Cựu thanh niên xung phong: Được cống hiến là hạnh phúc
VOV.VN - Hoàn thành nhiệm vụ trở về với cuộc sống đời thường, mỗi người một hoàn cảnh, nhưng qua nhiều năm nhìn lại, những cựu thanh niên xung phong đều luôn tự hào được mang sức trẻ của mình cùng góp sức làm nên những trang sử vẻ vang của dân tộc.
Trong những năm kháng chiến và xây dựng đất nước sau giải phóng, theo tiếng gọi của Đảng, Nhà nước, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, hàng vạn thanh niên trên cả nước đã lên đường tham gia lực lượng thanh niên xung phong. Với nhiều nhiệm vụ khác nhau như: mở đường, vận chuyển vũ khí, lương thực, san lấp đường giao thông… lực lượng thanh niên xung phong đã gắn bó máu thịt với cách mạng, trên nhiều mặt trận, phục vụ chiến đấu, trực tiếp chiến đấu, lao động sáng tạo với tinh thần dũng cảm, hy sinh, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
Hoàn thành nhiệm vụ trở về với cuộc sống đời thường, mỗi người một hoàn cảnh, nhưng qua nhiều năm nhìn lại, những cựu thanh niên xung phong đều luôn tự hào được mang sức trẻ của mình cùng góp sức làm nên những trang sử vẻ vang của dân tộc.
Năm 1972, nghe theo tiếng gọi của Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, đảng viên trẻ Nguyễn Thị Liệu, ở xã Tam Đồng, huyện Yên Lãng, tỉnh Vĩnh Phú, nay là huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội đã gác công việc của một Bí thư Đoàn xã để gia nhập thanh niên xung phong, phục vụ trên tuyến đường sắt tại khu 4 (Thanh Hóa- Nghệ An).
Với nhiệm vụ mới là chính trị viên đại đội 24Y3 thuộc đội 247, ban ngày họp bàn phương án đảm bảo giao thông đường sắt, buổi tối cô gái Nguyễn Thị Liệu lại ra hiện trường cùng với chiến sỹ để đảm bảo an toàn giao thông cho các chuyến tàu vận chuyển hàng vào miền Nam.
Dù không trực tiếp ra chiến trường nhưng đội thanh niên xung phong luôn phải đối mặt với bom, mìn bởi thời gian này Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc dữ dội bằng cách tiến hành rải mìn, thủy lôi… ở các thành phố miền Bắc và các tỉnh duyên hải miền Trung, nhằm ngăn chặn sự chi viện của hậu phương miền Bắc cho miền Nam. Công việc vất vả, nguy hiểm nhưng nữ thanh niên xung phong Nguyễn Thị Liệu cùng các đội viên luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.
Sau khi hoàn thành nhiệm vụ trở về địa phương, hạnh phúc riêng bỏ lỡ, cô gái Nguyễn Thị Liệu lấy công việc làm niềm vui trong cuộc sống. Kể về thời kỳ tham gia thanh niên xung phong, bà Nguyễn Thị Liệu, nay đã ở tuổi 73 vẫn không dấu được niềm tự hào.
"Khi đi thanh niên xung phong, lúc đó đang chiến tranh, gia đình tất cả các thanh niên đi thì ai cũng sợ là con mất đi, không về được. Nhưng đến hôm nay chúng tôi thấy rằng đây là thời để nhớ, thời để tuổi trẻ tự hào, được cống hiến cho tổ quốc. Có thanh niên xung phong, chúng tôi được rèn luyện. Ngoài tham gia chiến đấu đảm bảo cho giao thông vận tải thì được nâng lên trình độ học vấn và nhiều đồng chí trưởng thành. Bản thân tôi rất cảm ơn thanh niên xung phong và cảm ơn Đoàn Thanh niên đã cho tôi được cống hiến, được học ở trường học rất đặc biệt là vừa phấn đấu, vừa học tập, vừa trưởng thành", bà Liệu nói.
