TP.HCM: Bệnh viện coi bệnh nhân như "ông chủ"
VOV.VN -Tư duy táo bạo, hành động mạnh mẽ và cách làm riêng biệt, những bệnh viện tuyến quận - huyện vẫn có thể tạo dựng được thương hiệu cho mình.
Với phương châm “Tất cả vì người bệnh”, một số bệnh viện quận, huyện tại thành phố Hồ Chí Minh đã thay đổi từ phong cách phục vụ đến chiến lược phát triển và thu hút được rất đông bệnh nhân, từng bước xây dựng được thương hiệu.
Bệnh nhân hoàn toàn hài lòng
Có dịp đến Bệnh viện Quận 2 năm năm trước và bây giờ, nhiều người sẽ bất ngờ vì lượng bệnh nhân đến khám và điều trị ở đây. Hiện nay, trung bình mỗi ngày, bệnh viện có từ 1.200 đến 1.400 bệnh nhân đến khám, trong khi trước đây chỉ vào khoảng 300-400.
Tư vấn sức khỏe cho người dân tại Bệnh viện quận 2 |
Công suất sử dụng giường bệnh lên đến 90%, tỷ lệ chuyển viện giảm đến 83%. Bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện Quận 2 không chỉ là người tại địa phương mà còn ở nhiều quận huyện lân cận như quận 4, quận 7, Nhà Bè và thậm chí ở các huyện Long Thành, Nhơn Trạch của tỉnh Đồng Nai.
Bệnh nhân Lê Minh Vũ cho biết: “Sáng giờ khám ở đây, tôi thấy quy trình gọn gàng, không bị vướng mắc ở khâu nào hết. So với lúc trước thì thời điểm hiện tại tiến bộ nhiều. Tôi hài lòng về cách phục vụ, máy móc có lẽ hiện đại hơn. Lúc trước chỉ đi khám bao tử còn bây giờ thì đi khám và điều trị các bệnh khác. Nói chung là gần như hài lòng hoàn toàn về các xét nghiệm ở đây”.
Để thu hút được bệnh nhân đến khám và điều trị, Bệnh viện Quận 2 đã thực hiện sửa chữa và xây mới khuôn viên bệnh viện, tăng cường thêm máy móc hiện đại, nâng cao trình độ chuyên môn.
Một trong những bước thay đổi mạnh mẽ nhất chính là bệnh viện đã mạnh dạn kết nối với một loạt bệnh viện chuyên khoa tuyến cuối như: Từ Dũ, Trưng Vương, Bệnh viện Mắt, Bệnh viện Ung bướu, Nhi đồng 2… để mở 8 phòng khám vệ tinh, Khoa Nhi vệ tinh và Khoa Ung bướu vệ tinh.
Bệnh viện cũng xây dựng được một phòng khám Bác sĩ gia đình với sự hỗ trợ của hơn 40 giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ có tay nghề cao từ các bệnh viện tuyến cuối. Điều này đã giúp cho Bệnh viện Quận 2 vừa thu hút được nhiều bệnh nhân vừa tạo điều kiện cho đội ngũ nhân viên y tế của bệnh viện được học tập, nâng cao tay nghề.
Theo bác sĩ Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện Quận 2, quan trọng nhất chính là thay đổi trong tư duy quản lý bệnh viện, trong đó tập trung vào công tác tổ chức cán bộ: “Con người điều hành cái máy chứ không phải ngược lại. Con người biết sắp xếp bố trí đúng chỗ, biết vị trí, thấy được ưu điểm của từng người từ đó sắp xếp bộ máy vừa tinh gọn vừa chuyên nghiệp, đúng vị trí của từng người thì bệnh viện sẽ phát triển. Cũng phải quan tâm đến đời sống vật chất và tinh thần như chế độ, thu nhập thêm, nâng cao trình độ cho cán bộ”.
Cũng với quyết tâm đổi mới, Bệnh viện quận Thủ Đức tập trung vào ứng dụng công nghệ thông tin trong khám chữa bệnh. Đây có thể xem là bệnh viện dẫn đầu cả thành phố về ứng dụng công nghệ trong quản lý bệnh viện.
Mỗi bệnh nhân đến khám lần đầu được cấp một mã số thẻ, để bệnh viện có thể quản lý thông tin cá nhân và tự động chuyển số thứ tự vào các phòng khám hợp lý. Bệnh nhân điều trị các bệnh mãn tính còn được nhắc nhở lịch tái khám bằng tin nhắn qua điện thoại.
