Chánh án Hòa Bình nói về việc ông Trương Quý Dương xuất cảnh
VOV.VN -Cựu Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình không có mặt tại phiên tòa xét xử vụ chạy thận làm 8 người chết, đang đặt ra một câu hỏi.
Ngày 9/5, trao đổi với VOV.VN, Chánh án TAND tỉnh Hòa Bình, ông Hà Quang Dĩnh cho biết thông tin liên quan đến việc ông Trương Quý Dương – cựu Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình, người liên quan đến ‘vụ án chạy thận’ khiến 8 người chết mà tòa án tỉnh đang thụ lý xét xử.
Trước đó, tại phiên tòa xét xử vụ án nêu trên, ông Trương Quý Dương được tòa triệu tập với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ án. Tuy nhiên, cựu giám đốc bệnh viện đã không có mặt do đang ở nước ngoài.
Ông Trương Quý Dương thời đương chức. |
Chánh án TAND tỉnh Hòa Bình cho hay, theo quy định của luật, nếu là bị can, bị cáo trong vụ án, cơ quan chức năng sẽ thực hiện biện pháp áp giải.
Đối với các đương sự là bị đơn dân sự - trong vụ án này là Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan cũng buộc phải phải có mặt tại phiên tòa xét xử. Việc hoãn mà hai nhóm đương sự này vắng mặt chỉ xảy ra một lần, lần sau cơ quan tiến hành tố tụng hoàn toàn có thể thực hiện lệnh áp giải vì họ là những người liên quan đến các vấn đề cần giải quyết.
Đối với trường hợp của ông Trương Quý Dương, Chánh án TAND tỉnh Hòa Bình băn khoăn, đây là trường hợp cần xem lại khi ông Dương đang ở nước ngoài.
“Không biết tỉnh có nắm được không vì ông Dương thuộc quản lý của Sở Y tế, UBND tỉnh, Sở Ngoại vụ… Sau này có ý kiến của các phòng, ban chức năng, thì tòa án sẽ có phương án cụ thể”, ông Dĩnh cho biết.
Là người tham gia tố tụng với tư cách bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại trong vụ án, luật sư Nguyễn Hoàng Trung – Đoàn luật sư Hà Nội nêu quan điểm, ông Dương không bị khởi tố hình sự, cơ quan có thẩm quyền không có biện pháp ngăn chặn nào nên ông ta đi nước ngoài là quyền của cá nhân.
“Nhưng ở đây có điểm đáng nói là đang trong quá trình làm rõ trách nhiệm của cá nhân ông ta (Trương Quý Dương-PV) liên quan vụ tai biến ở bệnh viện thời điểm ông Dương làm giám đốc và là đại diện cho bệnh viện trong các quan hệ hợp đồng với Công ty Thiên Sơn. Đang trong quá trình đó mà đi nước ngoài thì thể hiện sự thiếu trách nhiệm. Đồng thời sẽ có một dấu hỏi đặt ra là khi ông Dương đang có trách nhiệm cần làm rõ nhưng vì sao các cơ quan Nhà nước thẩm quyền không có biện pháp gì?”, luật sư Trung nêu ý kiến.
Trước đó, hôm 29/5/2017, 8 người đã tử vong khi chạy thận ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình. 10 khác may mắn được đưa xuống Bệnh viện Bạch Mai – Hà Nội điều trị kịp thời nên thoát nạn.
Nguyên nhân tử vong được cơ quan chức năng xác định do nguồn nước cung cấp cho việc lọc thận, chạy thận nhân tạo; các thiết bị được bảo dưỡng và đưa vào hoạt động không kiểm định đúng quy trình.
Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình Trương Quý Dương bị cách chức từ ngày 9/8/2017.
Một số người liên quan đã bị cơ quan điều tra Công an tỉnh Hòa Bình áp dụng các biện pháp tố tụng.
Sáng 7/5/2018, TAND tỉnh Hòa Bình mở phiên tòa xét xử sơ thẩm. Phiên tòa buộc phải hoãn do vắng mặt một số người liên quan./.
Từ vụ cô giáo chửi học viên “óc lợn”: Cách nào nghiêm trị trò hư?
“Người bí ẩn” gửi clip BS Lương cứu bệnh nhân chạy thận cho luật sư
Vì sao phiên tòa xét xử bác sĩ Hoàng Công Lương vụ chạy thận tạm hoãn?
Vụ chạy thận chết người ở Hòa Bình: Bác sỹ Hoàng Công Lương kêu oan
Vụ chạy thận ở Hòa Bình: Truy tố BS Hoàng Công Lương có thuyết phục?