Sóng Tiếng nói Việt Nam ngày ấy từ hang Ngườm Chiêng...
VOV.VN - Với những người dân nơi biên cương Cao Bằng, Ngườm Chiêng- nơi đặt hệ thống máy phát sóng phát thanh dự phòng của Đài Tiếng nói Việt nam đã trở thành một phần lịch sử rất đáng tự hào khi mới đây, nơi đây vừa được công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia.
Trước tình hình giặc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc, năm 1966, hang Ngườm Chiêng, xóm Bình Lang, xã Đình Minh (nay là xóm Bó Đa, thị trấn Trùng Khánh) huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng được Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) chọn làm nơi đặt hệ thống máy phát sóng phát thanh dự phòng, còn được biết đến với tên gọi Đài A3.
Hơn 10 năm hoạt động, Đài A3 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần quan trọng giữ mạch sóng vững vàng qua mưa bom, bão đạn. Với những người dân nơi biên cương Cao Bằng, Ngườm Chiêng cũng trở thành một phần lịch sử rất đáng tự hào khi mới đây, nơi đây được công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia.
Ông Nông Thế Hải (80 tuổi) và vợ là bà Nguyễn Thị Tâm (78 tuổi) những cựu cán bộ, nhân viên của Đài A3, hiện sống tại phường Đề Thám, thành phố Cao Bằng (tỉnh Cao Bằng) kể lại, năm 1965, khi đang là cán bộ của Điện đài Việt Bắc, ông Nông Thế Hải nhận lệnh điều động về Bình Lang, nơi chỉ cách quê nhà ông gần 2 km công tác và trở thành một trong 6 cán bộ khung của Đài A3, phụ trách mảng hậu cần. Vợ ông Hải, bà Nguyễn Thị Tâm quê Phú Thọ, lên Ngườm Chiêng năm 1966, đảm nhận nhiệm vụ Kỹ thuật viên thu, phát sóng. Ông bà gặp nhau và nên duyên cũng từ mảnh đất này.
Khu vực Bình Lang khi đó chủ yếu là rừng rậm, hang Ngườm Chiêng nằm trong một ngọn núi người dân địa phương gọi là Cò Mạ, tức là “Cổ Ngựa”- cách biên giới Việt –Trung chừng mười cây số. Hang đá tự nhiên có lối thông ra phía sau núi, trước cửa hang là một thung lũng hẹp nhưng kéo dài, từ đỉnh núi có thể bao quát một khu vực rộng lớn xung quanh…
Từ những năm 1966 đến năm 1968, Đài TNVN trong giai đoạn xây dựng gấp rút với tên gọi Công trường K50. Khi đó, lực lượng công nhân, dân công tham gia xây dựng lên đến hàng nghìn người. Nhân dân xã Đình Minh và các địa phương trong tỉnh Cao Bằng đã không quản ngày đêm, hỗ trợ vận chuyển, xây dựng kho tàng, nhà cửa, phá núi, mở rộng lòng hang để đặt máy móc bên trong.
“Ngườm Chiêng là một hang thông gió 2 chiều, một vị trí tuyệt đẹp, độ ẩm, thông gió đều đạt tiêu chuẩn đặt máy phát thanh. Lúc bấy giờ hang nhiều đá, lổn nhộn, cửa hang hẹp phải bò trườn vào mới được. Chúng tôi đặt vấn đề xây dựng đầu tiên là phải tập trung lực lượng, huy động dân công. Có ngày lên đến 400-500 người ấy. Khai phá hang thì anh thì nổ mìn, anh thì đục, bẩy đá, ai cũng khẩn trương, hăng say. Chúng tôi làm cả ngày cả đêm, không có tính ngày giờ gì đâu”, ông Hải nói.
Ngoài máy thu, phát, phòng kỹ thuật đặt trong lòng núi, một cột thu sóng lớn cũng được xây dựng ngay trên đỉnh Cò Mạ. Phía trước Ngườm Chiêng là hệ thống các công trình như nhà để máy nổ, nhà kho, nhà cơ khí, nhà ăn, khu tập thể công nhân và hệ thống ăng ten phát sóng công suất lớn. Năm 1968, Đài A3 cơ bản hoàn thành, sẵn sàng hoạt động với nhiệm vụ phát sóng trong nước và đối ngoại phát sóng đi Châu Âu.
Lúc này, Đài có khoảng 70-80 cán bộ, nhân viên, trong đó nữ chiếm hơn một nửa và phần đa là ở các tỉnh miền xuôi, hay cả những thiếu nữ thành phố vốn chưa quen vất vả, nhưng với lòng quyết tâm họ đã vượt qua những ngày khó khăn, thiếu thốn nơi vùng đất biên cương heo hút này.
