Bệnh viện chữa bệnh kiểu “đem con bỏ chợ”, bệnh nhân bức xúc
VOV.VN -Bệnh viện này không thực hiện được trọn vẹn kỹ thuật và đề nghị bệnh nhân đến một bệnh viện khác để tiếp tục thực hiện ca phẫu thuật.
Theo phản ánh của một số bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Mắt Cao Thắng (TP HCM), dù đã đóng tiền trọn gói cho dịch vụ phẫu thuật mắt, nhưng bệnh viện đã không thực hiện được trọn vẹn kỹ thuật.
Bệnh viện trả lại tiền và đề nghị bệnh nhân tự đến một bệnh viện khác để tiếp tục thực hiện ca phẫu thuật. Điều này khiến nhiều bệnh nhân bức xúc vì cho rằng bệnh viện đã không làm tròn trách nhiệm của mình.
“Đem con bỏ chợ”
Chị Đ. T. D (28 tuổi) ở huyện Hóc Môn, TP HCM cho biết, vào tháng 7/2014, chị được yêu cầu đóng 24 triệu đồng cho Bệnh viện Mắt Cao Thắng (trụ sở tại số 135 Trần Bình Trọng) để được phẫu thuật điều trị cận bằng phương pháp Lasik – Lasek.
Bệnh viện Mắt Cao Thắng |
Sau khoảng 6 tháng theo dõi tình trạng bệnh, nếu mắt vẫn bị tăng độ cận bệnh nhân sẽ được mổ tiếp lần 2. Với tình trạng bệnh của mình, chị D sẽ phải tiếp tục được mổ lần 2 vào tháng 2/2015. Tuy nhiên, chị được Bệnh viện Mắt Cao Thắng thông báo là phải chờ đợi vì bác sĩ phẫu thuật lần 1 là bác sĩ Nguyễn Thị Mai đã nghỉ việc.
Bệnh nhân này phải chờ đợi thêm 4 tháng và rất nhiều lần phải liên hệ lại bệnh viện để biết thông tin. Cuối cùng thì Bệnh viện cũng đưa ra phương án giải quyết là sẽ hoàn trả số tiền khoảng 5,5 triệu đồng và tự liên hệ với Bệnh viện Pháp – Việt là nơi bác sĩ Nguyễn Thị Mai làm việc để được chính vị bác sĩ này phẫu thuật cho lần 2.
Tuy nhiên, để được phẫu thuật tại một cơ sở y tế mới này, chị D phải đóng số tiền là 10 triệu đồng. Như vậy, ngoài việc phải chờ đợi lâu, phải tự đi đến nơi khác để được phẫu thuật, thì bệnh nhân còn phải mất thêm khoảng 4,5 triệu đồng.
Chị Đ. T. D bức xúc vì cảm thấy bị bệnh viện bỏ rơi, phủi bỏ trách nhiệm: “Thực sự tôi không hài lòng vì họ vô trách nhiệm lắm. Chị Tươi (nhân viên chăm sóc khách hàng) nói rằng Bệnh viện đã làm hết sức rồi, chỉ có thể giải quyết mỗi một bệnh nhân qua bên Bệnh viện Pháp – Việt là phải đóng 10 triệu, rồi chấm câu ở đó, không trả lời thêm. Tôi nói là nếu tôi không đồng ý thì sao, thì chị đó nói: Đó là quyền của bạn. Điều đó khiến tôi bức xúc. Nếu bệnh viện muốn chuyển bệnh nhân sang bệnh viện khác thì Bệnh viện Mắt Cao Thắng phải chịu toàn bộ trách nhiệm chứ bệnh nhân đâu có yêu cầu chuyển bệnh viện đâu?”.
Các bệnh nhân cho rằng, tiền đã đóng cho bệnh viện trọn gói thì bệnh viện phải có trách nhiệm thực hiện trọn gói dịch vụ chứ không thể "đem con bỏ chợ" như vậy. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Danh Khôi - Tổng Giám đốc Bệnh viện Mắt Cao Thắng xác nhận sự việc này là có thật. Số lượng bệnh nhân rơi vào trường hợp như chị Đ. T. D vào khoảng 60 người.
