Cựu binh Trường Sa nặng tình với đồng đội
VOV.VN -Cựu binh Trần Văn Tiến luôn nặng tình với đồng đội, nghĩ về những tháng ngày quân ngũ và đồng đội năm xưa.
30 năm trước, theo lời kêu gọi “Cả nước vì Trường sa thân yêu”, chàng thanh niên Trần Văn Tiến mới 17 tuổi, quê ở Hải Phòng đã viết đơn tình nguyện gia nhập quân ngũ.
Cựu binh Trần Văn Tiến (áo trắng) đang bảo dưỡng máy móc cho khách hàng
Bây giờ, người thanh niên ấy đã là chủ một DN lớn ở Đà Nẵng. Ông luôn nặng tình với đồng đội, tìm cách giúp đỡ nhiều cựu chiến binh, bộ đội xuất ngũ. Nhiều năm nay, cơ sở của ông trở thành nơi đi về của các cựu binh Trường Sa.
Những ngày cuối năm, cơ sở dịch vụ hàng hải của cựu chiến binh Trường Sa Trần Văn Tiến ở Vịnh Mân Quang, phường Thọ Quang, thành phố Đà Nẵng khá bận rộn. Ông đang chuẩn bị khai giảng lớp đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng cho ngư dân, bảo dưỡng một số thiết bị cứu hỏa, cứu sinh kịp giao cho khách hàng đi chuyến biển cuối năm. Cựu binh Trần Văn Tiến nhớ lại năm 1988, ông lên đường nhập ngũ chỉ vài ngay sau xảy ra trận hải chiến Trường Sa.
Lúc đó, ông Tiến là người lính thông tin cho Ban chỉ đạo chiến dịch CQ 88 bảo vệ Trường Sa.
Cựu binh Trần Văn Tiến thắp hương cho liệt sỹ Gạc Ma |
“Trước hết, những chiến sỹ cựu binh Trường Sa thấy tự hào đã có công, góp công của mình tuy bé nhỏ trong chiến dịch đó để hôm nay xã hội biết tới, tôi cảm thấy tự hào. Tâm của tôi là muốn làm việc gì đó vừa có thu nhập, vừa phục vụ cho xã hội và thể hiện tình cảm, tình nghĩa đồng đội”, ông Tiến nói.
Sau gần 3 năm hoàn thành nghĩa vụ trở về quê nhà Hải Phòng, ông Tiến vất vả mưu sinh, rồi trở vào Đà Nẵng học nghề sửa chữa tàu biển. Ban đầu, ông làm thuê cho một số chủ tàu vận chuyển hàng hóa đi các nước trên thế giới. Dành dụm được ít vốn, ông đứng ra thành lập công ty chuyên bảo trì, bảo dưỡng thiết bị cứu sinh, cứu hỏa, siêu âm kết cấu thân tàu… đảm bảo an toàn cho phương tiện hàng hải. Hơn 10 năm ra làm ăn riêng, ông Tiến tạo dựng cơ ngơi khá giả.
Hàng năm, tại trụ sở công ty ông Tiến, Ban Liên lạc Bộ đội Trường Sa làm lễ tưởng niệm, thả hoa tri ân các Anh hùng liệt sỹ bảo vệ đảo Gạc Ma |
Ông Tiến chọn những cựu chiến binh, bộ đội xuất ngũ và con em của họ vào làm việc. Bây giờ, cơ sở của ông có 15 người thì hơn một nửa là những cựu chiến binh, bộ đội xuất ngũ, con em cựu chiến binh.
Thời gian gần đây, ông Tiến xin phép cơ quan chức năng thành phố Đà Nẵng mở lớp đào tạo bằng thuyền trưởng, máy trưởng phương tiện thủy nội địa. Đến nay, ông đã đào tạo và cấp chứng chỉ thuyền trưởng, máy trưởng cho hơn 300 người. Học viên là bộ đội xuất ngũ, con em cựu chiến binh, thương binh được ông miễn giảm học phí.
Kỹ sư Lê Mai Nguyên tốt nghiệp Đại học Bách khoa Đà Nẵng, ra trường đi khắp nơi không xin được việc làm về đầu quân cho ông Tiến, được ông cử đi đào tạo nay trở thành nhân viên chủ chốt của công ty.
Ông Tiến cùng Ban Liên lạc Bộ đội Trường Sa tại Đà Nẵng thả hoa tri ân liệt sỹ Gạc Ma |
Nguyên kể, bố mẹ đều là quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia, bố là thương binh nên ông Tiến đã nhận vào làm việc tại công ty này.
“Ngày xưa, tôi học cao đẳng xong là đi làm, sau đó thi liên thông lên đại học. Khi nhận vào làm việc biết con em cựu chiến binh thì công ty tạo điều kiện làm việc tốt, ưu tiên cho con em bộ đội xuất ngũ về nữa. Vào đây vừa làm vừa học, thử việc 2 tháng là mình vào làm việc luôn. Lương ổn định, môi trường làm việc ở đây rất tốt”, kỹ sư Mai Nguyên bày tỏ.
Cựu binh Trần Văn Tiến luôn nghĩ về những tháng ngày quân ngũ và đồng đội năm xưa. Nhiều năm nay, cơ sở của ông Tiến trở thành nơi đi về của những người lính Trường Sa năm xưa.
Ông Lê Văn Xuân thắp hương cho con trai Liệt sỹ Lê Văn Xanh hy sinh bảo vệ đảo Gạc Ma năm 1988 |
Cứ vào ngày 14/3 hàng năm, Ban Liên lạc Bộ đội Trường Sa cùng về đây tưởng nhớ 64 liệt sỹ hy sinh bảo vệ đảo Gạc Ma năm 1988. Nhiều lần ông cùng đồng đội đến thăm các gia đình và thắp hương tưởng nhớ các liệt sĩ Gạc Ma ở Đà Nẵng, thấy nhiều di ảnh liệt sỹ trên bàn thờ ố mờ theo thời gian, nét còn nét mất, khiến ông ray rứt. Năm 2013, ông xin phép Trưởng Ban liên lạc Bộ đội Trường Sa và thân nhân liệt sỹ để làm lại di ảnh các liệt sỹ.
Ông Lê Văn Xuân, ở phường Hòa Cường Nam, quận Hải Châu, bố của liệt sỹ Lê Văn Xanh hy sinh trong trận bảo vệ đảo Gạc Ma năm 1988, trải lòng: “Con hy sinh ở tuổi 21 là một thiệt thòi nhưng mà rất vinh dự, chiến đấu đến phút cuối cùng. Khi hy sinh, tôi làm bàn thờ dùng ảnh chứng minh thư để thờ, bây giờ làm lại ảnh mới tôi thấy cũng tự hào. Vừa rồi, tôi vào trong Khánh Hòa dự lễ khánh thành Tượng đài với 64 liệt sỹ Gạc Ma, tôi thấy rất tự hào”.
Cây bàng trái vuông được ông Tiến mang từ Trường Sa về trồng trước hiên nhà |
Trước hiên nhà cựu binh Trường Sa Trần Văn Tiến, cây bàng trái vuông mang từ Trường Sa về trồng được gia đình ông chăm sóc chu đáo. Ông bảo rằng, cây bàng nhắc nhớ ông nhớ lại Trường Sa và hình bóng của đồng đội. Ông và những người lính năm xưa ấp ủ dự định xây dưng một bia tưởng niệm hoặc một bến thả hoa để làm nơi tưởng niệm tri ân các liệt sỹ Gạc Ma./.
Nhiệm vụ của các cựu chiến binh thời bình
Giao lưu “Cựu chiến binh đi tìm đồng đội”