Có cần "luật hóa" bữa ăn học đường?
VOV.VN - Sau nhiều lùm xùm suất ăn lèo tèo hay số vụ ngộ độc thực phẩm trong trường học gia tăng, nhiều giải pháp đã được triển khai như tăng cường giám sát hoặc mới đây, TP Thủ Đức (TP.HCM) còn yêu cầu các trường gửi ảnh bữa ăn bán trú hàng ngày để có căn cứ quản lý. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, các giải pháp này cần được "luật hóa" để chuẩn hóa các quy trình, siết chặt chất lượng.
Vậy, có cần "Luật hóa" dinh dưỡng học đường? Làm sao để siết chặt chất lượng các bữa ăn trong trường học?
Sau liên tiếp các vụ học sinh ngộ độc thực phẩm hay bữa ăn bán trú tại một số trường học bị cắt xén đã gây bức xúc trong dư luận và làm dấy lên những lo ngại của phụ huynh học sinh về chất lượng cũng như quy trình kiểm soát bữa ăn tại trường học hiện nay:
“Mình có 3 con đều trong độ tuổi đang ăn bán trú ở trường, mình rất lo lắng vì khi cho con ăn ở nhà thì mình đều lựa chọn những thực phẩm uy tín, chất lượng, chế biến sạch sẽ nhưng ở trường thì dù có giám sát nhưng quy định chưa được chặt chẽ”.
“Có trường đang đối phó với phụ huynh học sinh, việc giám sát chất lượng hay thực phẩm có tươi hay không chỉ là hình thức bên ngoài, còn quy trình về nguồn gốc thực phẩm thì mình không thể kiểm soát được nên cũng lo lắng là con mình có được ăn sạch hay không”
“Hiện nay mình chưa có Luật cho các công ty cung cấp thực phẩm cho nhà trường, ít nhất có cái để người ta nhìn vào, có chế tài xử lý thì các bên họ mới không dám vi phạm. Chứ nhà trường có khi chỉ biết thực đơn thế thôi, còn họ làm thế nào cũng không ai đảm bảo được”.
Liên quan tới các quy định về dinh dưỡng học đường, PGS.TS Nguyễn Thị Lâm - Nguyên Phó viên trưởng Viện dinh dưỡng Quốc gia cho biết, hiện Bộ Y tế và Bộ GD&ĐT đã phối hợp trong việc xây dựng các hướng dẫn, thông tư, tài liệu và thực đơn về bữa ăn học đường.
Trong đó có những khuyến nghị cụ thể về năng lượng, tỷ lệ các chất sinh năng lượng như bột đường, đạm và chất béo trong bữa ăn học đường; tuy vậy, vẫn còn những nội dung khác về dinh dưỡng học đường cần có quy định.
“Bộ Giáo dục và đào tạo đang đưa ra quy định là đang làm khó họ vì không phải chuyên môn của họ, mà cái này cần các quy định của Bộ Y tế áp vào các cơ sở chế biến thực phẩm. Nếu Luật hóa thì Bộ Giáo dục có thể thêm quy định về biên chế cử nhân dinh dưỡng phụ trách trường học vì họ có kiến thức về dinh dưỡng để kiểm tra các thực đơn, chất lượng thực phẩm đầu vào, chia suất ăn và giáo dục dinh dưỡng cho các con”, PGS.TS Nguyễn Thị Lâm cho biết.
Bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cũng khẳng định, các quy định về dinh dưỡng hiện đã có và nằm rải rác trong các nghị định, thông tư; nếu được tập hợp lại trong một văn bản luật thì quá trình triển khai sẽ thuận lợi hơn, giúp việc chăm sóc dinh dưỡng cho người dân đạt kết quả tốt nhất và thu hút doanh nghiệp đầu tư cho lĩnh vực này.