Chăm sóc sức khỏe cho người dân tại Bệnh viện Bình Thạnh |
Đặc biệt, Bệnh viện quận Thủ Đức đã xây dựng được đơn thuốc điện tử để hỗ trợ bác sĩ trong việc ra đơn thuốc, cảnh báo khi trùng hợp chất hay tương tác trong một toa thuốc. Áp dụng tin học trong quản lý phác đồ điều trị còn giúp hạn chế việc bác sĩ cho toa thuốc không đúng với các xét nghiệm cận lâm sàng, tránh kê toa các loại thuốc quá đắt tiền hay cho quá nhiều loại thuốc không phù hợp.
Với việc áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý bệnh viện cũng như những nỗ lực cải tiến chất lượng khám chữa bệnh, đến nay, Bệnh viện quận Thủ Đức là bệnh viện quận huyện đầu tiên và duy nhất tại thành phố Hồ Chí Minh được xếp hạng bệnh viện hạng 1.
Bác sĩ Hồ Hải Trường Giang, Phó Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện quận Thủ Đức cho biết: “Tất cả các hoạt động quản lý của bệnh viện đều dùng công nghệ thông tin, từ khâu quản lý hồ sơ bệnh án, bệnh nhân, dược, viện phí, chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm. Ngay cả trong điều hành bệnh viện như quản lý nhân sự, công văn, bằng cấp…đều lưu dữ liệu trên mạng. Đặc biệt là các phác đồ điều trị đều phải được khai báo vào phần mềm, từ thuốc, vật tư y tế tiêu hao và các xét nghiệm cận lâm sàng”.
Coi bệnh nhân như “ông chủ”
Một bệnh viện tuyến quận/huyện nổi bật nữa là Bệnh viện quận Bình Thạnh với 280.000 người có thẻ Bảo hiểm y tế đăng ký khám chữa bệnh, đông nhất thành phố. Đây cũng là bệnh viện quận/huyện đầu tiên của thành phố thực hiện tự chủ tài chính với số thu lớn hơn chi đến 20 tỷ đồng chỉ trong năm 2014.
Chủ trương của bệnh viện là tập trung vào chăm sóc sức khỏe ban đầu cho bệnh nhân, thay vì cố gắng thực hiện nhiều kỹ thuật khó hay chuyên sâu – vốn là thế mạnh của các bệnh viện tuyến cuối và chuyên khoa. Bệnh viện thực hiện khám thông tầm, nghĩa là thực hiện khám và điều trị liên tục không nghỉ từ 6 giờ sáng đến 18 giờ tối mỗi ngày, kể cả thứ Bảy và Chủ nhật.
Không chỉ thực hiện nhiều giải pháp giảm thời gian chờ đợi cho bệnh nhân, Bệnh viện quận Bình Thạnh còn chủ động liên hệ với Bảo hiểm xã hội thành phố để có thể thanh toán Bảo hiểm y tế cho dịch vụ khám chữa bệnh tại nhà.
Bác sĩ Phạm Bảo Lâm, Giám đốc Bệnh viện quận Bình Thạnh cho biết, phương châm của bệnh viện là xem bệnh nhân như “ông chủ”, nên phải phục vụ chu đáo nhất có thể. Sự hài lòng của người bệnh là hạnh phúc của người thầy thuốc. Mỗi bệnh nhân là có một bác sĩ, nghĩa là bệnh nhân được lựa chọn bác sĩ, nếu thấy bác sĩ nào tốt thì cứ theo. Bác sĩ nào càng giao tiếp tốt, càng điều trị tốt thì càng yên tâm về thu nhập, trung bình thu nhập khoảng 20-25 triệu đồng/tháng. Bệnh viện áp dụng biện pháp không nghỉ lễ, không nghỉ Tết, không nghỉ bù để tăng thu cho bệnh viện và thuận lợi hơn cho bệnh nhân.
Những kết quả đạt được của các bệnh viện này cho thấy: Chỉ cần có tư duy táo bạo, hành động mạnh mẽ và cách làm riêng biệt, thì những bệnh viện tuyến quận - huyện vẫn có thể tạo dựng được thương hiệu cho mình.
Đây cũng là cách góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh ở các bệnh viện này; đồng thời, giảm bớt áp lực quá tải cho các bệnh viện chuyên khoa tuyến cuối./.