Già làng, người uy tín với hành trình giảm nghèo ở vùng cao Thừa Thiên Huế
VOV.VN - Huyện miền núi A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế vừa được Thủ tướng Chính phủ công nhận thoát nghèo năm 2024, sớm hơn 1 năm so với kế hoạch. Đạt được kết quả này có sự đóng góp quan trọng của các già làng, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số.
Xã Hồng Hạ, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế có hơn 1.400 héc ta rừng. Thu nhập hàng năm của người dân chủ yếu từ phát triển kinh tế rừng. So với nhiều năm trước, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã giảm đáng kể, đa số người dân đã có nhà ở ổn định, đời sống vật chất và tinh thần được nâng cao. Già làng Nguyễn Hoài Nam, xã Hồng Hạ, huyện A Lưới, năm nay 77 tuổi luôn là tấm gương sáng và đi đầu trong các phong trào ở địa phương. Già làng Nguyễn Hoài Nam tâm sự: Bà con dân làng rất vui mừng khi huyện A Lưới được công nhận thoát nghèo. “Bà con xã Hồng Hạ không dừng lại, thoát nghèo rồi nhưng phải làm sao để làm giàu được. Bà con nỗ lực xây dựng gia đình, xã nhà phồn vinh, hạnh phúc, phát triển đời sống cao hơn trước đây. Đó là mong muốn chung của bà con”.
A Roàng là một trong 12 xã biên giới của huyện A Lưới. Cả xã có hơn 700 hộ dân với hơn 3.000 nhân khẩu, hơn 98% là người dân tộc Tà Ôi. Để giúp bà con thoát nghèo, địa phương này có nhiều mô hình tốt, cách làm hay, hiệu quả. Đảng ủy, UBND xã phân công từng đảng viên, người uy tín, già làng theo dõi, giúp đỡ từng hộ nghèo cách làm ăn. Ông Hồ Bình Tây, người Tà Ôi ở thôn A Roàng 1, xã A Roàng, huyện A Lưới cho biết, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã A Roàng giảm dần qua từng năm. “Tầm quan trọng của già làng, người có uy tín là học hỏi, triển khai những kinh nghiệm tốt, phối hợp đảm bảo an ninh trật tự, điều tra tội phạm khu vực biên giới. Chúng tôi vận động bà con dòng họ học tập làm theo gương của Bác Hồ. Chúng tôi lắng nghe ý kiến, tuyên truyền lại cho con cháu sau này, nỗ lực học tập, học những điều đúng, làm ăn phát triển kinh tế”.
A Lưới là một trong 74 huyện nghèo và là một trong 22 huyện nghèo cả nước được ưu tiên đầu tư, hỗ trợ để thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn giai đoạn 2022-2025. Với mục tiêu “không để ai bị bỏ lại phía sau”, công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện A Lưới được Huyện ủy, UBND huyện quan tâm hàng đầu và là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên, lâu dài. Đến nay, huyện này đã thoát khỏi danh sách 74 huyện nghèo cả nước trước thời hạn 1 năm.
Ông Nguyễn Văn Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện A Lưới cho rằng, các già làng, người có uy tín giữ vai trò quan trọng trong công tác giảm nghèo: “Các bác già làng, người uy tín trên địa bàn huyện A Lưới trong thời gian qua hết sức nỗ lực trong công tác tuyên truyền, vận động bà con dòng họ, làng bản, thôn, tổ dân phố. Qua đó, giúp bà con thực hiện đúng chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Đồng thời, tuyên truyền bà con nhân dân sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư của Trung ương. Ngoài ra, các già làng, người uy tín hỗ trợ thêm về mặt tinh thần để các hộ nghèo có thêm động lực giảm nghèo, phát triển kinh tế, xã hội”.
Hành trình giảm nghèo thành công của huyện A Lưới cho thấy địa phương có nhiều cách làm sáng tạo. Huyện xác định rõ nguyên nhân và có phương án hỗ trợ thoát nghèo cho từng hộ cụ thể. Ông Y Thông, Thứ trưởng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc đánh giá, hành trình thoát nghèo của huyện A Lưới có sự đóng góp rất lớn của già làng, người uy tín: “Vai trò của người có uy tín rất quan trọng. Người có uy tín động viên bà con đồng bào tích cực phát triển kinh tế, thoát được nghèo. Huyện A Lưới trước đây là huyện nghèo nhưng trong mấy năm gần đây, quá trình đầu tư phát triển của Đảng và Nhà nước cùng với sự cống hiến của các già làng, người có uy tín trong vùng, hiện nay địa phương thoát được nghèo. Thoát được huyện nghèo, còn đối với đối tượng là đồng bào thiểu số còn khó khăn, Nhà nước vẫn còn tiếp tục hỗ trợ. Những người có uy tín, già làng tiếp tục tuyên truyền cho bà con. Đảng và Nhà nước không bao giờ quên những người còn khó khăn, không để ai bị bỏ lại phía sau”.