Cư dân KĐT Thanh Hà Mường Thanh ăn nước “bẩn“: Ai chịu trách nhiệm?
VOV.VN - Hàng nghìn cư dân sinh sống tại KĐT Thanh Hà Mường Thanh phải dùng nước có hàm lượng asen cao gấp 4 - 5 lần so với tiêu chuẩn suốt một thời gian dài.
14/16 mẫu nước không đạt quy chuẩn
Khu đô thị Thanh Hà - Cienco 5 (Mường Thanh Thanh Hà) là dự án được Tập đoàn Mường Thanh nhận “chuyển nhượng lại” Dự án từ Cienco 5 Land. Mường Thanh Thanh Hà có quy mô lớn nhất từ trước tới nay của Tập đoàn Mường Thanh với diện tích lên tới hơn 416ha. Trái ngược với định hướng phát triển trở thành khu đô thị xanh, cuộc sống an lành mà chủ đầu tư quảng cáo thì theo phản ánh của cư dân tại khu đô thị Mường Thanh Thanh Hà, suốt một thời gian dài, người dân ở đây phải dùng nước bẩn với hàm lượng asen cao quá mức quy định.
Cư dân treo băng rôn, yêu cầu chủ đầu tư và ban quản lý dự án cung cấp nước sạch. Ảnh: Cư dân khu đô thị Thanh Hà cung cấp. |
Theo đơn phản ánh của cư dân ở đây, nước sinh hoạt tại các hộ dân ở Khu đô thị Thanh Hà có màu vàng nghệ, có mùi hôi, để lâu có cặn và khi đun nấu thì thấy hiện tượng kết tủa cặn bẩn như bùn đất. Đặc biệt, theo kết quả thử nghiệm số 2018/709/TN5-01 và Kết quả thử nghiệm số 2018/709/TN5-02 ngày 10/5/2018 của Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 1 đối với 2 mẫu nước (do đại diện 3 bên: Ban Quản lý, Nhà máy nước Cự Đà và đại diện cư dân lấy mẫu) thì nước tại bể ngầm và tại vòi nước của nhà dân có các chỉ số độc hại vượt ngưỡng cho phép, đặc biệt là nồng độ asen gấp 5 -6 lần ngưỡng cho phép.
Còn theo báo cáo của Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội khi tiến hành lấy mẫu nước tại khu khu đô thị Mường Thanh Thanh Hà thì có 14/16 mẫu tại nhiều bể chứa, cũng như lấy ngẫu nhiên tại vòi trong các căn hộ không đạt yêu cầu. Đặc biệt có đến 6 mẫu tại vòi phòng: 412 tòa M1A; 1216 tòa HH02-1C; 432 tòa HH02-2A; 534 tòa HH02-2B; 834 tòa HH02-2C; 430 tòa HH011A có chỉ số asen từ 0,013 đến 0,015 mg/l, vượt tiêu chuẩn cho phép.
Lo ngại với chất lượng nước không đảm bảo, nhiều hộ dân đã phải mua nước đóng bình để ăn uống, chỉ dùng nước máy để tắm giặt. Ngoài ra, một số hộ dân đã sử dụng máy lọc nước làm giải pháp tạm thời, tuy nhiên phần lớn hộ dân ở đây có hoàn cảnh kinh tế eo hẹp nên không có điều kiện trang bị máy lọc nước, phải dùng trực tiếp nước do chủ đầu tư và nhà máy nước cung cấp.
Chị Thịnh Thị Vân, đang sinh sống tại khu đô thị Mường Thanh Thanh Hà chia sẻ, do chỉ có một nguồn nước nên người dân ở đây vẫn bắt buộc phải dùng tắm giặt, vệ sinh mà không còn cách nào khác. Còn nước để nấu ăn và uống thì gia đình chị phải mua nước bình để dùng nên rất tốn kém.
Trách nhiệm thuộc về ai?
