Cân nhắc kỹ về tăng lương tối thiểu để tránh đẩy lao động vào "bẫy" thất nghiệp
VOV.VN - Chuyên gia cho rằng, việc tăng lương tối thiểu sẽ đẩy chi phí lên cao, tạo áp lực cho doanh nghiệp, thậm chí, có thể đẩy một số nhóm lao động vào nguy cơ thất nghiệp do doanh nghiệp quá tải chi phí.
Mới đây, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đã đề xuất tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1/7/2021 thay vì kiến nghị giữ ổn định, không tăng lương tối thiểu như Hội đồng tiền lương quốc gia đã đưa ra trước đó.
Trao đổi về vấn đề này, ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, năm 2020, nền kinh tế vừa phải trải qua cú sốc lớn do tác động của dịch Covid-19, theo dự báo, năm 2021, tình hình kinh tế có thể khởi sắc hơn, song sự phục hồi cần có thời gian.
Theo chuyên gia này, thực tế, không chỉ người lao động, mà cả doanh nghiệp cũng mong muốn có thể tăng lương khi tình hình sản xuất, kinh doanh tốt, nhằm giữ chân lao động trong bối cảnh thị trường rất cạnh tranh. Tuy nhiên, việc tăng lương tối thiểu cần căn cứ vào mức sống tối thiểu, thị trường, điều kiện kinh tế xã hội. Hiện nay, Chính phủ đang nỗ lực để kìm chế lạm phát theo chỉ tiêu đề ra của Quốc hội, bình ổn giá cả, ổn định tiền lương trên thực tế.
Do đó, ông Phạm Minh Huân cho rằng, đến tháng 7/2021, nên xem xét tình hình kinh tế xã hội để điều chỉnh tiền lương tối thiểu năm 2022. Người lao động nên tạm nén nhu cầu để hoãn tăng lương trong năm 2021. Điều này phù hợp với điều kiện thực tế. Thay vào đó, nên tập trung phục hồi sản xuất để kéo lao động bị mất việc quay trở lại thị trường lao động để có việc làm, thu nhập.
Nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH cũng cho rằng, đối với doanh nghiệp, lương là chi phí, việc xác định mức lương thường được xây dựng kế hoạch theo năm tài chính, tức từ 1/1 đầu năm để doanh nghiệp có sự chuẩn bị. Nếu đến 1/7 mới điều chỉnh, sẽ dẫn đến nửa năm đầu 1 mức lương, nửa năm sau 1 mức lương khác, tác động trực tiếp đến giá thành sản phẩm trên thị trường.
Ông Phạm Minh Huân cũng nhấn mạnh, việc tăng lương tối thiểu cần tính toán theo lộ trình từ 5-10 năm, dựa vào các dự báo về nhu cầu, tốc độ tăng trưởng kinh tế, từ đó có kế hoạch điều chỉnh tiền lương cho phù hợp.
Còn theo bà Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ LĐ-TB-XH), có thể xem xét việc tăng lương tối thiểu vùng cho người lao động. Năm 2020, dù gặp nhiều khó khăn, nhưng Việt Nam vẫn ghi nhận những điểm sáng về tăng trưởng kinh tế, đây là điều kiện có thể tăng lương.
Song bà Nguyễn Thị Lan Hương cũng lưu ý rằng, chỉ nên tăng ở mức thấp từ 3-4% thay vì khoảng 7% như những năm trước.
“Nếu có điều kiện thì nên tăng lương cho lao động, nhưng chỉ nên tăng ở một tỷ lệ rất nhỏ, có thể chỉ bằng tốc độ tăng của CPI năm 2020, điều chỉnh ở mức thấp để đảm bảo khả năng chi trả của doanh nghiệp”, bà Hương nêu quan điểm.
Chuyên gia này cũng cho rằng, tăng lương sẽ là nguồn động lực lớn, động viên người lao động sau một năm làm việc vất vả, nhưng cũng cần lưu ý đến những nhóm lao động khác nhau. Bởi bên cạnh những lao động được hưởng lợi, sẽ có những người phải ra khỏi nhà máy do doanh nghiệp không thể “gánh” nổi áp lực từ tăng lương tối thiểu, dẫn đến tăng chi phí, buộc phải sa thải lao động. Bởi tăng lương không chỉ đơn thuần là tăng tiền lương chi trả, mà sẽ kéo theo các chi phí khác như tăng tiền đóng BHXH...
“Đây là câu chuyện phải cân nhắc kỹ, tôi biết có đơn vị dệt may nói rằng khi tăng một đồng lương tối thiểu thì họ phải tăng chi phí lên gấp 3 lần”, bà Hương cho hay.
Trước đó, trao đổi về vấn đề này, ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, việc cơ quan này đưa ra đề xuất căn cứ trên nhiều cơ sở khác nhau. Theo ông Lê Đình Quảng, năm 2020, khi xem xét mức lương tối thiểu năm 2021 được đặt trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động trực tiếp tới hoạt động của doanh nghiệp và nền kinh tế, do đó, Hội đồng Tiền lương quốc gia, Bộ LĐ-TB-XH đã đề xuất sẽ không điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng năm 2021, giữ nguyên mức như năm 2020.
Tuy nhiên, đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhấn mạnh, cơ quan này chỉ đồng ý chưa xem xét điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng năm 2021 cho đến ngày 30/6/2021, còn sang năm 2021, vẫn cần xem xét các thông tin, căn cứ vào tình hình kinh tế xã hội, khả năng khắc phục đại dịch Covid-19 làm căn cứ điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng cho lao động.
Ông Lê Đình Quảng cũng cho rằng, trong năm nay 2020, dù gặp rất nhiều khó khăn nhưng GDP vẫn tăng trưởng dương, năng suất lao động tăng 5,4%, các chỉ tiêu về tổng kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu, thành lập doanh nghiệp… Đây là cơ sở để xem xét điều chỉnh tiền lương. Nếu không điều chỉnh, tiền lương tối thiểu sẽ không đáp ứng mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ.
Theo ông Quảng, việc tăng lương tối thiểu chắc chắn sẽ ảnh hưởng, làm tăng chi phí cho doanh nghiệp, song điều này cũng sẽ tạo cho doanh nghiệp áp lực cải tiến kỹ thuật, tiết giảm những chi phí không cần thiết để tăng lương cho người lao động. Việc tăng cũng sẽ ở mức độ nào đó có thể hài hòa cho cả 2 phía, đảm bảo được người lao động có mức tăng lương tương ứng để đảm bảo cuộc sống, đặc biệt là để đảm bảo an sinh xã hội./.