho thấy mức thu nhập của công nhân may còn thấp.
Mức lương của công nhân may ở Việt Nam còn thấp. |
“Theo khảo sát năm 2018 trong 7 ngành thì ngành may là ngành có tiền lương cơ bản thấp nhất trong các ngành. Tiền lương cơ bản trung bình của người lao động (làm đủ giờ) là 4.670.000 đồng, tăng 4,2% so với năm 2017. Tình trạng đình công trong ngành may cũng lớn nhất, chiếm đến 39% . Hầu hết liên quan điều kiện làm việc, tiền lương.
Viện dẫn nghiên cứu của Oxfam về “Tiền lương không đủ sống và hệ lụy” trong ngành công nghiệp may, ông Lê Đình Quảng cho biết, có đến 99% thu nhập của người lao động thấp hơn mức lương đủ sống theo tiêu chuẩn của AFW. Đặc biệt, nếu chỉ tính công việc hoàn thành trong giờ làm việc tiêu chuẩn, không tính các khoản phụ cấp, lương thực tế của nhiều công nhân may được khảo sát không đủ sống ở mức cơ bản nhất.
Tiền lương không đủ sống cũng dẫn đến các hệ lụy như 31% không tiết kiệm được gì từ tiền lương, 37% luôn ở trong tình trạng vay vợ từ bạn bè, người thân để bù lấp thiếu hụt chi tiêu.
Việt Nam đừng coi lao động giá rẻ là lợi thế
Lý giải về lương ngành dệt may còn thấp, công Lê Đình Quảng cho biết, hiện nay ngành dệt may của Việt Nam vẫn chỉ tập trung chủ yếu vào khâu gia công sản phẩm. Trong quá trình đàm phán, phần đa các nhãn hàng và doanh nghiệp không tăng phần tiền nhân công. Chi phí nhân công trong giá thành sản phẩm là rất ít. Do đó, các công ty may cũng không có nhiều điều kiện để chi phí cho người lao động.
Theo ông Lê Đình Quảng, các doanh nghiệp cần có giải pháp nâng cao năng suất lao động để tiết giảm các chi phí khác, nâng cao khả năng đàm phán tiền lương khi ký kết, thỏa thuận với các nhãn hàng, quan tâm hơn đến người lao động.
“Đã đến lúc chúng ta đừng lấy nhân công giá rẻ để thu hút đầu tư cũng như đàm phán hợp đồng. Lương tối thiểu vùng chỉ là sàn chung, nhưng cũng rất quan trọng để nâng lương cho người lao động. Chúng tôi đề nghị thực hiện nội dung theo Nghị quyết 27 của Chính phủ, đến năm 2020, mức lương tối thiểu phải đạt được mức sống tối thiểu”, ông Quảng nhấn mạnh.
Còn theo bà Kim Thị Thu Hà, Giám đốc điều hành trung tâm phát triển và hội nhập CDI, lương thấp là một thực tế không phải mới được đưa vào thảo luận. Đặt Việt Nam trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ thấy rằng đây không phải vấn đề Việt Nam có thể giải quyết mà đòi hỏi cả trách nhiệm của các nhãn hàng.
“Một mặt, nhãn hàng tăng các yêu cầu về tuân thủ tiêu chuẩn lao động, nhưng mặt khác lại không đầu tư về nguồn lực để cải tiến năng suất cũng như chi trả thêm mức lương đủ sống cho người lao động. Như vậy doanh nghiệp Việt Nam sẽ đứng giữa sức ép một bên là yêu cầu của người lao động và một bên là yêu cầu của khách hàng. Chúng tôi cho rằng vai trò của các nhãn hàng đặc biệt quan trọng trong vấn đề này", bà Hà nói.
Theo bà Kim Thị Thu Hà, Việt Nam đang hướng tới việc Nhà nước không can thiệp vào thang bảng lương của doanh nghiệp để đảm bảo tính chủ động của doanh nghiệp và quyền doanh nghiệp khi kinh doanh. Tuy nhiên để có bảng lương đáp ứng được sự kỳ vọng của người lao động thì vai trò của công đoàn trong quá trình thương lượng là rất quan trọng. Chừng nào vai trò của công đoàn chưa được thể hiện rõ nét thì thang bảng lương vẫn phụ thuộc phần lớn vào quyết định của người chủ doanh nghiệp./.
Việt Nam không thể thịnh vượng nếu mãi coi lao động giá rẻ là lợi thế
Lao động giá rẻ không còn là thế mạnh của Việt Nam trong kỷ nguyên số