“Bịt” kẽ hở để chặn hợp pháp hóa tài sản phi pháp
VOV.VN -Việc quy định thời hiệu trong Bộ luật Dân sự sửa đổi nếu không chặt sẽ bị lợi dụng để trốn tránh nghĩa vụ, hợp pháp hóa tài sản phi pháp.
Bỏ thời hiệu khởi kiện đòi nợ?
Tại Tọa đàm “Một số điểm mới trong dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi” vừa diễn ra vừa qua tại Hà Nội, ông Nguyễn Hồng Hải, Vụ phó Vụ Pháp luật Dân sự- kinh tế, Bộ Tư pháp cho biết, Dự thảo đã thay đổi cách quy định thời hiệu.
Theo luật hiện hành có thời hiệu khởi kiện, thời hiệu nhượng quyền và thời hiệu miễn trừ nghĩa vụ. Trong đó, thời hiệu khởi kiện là khoảng thời hạn theo luật định chủ thể dân sự phải yêu cầu tòa án bảo vệ quyền của mình. Hết thời hạn đó nếu có yêu cầu thì tòa án sẽ từ chối giải quyết. Theo ông Hải, đây là cách quy định không đảm bảo tốt quyền của chủ thể và không thể hiện được vai trò bảo vệ công lý của tòa án.
“Dự thảo thay đổi cách nhìn nhận. Trong một hợp đồng liên quan đến bồi thường thiệt hại, pháp luật quy định 2 năm hoặc 3 năm thì người bị thiệt hại phải yêu cầu tòa án buộc bên gây hại bồi thường. Hết thời gian đó bên gây thiệt hại có quyền suy đoán cho rằng người bị thiệt hại coi như miễn trừ nghĩa vụ cho mình. Cách quy định này xét về lâu dài là có ý nghĩa”, ông Hải phân tích thêm.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Hồng Hải cũng cho rằng đối với quyền sở hữu không có thời hiệu, luôn luôn trong mọi trường hợp phải được bảo vệ, trừ trường hợp anh để cho người khác chiếm hữu ngay tình, liên tục, công khai.
Chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Minh Phong cũng cho rằng nên bỏ thời hiệu khởi kiện gắn với nợ có bằng chứng, văn tự hợp pháp. Vì thực tế có nhiều người vay nợ rồi cố tình trốn tránh để cho hết thời hiệu. Việc quy định thời hiệu khởi kiện vô tình xóa mất quyền khởi kiện đòi món nợ mà trước đây được các bên ghi nhận tự nguyện, hợp pháp.
Liên quan thời hiệu hưởng quyền dân sự và thời hiệu miễn trừ nghĩa vụ dân sự, ông Phong đề nghị nên cân nhắc trường hợp đối với đất đai, tài sản giá trị lớn và có bằng chứng.
“Đừng quy định cứng nhắc vì nếu không sẽ tạo sự lạm dụng xét ở hai khía cạnh: Người có nghĩa vụ phải trả tìm cách lẩn trốn, trì hoãn, hết thời hiệu tự nhiên họ vô tội. Trường hợp này hay xảy ra và dễ nảy sinh tranh chấp mang tính chất hình sự vì người ta sẽ đòi bằng “luật rừng”. Về trường hợp tài sản tham nhũng, hết thời hiệu khởi kiện thì họ lại được hưởng”, ông Phong lưu ý.
Ở một góc độ khác, theo TS Nguyễn Minh Phong, trong kinh doanh, nếu chúng ta không ngăn chặn được tình trạng đòi nợ khó thì các doanh nghiệp không dám làm ăn với nhau hoặc làm theo kiểu chộp giật, tăng các hành vi lừa đảo, làm ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh, đến quá trình liên kết, hợp tác phát triển kiểu văn minh.
Nên tạo điều kiện cho người dân thu thập chứng cứ
Cho rằng Dự thảo Bộ luật Dân sự vẫn phải giữ thời hiệu khởi kiện, nhưng TS Phạm Văn Tuyết- ĐH Luật Hà Nội, với khởi kiện hợp đồng, nhất là hợp đồng vay, hiện có 2 luồng suy nghĩ: Hết thời hiệu mà bên cho vay không đòi thì người vay suy đoán chủ nợ không đòi nữa, họ được miễn trả nợ. Nhưng ngược lại người vay lẩn trốn, người cho vay ốm yếu, đi công tác xa không thực hiện được việc kiện trước tòa thì dự thảo cũng quy định thêm về tính lại thời hiệu, thời gian không được tính vào thời hiệu.
Trường hợp khác, khi đến gần hết thời hiệu thì người cho vay khởi kiện, người kia không trả và cứ thế thời hiệu tính từ ngày khởi kiện. “Điều này lại cho thấy người có quyền luôn phải làm những việc mà đáng lẽ họ không phải làm. Dù biết không đòi được nhưng vẫn phải nộp đơn trước tòa để khởi kiện và sự việc kéo dài”, ông Tuyết nêu quan điểm, đồng thời cho rằng nên bỏ thời hiệu tranh chấp về quyền đòi nợ.
Theo ông Nguyễn Hồng Hải, Vụ phó Vụ Pháp luật Dân sự- kinh tế, Bộ Tư pháp, hiện thời hiệu tính từ thời điểm người đòi nợ biết hoặc phải biết bên kia vi phạm nghĩa vụ đối với mình: “Đến thời hạn trả nợ chỉ cần thông báo cho người vay nợ phải trả, tức tôi thể hiện ý chí không miễn trừ nghĩa vụ cho anh. Thời hiệu tính từ lúc tôi nhắc nhở anh. Việc anh trốn tránh trả nợ là thời hạn sự việc khách quan không tính vào thời hiệu đối với biên người có quyền”.
Về trách nhiệm chứng minh với tòa án, ông Hải nhấn mạnh, tòa án là trọng tài căn cứ chứng cứ đương sự đưa ra để quyết ai đúng. Việc Tòa án đi tìm chứng cứ thay cho đương sự sẽ không khách quan, và trong dân sự tòa án không có nghĩa vụ thu thập chứng cứ.
Tuy nhiên có quan điểm cho rằng những người yếu thế, người nghèo, khó khăn không đủ điều kiện thu thập chứng cứ thì tòa án thu thập chứng cứ cho họ. Theo ông Nguyễn Hồng Hải, trường hợp này tố tụng pháp luật dân sự nên có cơ chế cho người dân có điều kiện thu thập chứng cứ. Ví dụ thay vì tòa án yêu cầu cơ quan hành chính cung cấp chứng cứ cho vụ việc cụ thể thì tòa án ra lệnh cho phép người dân được đến cơ quan này thu thập chứng cứ./.