80% trường hợp cong vẹo cột sống không rõ nguyên nhân
VOV.VN - Cong vẹo cột sống không đơn thuần là hạn chế vận động của hệ thống cơ xương mà ở trẻ nhỏ cong vẹo cột sống còn ảnh hưởng đến việc phát triển của tim phổi, các tạng...
Cuối tháng 3 vừa rồi, em Đinh Vân Nhi ở tỉnh Hải Dương quay trở lại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức tái khám. Nhi năm nay 10 tuổi, đã phẫu thuật nắn chỉnh cong vẹo cột sống từ tháng 9 năm ngoái.
Mẹ phát hiện Nhi bị cong vẹo cột sống từ lúc hơn 1 tuổi, kể từ đó, cô bé phải làm quen với chiếc áo nẹp cứng trong suốt 9 năm liền. "Mẹ phát hiện lúc con 15 tháng, tắm cho cháu thấy lõm 1 bên, khám ở viện Nhi Trung ương, đi chụp phim thì cong vẹo từ lúc nào. Mặc áo nẹp cứng từ lúc 15 tháng đến 9 tuổi. 3 tuổi sang đây thì bé quá nên các bác bảo chưa làm gì được, năm ngoái thì các bác sĩ bảo mổ được sau đó con bắt đầu dùng nẹp tăng trưởng" - mẹ của Nhi kể lại.
Tình trạng của Vân Nhi hiện đã cải thiện đáng kể, vừa kể lại quá trình sinh hoạt từ những ngày bé, mẹ của Vân Nhi vừa lần giở lại những hình ảnh lưu lại trong điện thoại để chúng tôi ( PV) hình dung được cuộc sống của một cô bé bị cong vẹo cột sống cong gần 60 độ.
"Chân Nhi bên dài bên ngắn, vai thì bên cao bên thấp, nó là con gái, em cũng lo, sau này còn sinh nở nữa, nhưng từ ngày mổ xong khỏe mạnh hơn rồi"- mẹ của em chia sẻ.
Nguyễn Bình Phương 14 tuổi cũng là một trường hợp bị cong vẹo cột sống đang điều trị tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Chị Nguyễn Thị Hồng – mẹ của Phương cho biết, vì là con gái nên mẹ cũng rất để ý, chăm chút uốn nắn dáng đi, cách ngồi cho Phương thế nên việc các bác sĩ chẩn đoán con bị cong vẹo cột sống làm chị khá bất ngờ: "Mình thấy eo của con 1 bên thẳng, 1 bên thắt eo hơn nên mới bảo eo con bị lệch nhưng lúc đó không nghĩ là cong veo cột sống. Cho đến lúc con ngồi đàn thì 2 vai cũng không bằng nhau nên mới đưa con đến viện để khám. Mình nghĩ con cong vẹo cột sống có thể do thời gian con phải học online ở nhà nhiều quá, có thể con ngồi không ngay ngắn".
Khi trẻ được chẩn đoán bị cong vẹo cột sống, nguyên nhân đầu tiên nhiều cha mẹ nghĩ đến đó là do thói quen sinh hoạt hàng ngày như ngồi học sai tư thế, mang vác nặng trong thời gian dài. Tuy nhiên theo PGS. TS Đinh Ngọc Sơn, Trưởng Khoa phẫu thuật cột sống, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, 80% trẻ cong vẹo cột sống không rõ nguyên nhân.
Ngoài ra, cong vẹo cột sống còn có thể gặp do các nguyên nhân:
Do bẩm sinh: Một số trẻ khi còn đang trong bụng mẹ hoặc sinh ra đã bị biến dạng cột sống như tật nửa thân đốt sống, dính đốt sống... gây nên vẹo cột sống.
Do thói quen sinh hoạt: Trẻ có thói quen ngồi học không đúng tư thế, bàn ghế học không đạt chuẩn, đeo cặp sách nặng lệch về một bên,... cũng khiến trẻ dễ mắc bệnh cong vẹo cột sống.