Dưới góc độ pháp lý, TS.LS Đặng Văn Cường – Đoàn Luật sư TP Hà Nội - cho rằng, sau hàng loạt vụ ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng, thậm chí bỏ thuốc trừ sâu vào thức ăn cho học sinh đã đến lúc cần tăng cường hơn nữa cơ chế kiểm soát bữa ăn trong môi trường học đường; đồng thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm:
“Hiện nay, pháp luật về an toàn thực phẩm chưa có quy định cụ thể về việc đảm bảo an toàn, đảm bảo dinh dưỡng cho học sinh trong cơ sở bán trú. Ở độ tuổi này thì việc đảm bảo thực phẩm rất quan trọng. Chúng ta cần hoàn thiện hành lang pháp lý về cơ chế dinh dưỡng, an toàn thực phẩm cho bữa ăn bán trú trường học để bảo vệ tính mạng, sức khỏe và điều kiện phát triển cho trẻ em”, TS.LS Đặng Văn Cường cho biết.
Đánh giá về bữa ăn học đường hiện nay, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, trừ cấp học mầm non, hầu hết các trường từ tiểu học trở lên được xây dựng với mục đích ban đầu chỉ phục vụ cho việc dạy và học. Do nhu cầu cấp thiết của phụ huynh và gia đình, sau đó nhiều trường đảm đương thêm việc phục vụ bữa ăn bán trú cho học sinh nên vẫn tồn tại nhiều hạn chế trong việc xây dựng thực đơn bữa ăn học đường.
TS.BS Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam nhấn mạnh, vấn đề quan trọng là phải rõ ràng và cụ thể các quy định về tiêu chuẩn dinh dưỡng cùng điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm; các quy định về cơ sở vật chất, nhân lực, đào tạo, cơ chế chính sách sẽ bảo đảm triển khai bữa ăn học đường một cách khoa học, hiệu quả:
“Chúng ta phải xem xét lại các quy chuẩn, có cái thiếu thông tin như vấn đề thanh tra, kiểm tra phải làm rõ là số lượng bao nhiêu, rồi nếu xảy ra vi phạm thì trách nhiệm nhà trường thế nào, của đơn vị cung cấp thực phẩm như thế nào. Chúng ta đã đề cập vấn đề này nhưng chưa rõ và chi tiết nên cần rà soát lại, bổ sung các nội dung cho cụ thể”, TS.BS Trương Hồng Sơn cho biết.
Tại nhiều quốc gia phát triển, chương trình bữa ăn học đường được quy định rõ ràng, cụ thể trong Luật về tiêu chuẩn dinh dưỡng cho bữa ăn, điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, cũng như các quy định về cơ sở vật chất, nhân lực đào tạo chuyên sâu để có thể thực hiện được bữa ăn học đường bảo đảm dinh dưỡng, khoa học và hợp lý trong trường học. Các chuyên gia cho rằng, đã đến lúc nước ta cũng cần có những quy định và quy trình tương tự.
Chỉ riêng TP Hà Nội hiện có gần 1.800 trường học tổ chức bán trú, hàng ngày, phục vụ trung bình gần 1 triệu học sinh ăn bán trú. Với số lượng lớn như vậy, rất cần những văn bản quy phạm pháp luật quy định rõ ràng và thống nhất để tăng cường quản lý, siết chặt tiêu chuẩn về bữa ăn trong môi trường học đường.
Nhìn từ kinh nghiệm quốc tế, cần thiết phải nghiên cứu, xem xét “Luật hóa” vấn đề dinh dưỡng học đường. Song, việc cần làm ngay là rà soát, chỉnh sửa, bổ sung các quy định hiện hành giúp cho: “Bữa ăn học đường: Quy định tiến tới chuẩn hóa”.
Bữa ăn học đường là vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, chất lượng học tập của học sinh. Tuy vậy, bữa ăn của học sinh tại trường hiện chưa đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng cũng như chưa bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Lý do nằm ở việc, các tiêu chuẩn cho bữa ăn học đường hiện vẫn chủ yếu là tự phát hoặc cảm tính; chưa có sự chuẩn hóa và kiểm soát bằng quy chuẩn; chưa có giá trị về giáo dục dinh dưỡng.