Theo thống kê của Hội Cựu thanh niên xung phong Việt Nam, trong những năm kháng chiến và xây dựng đất nước sau giải phóng cả nước có hơn 658.000 nam, nữ thanh niên thanh niên tham gia lực lượng thanh niên xung phong. Riêng những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước (từ 1965-1975), cả nước có hơn 289.000 chàng trai, cô gái trên khắp cả nước đã lên đường tham gia lực lượng thanh niên xung phong, phục vụ trên nhiều mặt trận. Mỗi người một nhiệm vụ nhưng đều chung một mục tiêu, đó là đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.
Ông Nguyễn Khổn, ở xã Bách Thuận, huyện Thư Trì, nay là huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình, lúc đó đang là giáo viên đã tình nguyện tham gia lực lượng thanh niên xung phong từ năm 1965 đến năm 1971 cho biết, nhiều ước mơ, dự định của bản thân phải gác lại nhưng ông chưa bao giờ hối tiếc về lựa chọn của mình. Với ông tham gia lực lượng thanh niên xung phong chính là tiếng gọi của trái tim.
"Tôi cho đó là lựa chọn rất là đúng mà cảm thấy tự hào. Đến bây giờ cũng vậy, tất cả những thanh niên xung phong đã từng tham gia chiến trường, tham gia các mặt trận đều cảm thấy tự hào là đã được đóng góp một phần rất nhỏ bé trên mặt trận mà không có súng. Vũ khí của chúng tôi là cuốc, xẻng, sọt, gánh, rồi bằng có đội trực chiến, cũng bắn rơi máy bay cùng với lực lượng phòng không của quân đội. Dù là việc rất nhỏ mà làm được thì cũng là niềm vui. Nếu đặt giả thiết như bây giờ khi chiến tranh xảy ra như vậy thì chắc là tôi cũng vẫn phải làm theo tiến gọi của trái tim, của ý chí của mình", ông Thuận bộc bạch.
Với tinh thần của những người trẻ tuổi đi đầu, sẵn sàng vượt qua mọi gian khổ, sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc, vì nhân dân, dù trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ hay giai đoạn xây dựng chủ nghĩa xã hội (1955-1964), xây dựng kinh tế sau năm 1975, lực lượng thanh niên xung phong luôn hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Không chỉ có sự gan dạ, tinh thần lao động bền bỉ, lực lượng thanh niên xung phong còn có nhiều sáng kiến, suy nghĩ táo bạo để thực hiện và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Với họ, được cống hiến sức trẻ của mình, đi tới mọi miền, góp sức xây dựng và bảo vệ Tổ quốc chính là niềm hạnh phúc, trách nhiệm của thanh niên.
Cựu thanh niên xung phong Đỗ Quốc Phong, xã Cao Thành, huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Tây, nay là Hà Nội chia sẻ: Bởi vì có thanh niên xung phong thì mới rèn luyện cho mình. Bởi vì khi ở trong đó, thời ấy người ta chỉ nghĩ đến hoàn thành nhiệm vụ, chứ không ai nghĩ đến tương lai. Mặc dù trong đầu ai cũng mong muốn ngày hoàn thành, ngày thống nhất về được đi đại học. Lúc về, cánh cửa trường đại học đã rộng mở thì phải phấn đấu để mà đóng góp nhiều cho các thế hệ, cho nên là rất vui chứ không bao giờ lăn tăn chuyện mình cống hiến để làm gì mà chỉ biết là hoàn thành nhiệm vụ rồi về tiếp tục ước mơ của tuổi trẻ.
Hoàn thành nhiệm vụ, các cựu thanh niên xung phong trở về với cuộc sống đời thường, tiếp tục thực hiện những công việc dang dở của bản thân. Dù tiếp tục theo đuổi con đường học tập, hoặc làm việc, mỗi người đều nỗ lực hoàn thành tốt nhất công việc của mình bởi thanh niên xung phong chính là trường học lớn, tạo động lực để họ cống hiến cho đất nước.
Những chàng trai, cô gái thanh niên xung phong ngày ấy, bây giờ đều đã đến tuổi ông, bà, nhưng ký ức về thời thanh niên sôi nổi xung phong lên tuyến đầu vẫn vẹn nguyên lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ, được tham gia cống hiến, góp sức cùng các lực lượng làm nên trang sử vẻ vang của đất nước./.