Báo động tín dụng đen ở nông thôn Gia Lai
VOV.VN - Cùng với ở khu vực đô thị, tín dụng đen đang vươn dài tới các vùng nông thôn của Tây Nguyên.
Thực tế ở tỉnh Gia Lai cho thấy, tín dụng đen đang khiến người nông dân không thể thoát nghèo, còn một bộ phận tư thương lại giàu lên nhanh chóng.
Gia đình ông Siu Chbai thuộc diện hộ nghèo của thôn Plei Toan, xã Chư Kdăm, huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai. Nhiều năm nay, dù nỗ lực làm ăn song cái nghèo vẫn cứ luẩn quẩn với gia đình ông. Không những làm không đủ ăn, sản phẩm ở nương rẫy, ruộng vườn làm ra còn không đủ để trả lãi tư thương. Bởi vậy, với khoản vay ban đầu chỉ là 20 triệu đồng, lãi suất 5% mỗi tháng, sau hơn 10 năm, lãi mẹ đẻ lãi con, khoản tiền phải trả của gia đình ông đã lên tới hơn 150 triệu đồng.
Nhiều nông dân Tây Nguyên khó thoát nghèo vì nợ nần tín dụng đen. (Ảnh minh họa).
Đến lúc này, gia đình ông không thể trả lãi được nữa, đành phải bán đất rẫy đi để trả bớt một phần, khoản nợ còn lại cũng chưa biết lấy gì để trả: “Thực tế, tiền mặt ban đầu họ đưa là có 2 chục triệu. Tới bữa nay, cộng dồn lại là tới một trăm mấy chục triệu, nhưng năm nào mình cũng trả hết, trả liên tục đấy nhưng cũng không hết tiền lãi. Tiền lãi, càng tháng, càng năm là càng nặng, là mình không chịu nổi nữa. Tới bây giờ, mình không biết làm sao để có tiền để trả nữa”.
Việc vay vốn tư thương với lãi suất cao đã trở nên phổ biến ở các xã của huyện nghèo Ia Pa, tỉnh Gia Lai. Ở mỗi thôn buôn thường có một đến một vài hộ tư thương cho vay với lãi suất thông thường là 3-4% mỗi tháng nếu nông dân đồng ý bán toàn bộ nông sản làm ra cho tư thương. Ngược lại, lãi suất sẽ là 5-6%. Nếu tính ra lãi suất 1 năm sẽ là 36-72%, một mức lãi “cắt cổ” đối với bà con nông dân, nhất là những hộ nghèo ở vùng sâu, vùng xa. Điều khác biệt cũng là lý do nhiều người chọn hình thức vay này là bởi nó rất dễ, không cần bìa đỏ, phải thế chấp, không phải làm thủ tục gì, chỉ việc phải ký vào cuốn sổ ghi nợ là được vay với số tiền từ 15-30 triệu đồng, thậm chí 50 triệu đồng một mùa rẫy. Điều này là khác hẳn với việc đi vay của ngân hàng, số tiền được vay không được nhiều mà thủ tục khá rườm rà.
Ông Bùi Thanh Định, Phó Chủ tịch UBND xã Chư Kdăm, huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai, cho biết: “Bà con, trước mùa vụ không có tiền để đầu tư vào cánh đồng của mình, cho nên vay tư thương để đầu tư cho phân bón, giống. Đến mùa mới thu hoạch để trả. Khi thu hoạch, nếu được mùa thì trả đủ, nếu không được mùa thì vẫn nợ và cứ như thế, tư thương cứ tính lãi suất hàng năm tăng dần. Chính quyền xã cũng sử dụng các kênh như vay của dự án, Ngân hàng chính sách cho bà con vay. Nhưng mà, nhiều lúc bà con thấy vay tư thương nhanh hơn, còn vay ngân hàng chậm và trả lãi hàng tháng thì bà con không trả được, cho nên bà vẫn muốn vay tư thương”.
Theo thống kê của huyện Ia Pa, tình trạng nông dân vay nợ tư tương với lãi suất cao đang xảy ra tại 8/9 xã của huyện. Đến nay, đã có hàng trăm hộ không còn khả năng thanh toán. Trong đó, số tiền gốc chỉ là 18 tỷ đồng nhưng tiền lãi đã lên tới hơn 58 tỷ đồng.
Những hộ đi vay chủ yếu là hộ nghèo và cận nghèo, không có vốn đầu tư nên phải đi vay tư thương. Hiện chính quyền và ngành chức năng huyện Ia Pa đang vào cuộc để tìm giải pháp ngăn chặn tình trạng này. Tuy nhiên, việc xử lý là rất khó, bởi các mức lãi suất của tư thương hiện nay chưa vi phạm các quy định về tín dụng.
Trung tá Trịnh Văn Đạt, Phó trưởng Công an huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai, nói: “Về mặt xử lý cơ quan chức năng chưa có căn cứ để xử lý. Chỉ khuyến cáo với bà con, nên đến các tổ chức tín dụng có địa chỉ rõ ràng như Ngân hàng Phát triển nông thôn, Ngân hàng Chính sách để vay vốn với lãi suất phù hợp bà con. Như thế, bà con mới đảm bảo được cuộc sống. Còn vay với lãi suất cao với các cá nhân ở ngoài thì bà con khó đảm bảo trả lãi cho người ta”.
Việc nông dân vay tư thương với lãi suất cao ở huyện Ia Pa đang là điển hình cho vấn đề tín dụng đen hoành hành ở nhiều buôn làng Tây Nguyên trong suốt nhiều năm.
Các điểm cho vay này hoạt động công khai, chưa có quy định để quản lý, kiểm soát và thả sức kiếm lợi lớn từ người nghèo. Một mặt họ kiếm lợi từ khoản tiền cho vay, mặt khác lại kiếm lợi được khi thu mua được lượng lớn nông sản của nông dân. Cũng chính vì thua thiệt đủ đường mà cái nghèo vẫn cứ quanh quẩn ở nhiều nơi của huyện Ia Pa nói riêng, Tây Nguyên nói chung./. Gia Lai: Thêm một đại lý nông sản vỡ nợ hơn 36 tỷ đồng