Nhiều trường học chưa có giáo viên/người phụ trách về dinh dưỡng để lên thực đơn phù hợp với lứa tuổi. Thậm chí người nấu bếp, nhân viên nhà bếp còn không được đào tạo về dinh dưỡng hoặc nhà trường mua nguyên suất ăn từ các công ty thực phẩm cung cấp cho học sinh và phó mặc các vấn đề an toàn thực phẩm cho các công ty đó. Đây là nguyên nhân dẫn tới các vụ việc mất an toàn thực phẩm tại các bếp ăn trường học thời gian qua, gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe học sinh.
Trong bối cảnh đó, việc xây dựng chính sách và tiến tới “luật hóa” dinh dưỡng học đường sẽ là cơ sở pháp lý để cơ quan quản lý, các nhà trường, doanh nghiệp tham gia chuẩn bị và tuân thủ các điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực, quy trình, chuyên môn phục vụ bữa ăn học đường.
Nếu được nghiên cứu thành văn bản pháp luật dạng Luật, nội dung về dinh dưỡng học đường có thể được bổ sung vào Luật An toàn thực phẩm hoặc Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Hoặc đề cập ở dạng Nghị định do Chính phủ ban hành.
Trong đó, dù ở ban hành thành Luật hay Nghị định thì đều cần làm rõ những vấn đề là quy định về điều kiện tổ chức bữa ăn trong cơ sở giáo dục đào tạo; quy định về không gian, về cơ sở vật chất, về con người được tổ chức bữa ăn bán trú cho học sinh phải đảm bảo chỉn chu, kỹ càng, tuân thủ quy trình nghiêm ngặt.
Thứ hai là tiêu chuẩn, quy định về dinh dưỡng để đảm bảo dinh dưỡng phù hợp lứa tuổi và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Tiếp đến là quy định về cơ chế kiểm tra giám sát vừa đúng quy định pháp luật vừa có hiệu quả thực tế; Đồng thời có quy định rõ hơn các quy định hiện có về trách nhiệm của cơ sở đào tạo, của đơn vị cung cấp bữa ăn; Quy định về chế tài xử phạt khi có vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm, bữa ăn học đường không đảm bảo dinh dưỡng hay phát hiện trục lợi từ hoạt động này.
Ở các quốc gia trên thế giới, như Nhật Bản từ năm 1954 đã “luật hóa” - đưa ra tiêu chuẩn dinh dưỡng và tiêu chuẩn quản lý an toàn thực phẩm cho bữa ăn học đường thông qua Luật Dinh dưỡng học đường.
Tại quốc gia này, để một trường học bán trú được phép đi vào hoạt động đòi hỏi phải có các quy định rất cụ thể về cơ sở vật chất, nhân lực, đào tạo và có một cử nhân dinh dưỡng tiết chế được đào tạo chuyên sâu để tính toán và xây dựng thực đơn cân bằng dinh dưỡng cho nhà trường.
Còn tại Thái Lan, Chính phủ nước này đã đưa ra bộ tiêu chuẩn về bữa trưa cho trẻ em, nhằm tạo cho các trường có một kênh tham khảo về số lượng, tần suất các nhóm thực phẩm để lập kế hoạch thực đơn cho trường.
Trong khi đó, Malaysia hiện triển khai một số chương trình hỗ trợ bữa ăn trường học cho học sinh và dành một khoản kinh phí đáng kể để các chuyên gia nghiên cứu một cách bài bản về bữa ăn trường học, đồng thời tìm kiếm phương pháp hạn chế tối đa rủi ro từ các sự cố.
Việc luật hóa các vấn đề về sức khỏe học đường, dinh dưỡng học đường tại nước ta được các chuyên gia đánh giá là giải pháp về lâu dài. Thời gian tới, sau quá trình bổ sung, điều chỉnh các quy định phù hợp với thực tế, khi xét thấy các điều kiện phát triển xã hội đã phù hợp để xây dựng luật thì có thể tiến tới luật hóa dinh dưỡng học đường.