5h 5 phút ngày 19/12/1972, Đài Phát sóng phát thanh Mễ Trì trúng bom B52, sóng gián đoạn, nhưng chỉ đúng 9 phút sau, A3 cùng các đài dự phòng khác đã đồng loạt phát sóng, nối lại mạch Tiếng nói Việt Nam, đập tan âm mưu kẻ thù là đánh phá làn sóng phát thanh quốc gia, giúp giữ vững ý chí, niềm tin của đồng bào, nhân dân với cuộc kháng chiến của dân tộc.
Nhớ về giây phút ấy, bà Nguyễn Thị Tâm bồi hồi: “Lúc mà máy bay Mỹ đánh vào Đài Mễ Trì, chúng tôi được lệnh lên máy và phát. Trước đấy chúng tôi đã sẵn sàng chuẩn bị rồi, khi được điện báo viên báo, chúng tôi lên máy luôn. Bấm lên cao áp, từ lên cao áp, chuẩn máy các kiểu được có tiếng “Đây là Tiếng nói Việt Nam, phát thanh gần Hà Nội…” là 9 phút, tôi trực tiếp ở máy. 2 chị em trực chúng tôi ôm nhau reo lên, xúc động, lúc ấy cảm giác sung sướng lắm”.
Đài A3 đã thực hiện tiếp, phát sóng liên tục 24/24h trong suốt 2 tháng cho đến khi Đài Mễ Trì khôi phục hoàn toàn. Sau đó, Đài tiếp tục nhiệm vụ phát sóng đi Châu Âu và một số khu vực nội địa cho tới ngày giải thể và rút về Hà Nội năm 1978. Trong hơn 10 năm hoạt động, dưới sự chỉ huy của Đài trưởng Trần Tường, sự nỗ lực của tập thể cán bộ nhân viên, Điện đài A3 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao…
Dẫn chúng tôi thăm lại di tích Ngườm Chiêng, ông Lý Văn Đồng hiện sống tại thôn Bó Đa, thị trấn Trùng Khánh, cựu cán bộ Công an vũ trang, từng là Chỉ huy phó đơn vị vũ trang bảo vệ Đài A3 từ năm 1972 đến 1973 nhớ lại: Khi đó, vì yếu tố bí mật, người dân chỉ biết A3 là một trạm nghiên cứu khí tượng, còn lại tất cả đều nhất nhất thực hiện 3 không: không biết, không nghe, không thấy.
“Ở đây bảo vệ rất nghiêm ngặt, đi ra, vào lạ mặt là không được vào rồi đấy là vòng ngoài. Còn người dân ở đây cũng không được vào, chỉ làm ruộng ở ngoài hàng rào thôi. Đơn vị bảo vệ suốt ngày đêm, ngoài ra còn đi họp với dân, tuyên truyền với dân thấy ai lạ mặt vào vòng ngoài phải báo ngay cho chúng tôi biết”.Đa
Với ông Đồng và những người dân xã Đình Minh, Đài A3 như một phần của lịch sử quê hương mình. Suốt hơn 10 năm Đài đóng quân, đồng bào nơi đây đã hết lòng giúp đỡ, che chở để cánh sóng Tiếng nói Việt Nam vững vàng đi khắp năm châu bốn bể. Ghi nhận công lao ấy, năm 2007, Tổng Giám đốc Đài TNVN đã tặng nhân dân xã Đình Minh bằng khen do có thành tích bảo vệ an toàn cơ sở phát thanh quốc gia trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ giai đoạn 1972 – 1975.
Ngày 29/6/2021, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có quyết định công nhận Di tích Đài TNVN tại hang Ngườm Chiêng là Di tích lịch sử cấp Quốc gia. Đây là sự ghi nhận đối với đóng góp của Đài A3 với lịch sử đất nước và cũng là niềm vui, tự hào của nhân dân địa phương.
Bà Nguyễn Thị Mới, người dân xóm Bó Đa, thị trấn Trùng Khánh (tỉnh Cao Bằng) nói: “Chúng tôi người dân rất tự hào về quê hương mình, tự hào vì đã là nơi chở che cho Đài TNVN an toàn, tôi hy vọng di tích này sẽ sớm được trùng tu, tôn tạo để phục vụ du lịch, bạn bè du khách đến thăm”.
Dưới sự đùm bọc, che chở của đồng bào, nhân dân các dân tộc nơi biên cương Cao Bằng, Đài A3 hoàn thành xuất sắc sứ mệnh lịch sử của mình, góp phần quan trọng đưa làn sóng Tiếng nói Việt Nam vững vàng qua gian khó, truyền tin chiến thắng, truyền tiếng nói của Đảng, của nhân dân đến muôn phương và cùng với cả nước đi đến thắng lợi cuối cùng trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc./.