Cao tốc 34.000 tỷ vừa thông xe đã hỏng: Tấm áo vá trị giá tỷ đô
VOV.VN -Có hay không việc tiêu cực, thông thầu, bán thầu, chỉ định thầu vô tội vạ dẫn đến tuyến cao tốc tỷ đô Đà Nẵng - Quảng Ngãi vừa thông xe đã hỏng...?
Tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi với mức đầu tư hơn 34.000 tỷ đồng (1,65 tỷ USD) vừa mới thông xe đã xuất hiện chi chít ổ gà, ổ trâu khiến nhiều người liên tưởng và ví nó như một tấm áo tỷ đô nhưng rách tươm, và không khỏi xót xa cho đồng tiền bỏ ra không xứng đáng với công trình nhận được.
Công nhân sửa chữa, vá ổ gà trên cao tốc tỷ đô bằng phương pháp thủ công.
Ngày 13/10, khi thị sát công tác khắc phục hư hỏng tại cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Lê Đình Thọ cũng không khỏi bức xúc trước thực trạng vá víu cao tốc thủ công, phản cảm và bong tróc trở lại ngay sau khi khắc phục.
“Có vấn đề” là cảm nhận, nghi vấn mà Thứ trưởng Lê Đình Thọ đặt ra. Lãnh đạo Bộ GTVT cũng nhận định, hỏng hóc trên cao tốc này là do không đảm bảo chất lượng nhưng nguyên nhân thì cần phải kiểm tra, xác minh kỹ mới kết luận cụ thể.
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ và Chủ tịch HĐTV VEC, Cục quản lý chất lượng công trình giao thông kiểm tra hiện trường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. |
Bên cạnh đó, còn nhiều vấn đề khác như phải làm sáng tỏ những nghi ngờ về có hay không việc làm ăn gian dối tại tuyến đường này; có hay không việc tiêu cực, thông thầu, bán thầu, chỉ định thầu vô tội vạ; làm rõ nhiều đơn thư tố cáo chưa được xem xét, giải quyết.
Không đảm bảo chất lượng nên đường mới hỏng
Với hàng chục năm thi công các công trình giao thông, kỹ sư cầu đường Nguyễn Đức Thịnh nhìn nhận, hệ thống đường cao tốc Bắc Nam (trong đó có cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Cầu Giẽ - Ninh Bình, Nội Bài - Lào Cai...) là hệ thống cao tốc cấp cao nhất, được đầu tư thiết kế nghiêm túc, tiêu chuẩn quốc tế với chi phí rất lớn, đến hơn 10 triệu USD/km mà vừa làm xong đã có hư hỏng là không thể chấp nhận được.
Sau khi Bộ GTVT phê bình và yêu cầu thay nhà thầu sửa chữa cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, việc thi công sửa chữa có phần chuyên nghiệp hơn đôi chút.
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới đường hỏng cần xem xét, đánh giá lại tổng thể về thiết kế thi công nền, mặt đường và thiết kế, thi công taluy hai bên mái đường xem đã đảm bảo đủ các yếu tố chưa.
Không loại trừ nhà thầu thi công ẩu, thi công nền đường không đảm bảo dẫn đến sụt lún, lu lèn không đảm bảo (không đủ lượt, đủ tải trọng...), thoát nước ngầm không tốt, dẫn đến nước ngấm qua nền đường, lên đến mặt đường gây bong tróc, hư hỏng.
Cần đánh giá, thẩm định vật liệu đầu vào để làm bê tông nhựa mặt đường (bao gồm các thành phần vật liệu, độ nhám bề mặt cốt liệu, hình dạng hạt và cỡ hạt, loại nhựa sử dụng, độ rỗng dư, độ rỗng cốt liệu, phần trăm lỗ rỗng lấp đầy bằng nhựa đường, cấp phối trộn) có thể không tuân thủ tiêu chuẩn thiết kế, dẫn đến không đảm bảo chất lượng mặt đường bê tông nhựa.
“Công tác rải bê tông nhựa không đảm bảo, khi trời mưa mà vẫn rải; phần tiếp giáp giữa bê tông nhựa và lớp kế tiếp ẩm ướt, bụi bẩn dẫn tới không dính bám làm giảm chất lượng, dễ bong tróc. Do chất lượng thi công nền đường, nền đường không đảm bảo chất lượng, gây ra hiện tượng lún, làm mặt đường nhựa bị nứt gãy....”, kỹ sư Nguyễn Đức Thịnh phân tích.
Nền đường nhựa cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi "bở" đến nỗi chỉ cần đục nhẹ cũng lên.
Cùng quan điểm trên, TS Nguyễn Xuân Thủy cho rằng, việc hư hỏng mặt đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi là do việc thiết kế chi tiết không đảm bảo với những điều kiện không phù hợp với đặc điểm thổ nhưỡng dẫn tới việc thi công không phù hợp.
Tiếp đến là đơn vị thi công, bao gồm công nghệ và các bước thi công có phù hợp, có đảm bảo đầy đủ các bước công nghệ hay là có hiện tượng bỏ qua các bước để giảm bớt chi phí còn giảm bước nào thì khi cơ quan chức năng kiểm tra sẽ phát hiện ra. Bên cạnh đó, không loại trừ khả năng có hiện tượng rút ruột giảm bớt vật tư thiết yếu.
