Đẩy nhanh tiến độ GPMB, tháo gỡ khó khăn về vật liệu tại Bến Tre và Hậu Giang
VOV.VN -.Đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng và tháo gỡ khó khăn về vật liệu tại các dự án giao thông trọng điểm Quốc gia đi qua Bến Tre và Hậu Giang
Khởi động nguồn cát phục vụ các dự án giao thông trọng điểm Quốc gia còn quá chậm
Phóng viên Nhật Trường cho biết, chiều 2/7, Tổ công tác liên ngành của Chính phủ do Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Duy Lâm làm Tổ trưởng, tiếp tục làm việc với tỉnh Bến Tre về việc tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về nguồn vật liệu cho dự án giao thông trọng điểm khu vực phía Nam.
Theo chỉ tiêu Chính phủ giao cho tỉnh Bến Tre phải cung ứng khoảng 7,37 triệu m3 cho các Dự án: Dự án Cần Thơ - Cà Mau khoảng 2 triệu m3; Dự án thành phần 3 thuộc Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng khoảng 3,37 triệu m3; Dự án đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 2 triệu m3 cát.
Lãnh đạo UBND tỉnh Bến Tre cho biết, với số mỏ cát đã được thăm dò và quy hoạch trên địa bàn chưa đáp ứng nhu cầu cát phục vụ cho các dự án giao thông trọng điểm quốc gia cũng như các dự án trong tỉnh. Do đó, tỉnh sẽ bổ sung, điều chỉnh quy hoạch tỉnh trong đó có mỏ cát.
Bến Tre, dự kiến đề xuất 5 khu vực mỏ cát trên sông Ba Lai đưa vào cấp phép theo cơ chế đặc thù của Nghị quyết 106 của Quốc Hội. Bến Tre có 03 khu vực mỏ thuộc kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản, 05 mỏ cát chưa có kết quả thăm dò.
Tại buổi làm việc, UBND tỉnh Bến Tre đề nghị chủ đầu tư các dự án cần vật liệu cát phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh khảo sát chất lượng mỏ cát, trữ lượng,…nếu chấp nhận lấy nguồn cát này thì UBND tỉnh sẽ trình cơ quan có thẩm quyền quyết định cấp giấy phép khai thác cát. Ngoài ra, tỉnh Bến Tre đang thực hiện các thủ tục nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm Dự án Nạo vét luồng sông Tiền (Cửa Đại) đoạn từ vàm Bình Thắng đến cửa biển Thừa Mỹ, huyện Bình Đại. Tổng khối lượng nạo vét dự kiến hơn 10,9 triệu mét khối cát nhiễm mặn. Tuy nhiên đến nay, Bến Tre vẫn rất chậm trong việc thực hiện các trình tự, thủ tục khai thác cát phục vụ cho các dự án giao thông trọng điểm, nhất là dự án đường vành đai 3 ở TP.HCM.
Để tháo gỡ khó khăn trong việc khai thác cát phục vụ các công trình giao thông trọng điểm trong khu vực, Bến Tre kiến nghị các Bộ, ngành Trung ương hướng dẫn để tỉnh được áp dụng cơ chế đặc thù theo Nghị quyết số 106 của Quốc hội. Sớm ban hành tiêu chí đánh giá doanh nghiệp lập báo cáo nghiên cứu khả thi; hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đơn giá, định mức kỹ thuật và hướng dẫn kỹ thuật đánh giá, phân tích thành phần, hàm lượng, khối lượng khoáng sản đối với các dự án, công trình nạo vét vùng nước cảng biển, vùng nước đường thủy nội địa...
Ông Bùi Minh Tuấn, Giám đốc Sở Tài nguyên- MT tỉnh Bến Tre cho biết: "Tỉnh Bến Tre chuẩn bị đấu giá 6 mỏ cát, không thực hiện cơ chế đặc thù. Trước mắt đẩy nhanh thủ tục, đẩy nhanh tiến độ, để phục vụ chon hu cầu cấp thiết. Tuần sau họp HĐND tỉnh sẽ điều chỉnh quy hoạch tỉnh, trong đó có điều chỉnh khai thác khoáng sản. Trong giao đoạn 2021-2025, những mỏ cát dự kiến đưa vào khai thác không đáp ứng khối lượng cho nên phải lấy những mỏ đã quy hoạch từ năm 2026-2030 đưa vào giai đoạn này để thực hiện và trình Thủ tướng trước ngày 15-7. Về khả năng cung ứng theo hồ sơ điều chỉnh thì đáp ứng yêu cầu; tuy nhiên khi thực hiện các thủ tục chúng tôi thấy có nhiều vướng mắc phải xin ý kiến các ngành, nhất là Bộ Tài nguyên và Môi trường”.
Kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Duy Lâm đề nghị các thành viên Tổ Công tác xem xét giải quyết các đề xuất, kiến nghị của tỉnh Bến Tre. UBND tỉnh Bến Tre cần chỉ đạo các sở, ngành liên quan nghiên cứu kỹ các quy định pháp luật tham mưu cho tỉnh để tập trung, quyết liệt triển khai thực hiện các thủ tục cấp phép khai thác cát, đáp ứng tiến độ cung cấp cát cho các dự án. Đồng thời Bến Tre nên nghiên cứu, học tập kinh nghiệm, trình tự thủ tục tổ chức khai thác cát của các tỉnh lân cận để áp dụng cho tỉnh sớm cấp phép khai thác các mỏ cát. Các vấn đề vướng mắc về quy định pháp luật về đất đai, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải đề nghị UBND tỉnh Bến Tre có văn bản gửi về Bộ Tài nguyên và Môi trường để trao đổi, tháo gỡ khó khăn liên quan đến vấn đề này; cố gắng rút gọn thời gian cấp phép các mỏ cát càng sớm, càng tốt.
Hậu Giang chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng các cao tốc đi qua địa bàn tỉnh
Theo phản ảnh của phóng viên Tấn Phong/VOV-ĐBSCL, ngày 2/7, ông Nguyễn Văn Hoà - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang đã chủ trì cuộc họp nghe báo cáo tiến độ thực hiện công tác giải phóng mặt bằng các dự án cao tốc qua địa bàn tỉnh. Tham dự có lãnh đạo các sở, ngành, các địa phương trong tỉnh và đại diện Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận.
Về Dự án thành phần 3 thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, giai đoạn 1. Đến nay ngành chức năng đã bàn giao hơn 98% mặt bằng dự án cho nhà thầu. Hiện còn 18 hộ chưa bàn giao mặt bằng sạch. Đối với Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021-2025, đoạn Cần Thơ – Cà Mau, qua tỉnh Hậu Giang, hiện còn 4 hộ chưa bàn giao mặt bằng.
Sau khi nghe các đơn vị báo cáo, ông Nguyễn Văn Hòa, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang đánh giá công tác giải phóng mặt bằng tại hai tuyến cao tốc này còn chậm so với yêu cầu. Vì vậy, các đơn vị liên quan cần phối hợp với địa phương tập trung giải quyết dứt điểm trước ngày 20/7 tới, đồng thời hoàn thành việc di dời hạ tầng kỹ thuật để bàn giao mặt bằng thi công.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cũng đề nghị chủ đầu tư Dự án phối hợp với các sở, ban ngành và các địa phương có cao tốc đi qua quan tâm giải quyết sớm, nhanh nếu có những vấn đề phát sinh trong quá trình giải phóng mặt bằng, thi công ảnh hưởng đến nhà, vật kiến trúc, sản xuất …của người dân.
Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, giai đoạn 1, đoạn qua địa bàn tỉnh Hậu Giang (Dự án thành phần 3) có điểm đầu tại ấp Trường Lợi, xã Trường Long A, huyện Châu Thành A, điểm cuối dự án tại thị trấn Búng Tàu, huyện Phụng Hiệp, với tổng chiều dài gần 37km.
Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021-2025, đoạn Cần Thơ - Cà Mau (cao tốc Cần Thơ - Cà Mau) có tổng chiều dài gần 110km. Cao tốc Cần Thơ - Cà Mau có điểm đầu tại nút giao IC2 (nút giao nối vào Quốc lộ 91 - Quốc lộ Nam Sông Hậu, thành phố Cần Thơ), điểm cuối kết nối vào tuyến tránh thành phố Cà Mau (tỉnh Cà Mau). Dự án gồm hai dự án thành phần, gồm đoạn Cần Thơ - Hậu Giang có chiều dài gần 38km và đoạn Hậu Giang - Cà Mau dài hơn 72km, trong đó, đoạn qua địa bàn tỉnh Hậu Giang chiếm gần 60% tổng chiều dài toàn tuyến.