Điều 60 Luật BHXH: Sao chưa có hiệu lực đã vấp phải phản ứng?
VOV.VN -Việc sửa hay không điều này tiếp tục nhận được sự quan tâm đặc biệt và nhận được nhiều luồng ý kiến từ các đại biểu Quốc hội.
Tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII đang diễn ra tại Hà Nội, vấn đề sửa hay không điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2014, và nếu sửa thì sửa như thế nào, tiếp tục nhận được sự quan tâm đặc biệt và nhận được nhiều luồng ý kiến từ các đại biểu Quốc hội.
Lấy làm tiếc vì Luật bị công nhân phản ứng
Nhiều đại biểu cho rằng, Điều 60 Luật BHXH lần này có nhiều điểm ưu việt, phù hợp với chủ trương của Đảng, Nhà nước ta cũng như xu hướng của thế giới. Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cho rằng, Luật chưa có hiệu lực nhưng đã vấp phải phản ứng quả là điều không vui và khiến đại biểu rất buồn và lấy làm tiếc.
Công nhân phản ứng vì không được nhận "trợ cấp BHXH một lần" |
Ông Nguyễn Ngọc Phương cho rằng, quá trình xây dựng Luật đã theo quy định chặt chẽ, xin ý kiến nhiều tầng lớp, có cơ quan đại diện của người lao động. Điều 60 là phù hợp với xu hướng của thế giới, khuyến khích người lao động đóng để hưởng lương hưu và giảm áp lực ngân sách.
Nhưng nếu sửa điều 60 thì phải theo đúng quy trình, chặt chẽ và Quốc hội phải có đánh giá bao nhiêu người lao động phản ứng lại điều 60. Đại biểu này cũng lưu ý nhìn nhận lại quy trình làm luật, tránh tình trạng như xảy ra với điều 60.
Đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) cũng cho rằng, việc công nhân phản ứng điều 60 khi chưa có hiệu lực là điều rất đáng tiếc và hiếm gặp trong công tác xây dựng pháp luật. Thời gian qua, có nhiều luồng ý kiến tranh luận về vấn đề này. Phân tích ở góc độ nào cũng có hai mặt đúng đắn và hạn chế, nhưng cần cũng phải cần xem xét lại và căn cứ vào điều kiện thực tế hiện nay của người lao động.
Ông Vinh nói: “Cực chẳng đã họ mới phải chọn phương án nhận một lần. Do vậy, cần có quy định mở và tôi đề nghị xem xét bổ sung vào điều 60 được hưởng BHXH một lần theo nguyên tắc “có đóng có hưởng”.
Đề nghị giữ nguyên, không sửa
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) băn khoăn: Liệu số lao động mong muốn nhận BHXH một lần có phải đã thực sự khó khăn không. Và số tiền ít ỏi nhận được có giải quyết được khó khăn trước mắt của gia đình họ hay không, khi mà theo báo cáo của Chính phủ, trong những năm 2010 – 2014 cho thấy trong số hơn 2,3 triệu người hưởng BHXH một lần thì có đến hơn 962.000 người mới làm việc 1 năm trở lại. Tức là hưởng một lần tối đa được 1,5 tháng lương đóng BHXH.
Bà Kim Thúy nhấn mạnh, số tiền người lao động nhận BHXH một lần có thể còn thấp hơn thực nhận, vì không ít doanh nghiệp còn tình trạng có 2 sổ lương, trong đó sổ đóng BHXH có khi chỉ bằng tiền lương tối thiểu vùng. Do đó chỉ đóng một thời gian ngắn rồi rút ra thì không thể coi là bảo hiểm được. “Số tiền đó làm sao giải quyết được khó khăn, làm vốn về quê lập nghiệp được?”, bà Kim Thúy đặt vấn đề.
Tuy nhiên, đại biểu nhấn mạnh, chúng ta cần tôn trọng quyền lựa chọn nhận BHXH một lần hoặc bảo lưu thời gian đóng BHXH của người lao động. Lý do bà Kim Thúy đưa ra là để đáp ứng mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội như tinh thần điều 60 Luật BHXH năm 2014, chúng ta phải chấp nhận lùi mục tiêu lại; thứ hai, thị trường lao động của nước ta chưa hoàn thiện, người lao động có việc làm nhưng không ổn định, chủ yếu theo mùa vụ; thứ ba là tiền lương tối thiểu theo vùng chưa đáp ứng yêu cầu sống tối thiểu, hiện nay chỉ mới đáp ứng được 70%.
“Quốc hội có chăng bổ sung thêm nhóm sau một năm nghỉ việc được quyền lựa chọn hưởng BHXH một lần hoặc bảo lưu. Nói chính xác là không phải sửa đổi điều 60 Luật BHXH năm 2014 vì về nguyên tắc có sai thì mới sửa. Mà điều 60 này là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp” – đại biểu Kim Thúy nói.
Xây dựng kinh tế vững mạnh sẽ thu hút được công nhân
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP HCM) cho rằng, điều 60 Luật BHXH 2014 đúng nhưng chưa đủ vì chưa quan tâm đầy đủ quyền lợi của tất cả bộ phận người lao động. Ngay trong người lao động cũng tồn tại 2 lợi ích, đó là bảo lưu để lĩnh lương hưu và “nhận một cục” – đây là lợi ích có sự dao động do điều kiện lao động, đời sống gia đình, nhà máy có nguy cơ đóng cửa…
Ông Trương Trọng Nghĩa lý giải, phản ứng của công nhân không phải giống như người nghiện ma túy chống lại luật cấm may túy, người đánh bạc chống lại luật cấm đánh bạc. Do điều 60 Luật BHXH 2014 đã tước đi quyền lựa chọn hợp pháp của một bộ phận người động nên đã khiến họ phản ứng.
“Đặc trưng của luật pháp trong các nước dân chủ là trao cho công dân lựa chọn quyền lợi hợp pháp của họ; quan tâm đến quyền lợi của đa số cộng đồng nhân dân, cho dù đó là cộng đồng thiểu số. Phản ứng của hàng trăm ngàn lao động có phải là thiểu số chúng ta có thể làm ngơ, bất chấp không? có phải là họ thiếu hiểu biết không? Tôi cho rằng không phải như vậy. Cách nhìn nhận cho đây là thiểu số mà bỏ qua quyền lợi chính đáng của người lao động là không nên.
Luật chưa có hiệu lực tại sao không sửa được? Ra nghị quyết hay sửa điều 60 đều được, nhưng phải đảm bảo quyền được lựa chọn chính đáng và hợp pháp của người công nhân. Bên cạnh đó, không có cách tuyên truyền nào hơn phải ra sức xây dựng nền kinh tế để càng ngày càng có nhiều người muốn bảo lưu để hưởng chế độ hưu trí” – ông Trương Trọng Nghĩa nhấn mạnh./.