Ngoài ra, việc các đơn vị giám sát thi công “mắt nhắm mắt mở bỏ qua công đoạn cần thiết để đơn vị thi công tự tung tự tác” cũng dễ dẫn tới hiện tượng hư hỏng ngay sau khi vận hành.
Nguyên nhân quan trọng khác được các chuyên gia mổ xẻ là chủ đầu tư đã buông lỏng quản lý và nghiệm thu chất lượng công trình; chọn nhà thầu không đạt yêu cầu; tư vấn giám sát kém dẫn tới chất lượng công trình không đảm bảo và cuối cùng là lập hội đồng nghiệm thu không làm tròn chức năng nhiệm vụ....
Nghi vấn bớt xén, thay đổi vật liệu, bán thầu
Sau khi tuyến cao tốc xuất hiện hư hỏng, dư luận lật lại nhiều vấn đề sai phạm trong quá trình thi công dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, trong đó có câu chuyện "bán thầu" tại dự án của Công ty Posco E&C.
Chuyên gia giao thông và người dân nghi ngờ về chất lượng và vật liệu công trình không đảm bảo. Ảnh Zing.
Năm 2014, VEC đã ký hợp đồng kinh tế với Công ty Posco E&C về việc thực hiện gói thầu xây lắp số A5 (Km131+700 và Km131+500 - Km139 + 204) với giá trị hợp đồng trên 1.394 tỷ đồng.
Đến ngày 12/4/2017, đoàn thanh tra Bộ GTVT đã chỉ ra một số vấn đề tại gói thầu số A5. Công ty Posco E&C đã chia nhỏ gói thầu rồi "sang tay" bán lại cho các nhà thầu phụ thi công đoạn cao tốc từ Sơn Tịnh đến TP Quảng Ngãi.
Từ việc làm mập mờ, thiếu quyết liệt của VEC, nhiều người đặt nghi vấn có dấu hiệu bớt xén, thay đổi nguyên vật liệu khi thi công cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi dẫn đến việc đường hỏng nhanh.
Không chỉ có vậy, mới đây, một đơn vị đã có đơn thư gửi Văn phòng Chính phủ “tố” VEC chỉ định thầu sai luật, khi VEC thành lập một loạt các công ty con có vốn nhà nước, sau đó chỉ định thầu thực hiện quản lý bảo trì và thực hiện thu phí tuyến đường do VEC quản lý với giá trị giao thầu không qua đấu thầu hàng trăm tỷ đồng mỗi năm. “Vừa đá bóng, vừa thổi còi” khiến người ta nghi ngờ về sử dụng nguồn kinh phí ở đây.
Trong xây dựng, chất lượng công trình được đặt lên hàng đầu. Tuy nhiên, cách quản lý, điều hành tùy tiện, chỉ định thầu, bán thầu vô tội vạ và bao che sai phạm là nguyên nhân công trình không thể đảm bảo về chất lượng.
Cần phạt nặng hay loại vĩnh viễn các nhà thầu khi bị phát hiện “quan hệ”, móc ngoặc, chạy chọt dự án.
“Bộ GTVT cần thành lập tổ giám sát (có thể thuê chuyên gia) và kiểm tra độc lập để đánh giá lại chất lượng công trình. Với phương tiện kỹ thuật hiện nay, việc kiểm tra không khó. Cần tập trung vào những điểm nghi ngờ về chất lượng, những gói thầu bị tố làm ăn gian dối để kiểm tra, tôi tin là sẽ sáng tỏ được vấn đề, chất lượng có đảm bảo hay không....”, kỹ sư Nguyễn Đức Thịnh đề nghị.
Cần làm rõ trách nhiệm chủ đầu tư và các bên
Tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 15/10, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cũng đề nghị Chính phủ cần làm rõ chất lượng các công trình hạ tầng nói chung, và các công trình giao thông nói riêng. Đặc biệt, hiện có nhiều công trình, trong đó có các công trình giao thông xuống cấp rất nhanh. Bà đặt câu hỏi tại sao công trình “làm thì lâu mà xuống cấp lại nhanh như vậy”?
Cao tốc 34.000 tỷ vừa đưa vào sử dụng đã xuống cấp
Dẫn ví dụ về tuyến đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, bà Lê Thị Nga đề nghị làm rõ các vấn đề mà dư luận, cử tri, báo chí đã nêu và đề nghị Quốc hội làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan.
"Tôi đề nghị trong giải trình phải làm rõ, tránh trường hợp né tránh trách nhiệm như kiểu lý giải của vị Giám đốc Ban Quản lý dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Khi có sự việc ổ gà, ổ trâu xảy ra ở tuyến đường này thì ngay lập tức đã đổ vấy do mưa. Đề nghị Chính phủ phải làm rõ trách nhiệm giải trình vì sao chất lượng công trình, trong đó có công trình giao thông lại xuống cấp nhanh như vậy?", bà nói.
Pháp luật phải được thực thi nghiêm minh, công bằng, chuyên nghiệp...và cần được tuân thủ từ trên xuống dưới, không chấp nhận mọi hình thức dung túng, bao che các sai phạm./.
Cao tốc 34.000 tỷ bị hỏng: Phê bình lãnh đạo VEC, buộc thay nhà thầu
Cao tốc 34.000 tỷ vừa thông xe đã hỏng: Phải có người chịu trách nhiệm
Hàng loạt sai phạm trước ngày vận hành cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi
Xem xét dừng thu phí cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi đang bị hư hỏng
Vì sao tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi mới thông xe đã hư hỏng?