Con của cựu binh Mỹ tìm cách giúp nạn nhân chất độc da cam Việt Nam
VOV.VN - Hai cựu binh Mỹ là nạn nhân chất độc da cam trong chiến tranh Việt Nam đều đã qua đời. Con của họ đang tìm cách gây quỹ giúp các nạn nhân Việt Nam
Mới đây trang http://www.vindy.com- báo mạng của cộng đồng dân cư vùng Youngstown, Ohio, Hoa Kỳ đăng bài viết về câu chuyện hai người con gái của các cựu binh Mỹ từng bị nhiễm chất độc da cam/dionxin ở Việt Nam trong chiến tranh, đang tìm cách gây quỹ để giúp các nạn nhân Việt Nam.
Trang web mà Costello lập ra để kêu gọi đóng góp xây dựng trung tâm chăm sóc sức khỏe cho nạn nhân Việt Nam tại Pleiku. |
Pleiku là nơi mà cha Costello, ông Tony Matola, phục vụ hồi chiến tranh Việt Nam và đã bị nhiễm chất độc da cam. Ông qua đời mùa hè năm ngoái vì bệnh ung thư phổi.
Costello dự định xây dựng một cơ sở chăm sóc sức khỏe, dạy nghề và giữ trẻ cho các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam.
Cha Bowser, ông William Morris, cũng từng phục vụ tại Việt Nam và bị phơi nhiễm chất độc da cam. Ông qua đời vì một cơn đau tim ở tuổi 50, sau khi chống chọi với nhiều loại bệnh tật.
Hai ông đều có mặt ở chiến trường Việt Nam trong giai đoạn 1968-1969. Thời gian đó chỉ khoảng chừng 1 năm, nhưng đã làm biến đổi hoàn toàn cuộc sống của họ và gia đình.
"Tôi sinh non mất hai tháng", Bowser cho biết. "Bẩm sinh bị cụt chân phải, chân trái thiếu ngón cái và vài ngón chân khác."
Hai người cha không kể về Việt Nam, nhưng họ đều bị ám ảnh tâm lý về những gì đã xảy ra ở đó.
Cha Costello không bao giờ xem bất kỳ chương trình truyền hình hoặc bộ phim nào về chiến tranh. Mặt ông trở nên trắng bệch khi nghe tiếng trực thăng bay trên trời. Cha của Bowser cũng vậy.
Cả hai người phụ nữ cũng “thừa hưởng” nỗi sợ hãi ám ảnh đó. "Đó là một phản ứng có điều kiện ", Bowser- một nhà tâm lý trị liệu, giải thích.
Bowser là thành viên của Hội chăm sóc sức khỏe con cái cựu binh chiến tranh Việt Nam, thành viên một nhóm hỗ trợ gia đình. Cô đã đến Việt Nam 4 lần. Cô được chào đón ở đây.
Nhiều người Việt Nam cũng đang chịu ảnh hưởng của di chứng chất độc da cam giống như con cháu của những người Mỹ bị nhiễm chất độc này trong chiến tranh Việt Nam, Bowser nói. Cho đến gần đây ở Việt Nam vẫn còn những khu vực bị nhiễm độc hóa chất từ hồi đó và còn khả năng gây hại. Người Việt Nam không thù hận người Mỹ. Họ hiểu rằng binh sĩ Mỹ làm theo mệnh lệnh của chính quyền…
Costello và Bowser đã lập 1 website để kêu gọi quyên góp cho dự án tại địa chỉ www.youcaring.com/pleiku-vietnam-for-people-with-effects-of-agent-orange-522145 và dự định sẽ tổ chức một số hoạt động để từ nay đến tháng 4 năm 2017 thu được 20.000 đô la Mỹ, đủ để mở trung tâm tại Pleiku.
Costello cũng có kế hoạch tiếp tục làm việc ở trung tâm khi nó hình thành và đi vào hoạt động.
"Cha tôi đánh mất một phần của bản thân ông ở đây từ dạo đó, và tôi nghĩ mình sẽ mang nó trở lại," Costello nói.
Một số hình ảnh các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam tại Làng Hòa Bình II- TP.HCM:
Làng Hòa Bình là nơi nuôi dưỡng, chăm sóc các trẻ em nạn nhân chất độc da cam Việt Nam. |
Trẻ em ở đây thường có ông bà bị nhiễm chất độc da cam trong chiến tranh hoặc sống ở vùng bị nhiễm độc nặng. |
Các gia đình có con bị dị tật đều rất nghèo khó. |
Ở nhiều vùng quê vẫn còn những em bé nạn nhân thế hệ thứ 3, thứ 4 và chưa có điều kiện được chăm sóc như ở làng Hòa Bình. |