“Đầu tiên có thể là vẹo nhẹ, vẹo chức năng, tư thế co cơ nhưng nếu để lâu không có biện pháp xử lý thì chuyển thành vẹo thực thể, lúc đấy cột sống bị xoay và di lệch. Lúc này ngoài biến dạng theo chiều ngang thì còn biến dạng theo chiều dọc nữa. Những tổn thương lúc này đã cố định, phẫu thuật là biện pháp duy nhất”- PGS. TS Đinh Ngọc Sơn, Trưởng Khoa phẫu thuật cột sống, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết.
Các trường hợp bị vẹo cột sống từ bé càng đòi hỏi sự theo dõi điều trị hết sức nghiêm ngặt, bài bản để trẻ tiếp tục phát triển đồng thời kiểm soát cong vẹo để các nội tạng phát triển – PGS Sơn nhấn mạnh.
Trẻ bị vẹo cột sống ở phía lồng ngực thì có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của tim mạch, của phổi – dung tích của phổi bị giảm. Nếu ở phần thắt lưng dưới ảnh hưởng đến các tạng bên trong ổ bụng như dạ dày, ruột non đại tràng, gan...
Bố mẹ và người thân là những người gần gũi nhất để có thể sớm phát hiện những bất thường ở cột sống của trẻ. Có thể quan sát 2 vai của trẻ có thẳng không, Vai cao vai thấp, hai vai dốc không đều. Xương bả vai nhô ra, bên cao bên thấp, khoảng cách từ 2 mỏm xương bả vai đến gai đốt sống không bằng nhau. Hai mào chậu không cân đối, bên thấp bên cao. Trường hợp này có thể do chân dài chân ngắn, dẫn đến lệch trọng tâm cơ thể và vẹo cột sống do tư thế. Cột sống có thể cong vẹo sang một bên hoặc uốn ra phía trước, gây ra gù lưng so với trục giải phẫu bình thường của cột sống. Khi trẻ cúi xuống, đánh dấu các điểm dọc theo đốt sống sẽ thấy các điểm này không nằm trên một đường thẳng, mà bị lệch sang phải hoặc sang trái.
Các phương pháp điều trị bệnh cong vẹo cột sống ở trẻ hiện nay có thể kể đến là nẹp cột sống và phẫu thuật. Trong đó, phương pháp nẹp cột sống giúp nắn chỉnh cột sống của trẻ trở về trạng thái tự nhiên thông qua một dụng cụ giống chiếc đai nẹp đeo ở phần lưng. Phương pháp này phù hợp với trẻ trai dưới 18 tuổi và trẻ gái dưới 17 tuổi, không được sử dụng cho trẻ đã trường thành từ 22 - 25 tuổi. Trong quá trình sử dụng, trẻ cần đến khám các bác sĩ chuyên khoa Cơ xương khớp định kỳ 3 tháng khám một lần, 6 tháng chụp X-quang một lần.
"Vẹo cột sống là một bệnh lý khá phức tạp, biến dạng theo nhiều chiều. Mục đích điều trị vẹo cột sống là tại ra một trạng thái cân bằng mới của cột sống và không ảnh hưởng đến chức năng của các cơ quan như tim, phổi, lồng ngực hoặc ổ bụng, đồng thời làm thế nào giảm được cong vẹo càng nhiều càng tốt" - PGS. TS Đinh Ngọc Sơn, Trưởng Khoa phẫu thuật cột sống, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức thông tin.
Trường hợp trẻ bị cong vẹo cột sống mức độ nặng không thể mặc áo nẹp cột sống, có thể sẽ cần can thiệp phẫu thuật chỉnh hình. Tuy nhiên, ở Việt Nam chỉ có một số ít bệnh viện và trung tâm phẫu thuật chỉnh hình có thể tiến hành phẫu thuật.