Việc cư dân phải sử dụng nước không đảm bảo an toàn không phải chỉ được biết đến qua báo cáo của Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội mà sự việc đã xảy ra từ lâu. Chị Đàm Thị Thảo, sinh sống tại đây cho biết, từ khi nhận nhà và chuyển về khu đô thị này, cư dân đã phải chịu cảnh nước sinh hoạt bẩn, có màu vàng đục và có mùi hôi tanh khó chịu. Trước tình trạng này, một số người dân đã lấy mẫu để xét nghiệm ở nhiều cơ quan khác nhau và kết quả cho thấy nước sinh hoạt bị nhiễm độc nặng. Chị Thảo cho biết: “Tuy rất nhiều lần phản ánh đến Ban quản lý và nhà máy nước, chủ đầu tư là Tập đoàn Mường Thanh nhưng cũng chỉ dừng ở việc thau, rửa bể và tình trạng nước bẩn như trên vẫn kéo dài suốt 2 năm nay, gây ra những hậu quả nghiêm trọng tới đời sống của cư dân chúng tôi, như: bị các bệnh ngoài da, đường ruột, viêm nhiễm, đau mắt, thậm chí nguy cơ bị ung thư rất cao nếu chất lượng nước vẫn không được cải thiện. Cộng đồng hàng ngàn cư dân chúng tôi đang hết sức hoang mang, lo lắng cho sức khỏe của gia đình, đặc biệt là các cháu nhỏ - thế hệ tương lai của đất nước”.
Thậm chí có thời điểm, cư dân đã phải dùng đến biện pháp treo băng rôn phủ đỏ các tòa nhà, yêu cầu chủ đầu tư và ban quản lý dự án cung cấp nước sạch cho người dân. “Quá bức xúc trước việc phải sử dụng nước bẩn, chúng tôi đã tiến hành treo băng rôn yêu cầu chủ đầu tư khắc phục tình trạng trên nhưng lại bị phía ban quản trị cắt nước nhiều hộ gia đình”, chị Đàm Thị Thảo cho biết.
Sau một thời gian dài liên tục phản ánh, gửi đơn đến các cơ quan chức năng “kêu cứu” về tình trạng nước sinh hoạt bị ô nhiễm tại khu đô thị Mường Thanh Thanh Hà thì phía chủ đầu tư mới bắt đầu thau rửa bể. Song chất lượng nước có đảm bảo hay không hiện vẫn chưa có kết quả. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra ở đây là trách nhiệm của chủ đầu tư như thế nào, trách nhiệm của bên cung cấp nước ra sao khi để hàng nghìn hộ dân phải sử dụng nước bẩn trong một thời gian dài.
Để làm rõ trách nhiệm thuộc về ai, sau nhiều lần liên hệ với Tập đoàn Mường Thanh, ngày 5/4/2019, phóng viên đã đến làm việc với Ban quản lý dự án khu đô thị Thanh Hà, tuy nhiên dù đã cung cấp đầy đủ nội dung làm việc từ trước nhưng tại buổi làm việc, ông Trần Đức Thắng, bà Nguyễn Thị Hồng Nhung (phụ trách truyền thông và thư ký phó tổng giám đốc ban quản lý) cho biết chỉ nắm bắt thông tin để kiến nghị lên ban giám đốc. Sau đó sẽ liên hệ lại với phóng viên để đặt lịch làm việc. Mặc dù phóng viên đã liên hệ lại nhưng đến nay vẫn chưa nhận được hồi âm.
Theo Nghị định số 117/2007/NĐ-CP ngày 11/7/2007 thì khách hàng có quyền được bồi thường thiệt hại do đơn vị cấp nước gây ra. Khách hàng có quyền khiếu nại, tố cáo các hành vi vi phạm pháp luật về cấp nước của đơn vị cấp nước hoặc các bên có liên quan. Do đó, nếu sự việc người dân dùng nước bẩn gây ảnh hưởng sức khỏe có nguyên nhân xuất phát từ lỗi của đơn vị cấp nước trong quá trình quản lý, vận hành hệ thống cấp nước thì đơn vị cấp nước có trách nhiệm phải bồi thường thiệt hại cho khách hàng.
Như vậy, đơn vị cấp nước ở đây là Công ty cổ phần nước sạch Thanh Hà, đơn vị cấp nước cho khu đô thị và chủ đầu tư Tập đoàn Mường Thanh (đơn vị chịu trách nhiệm về chất lượng nước sau đồng hồ tổng ban quản lý tòa nhà), chịu trách nhiệm sau khi xác minh ai là người gây ra tình trạng nước bẩn thì phải có phương án bồi thường thiệt hại cho cư dân ở đây./.