“Lúc trước có khoảng 50-60 người, nhưng từ từ giải quyết thì giờ chỉ còn lại một số ít. Có một số người họ không muốn mổ lần 2 thì mình trả lại tiền. Một số người khác, thì mình trả lại tiền và họ qua Bệnh viện Pháp - Việt để mổ. Chỉ còn lại một số ít bệnh nhân không chấp nhận phương án này. Nếu không thỏa thuận được thì Bệnh viện sẽ đưa trường hợp này lên để Sở Y tế cho ý kiến giải quyết” - ông Nguyễn Danh Khôi nói.
Bệnh viện cho rằng kỹ thuật Lasik – Lasek khi được thực hiện bởi bác sĩ nào thì phải chính người đó thực hiện ca phẫu thuật tiếp theo. Do đó, khi bác sĩ Nguyễn Thị Mai chuyển công tác thì Bệnh viện không thể thực hiện được kỹ thuật này.
Trách nhiệm thuộc về Bệnh viện Mắt Cao Thắng
Tuy nhiên, theo bác sĩ Nguyễn Thị Mai, vấn đề chính của Bệnh viện Mắt Cao Thắng là do không còn bác sĩ có đủ tay nghề để thực hiện kỹ thuật này nên mới dẫn đến tình trạng “trả lại” tiền thừa cho bệnh nhân. Bác sĩ Nguyễn Thị Mai cho biết, nếu được yêu cầu thì vẫn sẵn sàng phẫu thuật, thậm chí là làm miễn phí cho những bệnh nhân này.
Tuy nhiên chị chưa nhận được lời đề nghị chính thức nào từ phía Bệnh viện Mắt Cao Thắng: “Trách nhiệm của bác sĩ thì tôi sẽ mổ cho bệnh nhân. Còn về tiền bạc thì Bệnh viện Mắt Cao Thắng phải giải quyết cho bệnh nhân. Giải quyết hợp tình hợp lí là phải trả trọn gói 10 triệu để Bệnh viện Pháp – Việt thực hiện phẫu thuật. Bởi nếu không có người mổ được thì Bệnh viện phải tự chịu chi phí khi chuyển bệnh nhân đến nơi khác, chứ không thể để bệnh nhân chịu phí này được. Đó là điều cực kỳ vô lý của Bệnh viện Mắt Cao Thắng”.
Theo Luật sư Trần Ngọc Diệu, Công ty Luật Minh Trung thì khi bệnh nhân đã đóng viện phí đầy đủ cho bệnh viện và được xác nhận bằng hóa đơn thanh toán thì đây là một hợp đồng dịch vụ và do đó Bệnh viện Mắt Cao Thắng phải có trách nhiệm thực hiện tiếp việc điều trị cho bệnh nhân.
Luật sư Trần Ngọc Diệu nói: “Căn cứ theo Khoản 1, Điều 522 Bộ Luật Dân sự 2005 thì phía bệnh viện chưa thực hiện được các thỏa thuận. Lỗi ở đây là ở bệnh viện chứ không phải người bệnh. Bệnh viện phải có trách nhiệm tiếp tục điều trị cho bệnh nhân và nếu không đủ điều kiện thì phải chuyển bệnh nhân sang bệnh viện khác thì phải lo toàn bộ chi phí cho bệnh nhân”.
Sự việc này cho thấy sự thiếu chuyên nghiệp trong hoạt động của các cơ sở y tế tư nhân hiện nay. Chỉ cần có một sự thay đổi nhỏ như về nhân sự thì những nơi này rơi vào tình trạng lúng túng đến nỗi không thể thực hiện được kỹ thuật y tế như đã cam kết với bệnh nhân.
Từ chuyên môn cho đến vấn đề tổ chức, cơ sở y tế tư nhân vẫn còn một khoảng cách khá lớn với các cơ sở y tế công lập./.