Giảm biên chế: Càng giảm càng phình?
VOV.VN - Hiện nay, không phải 4 triệu công chức hưởng lương mà có tới 11 triệu người ăn lương, hưởng lương và mang tính chất lương.
Trong phiên họp trực tuyến của Chính phủ với các địa phương ngày 29/12, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tăng cường chỉ đạo chấn chỉnh kỷ luật kỷ cương, tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát trong thực thi công vụ, thực thi pháp luật và công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí và xử lý nghiêm các vi phạm.
Đặc biệt, khi nhắc tới công tác thu chi, Thủ tướng bày tỏ lo lắng vì chi thường xuyên quá lớn, chi trả nợ, chi đầu tư đang giảm dần. Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu tiết kiệm chi, chi thường xuyên, hành chính, hội nghị.
Chi cho bộ máy hành chính đang chiếm phần lớn trong cơ cấu ngân sách Nhà nước (ảnh Internet)
Nhắc đến việc phải chi quá nhiều cho bộ máy hành chính, ông Nguyễn Ngọc Thắng – Chủ tịch tỉnh Khánh Hòa bày tỏ sự đồng tình phải sớm tinh giản bộ máy, tinh giản biên chế. “Chúng ta nói nhiều đến giảm nhưng sau nhiều đợt tinh giản thì bộ máy lại phình ra, biên chế tăng lên. Tôi biết không phải 4 triệu công chức hưởng lương mà có tới 11 triệu người ăn lương, hưởng lương và mang tính chất lương. Con số này chiếm hơn 1/10 dân số thì gay go, Chính phủ muốn tăng lương thì tăng làm sao? Khó lắm, lấy nguồn đâu để tăng?” – ông Thắng bày tỏ.
Thời gian qua, dư luận đặc biệt lo ngại về tình trạng bộ máy hành chính Nhà nước thì ngày một “phình” to, tỷ lệ nghịch với hiệu quả hoạt động. Thủ tướng đã chỉ đạo ban hành bộ tiêu chí đánh giá công chức, tuy nhiên, đến thời điểm này hầu như các địa phương đều chưa xây dựng được và đều kêu khó.
Với Thanh Hóa, câu chuyện đánh giá cán bộ có vẻ đang tiến hành khá trôi chảy, có hiệu quả. Chia sẻ kinh nghiệm trong việc quản lý cán bộ, Bí thư tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến cho biết: Tỉnh Thanh Hóa ban hành tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ đối với các Giám đốc các Sở, ngành và Chủ tịch UBND các huyện.
“Chúng tôi đánh giá theo thang điểm, ai không đạt điểm là mức độ hoàn thành công việc kém. 5 năm có 2 lần bị xếp loại trung bình sẽ bị xử lý. Tất cả những việc UBND tỉnh giao thì tại cơ quan Văn phòng UBND tỉnh chúng tôi theo dõi sát sao, Sở nào, ngành nào làm chậm là biết ngay. Cuối tháng, chúng tôi trừ điểm anh đó trước. Cho nên, Sở, ngành nào cũng lo hoàn thành nhiệm vụ. Chính vì thế, tỷ lệ hoàn thành nhiệm vụ các tháng đạt trên 99%, có tháng đạt 100%” – ông Trịnh Văn Chiến nói.
Cũng theo ông Trịnh Văn Chiến, tỉnh Thanh Hóa yêu cầu các sở, ngành, địa phương phải xây dựng tiêu chuẩn chức danh của từng vị trí việc làm để đào tạo, luân chuyển, điều động, cất nhắc và đặc biệt là sắp tới là tinh giản biên chế thì tỉnh cũng lấy tiêu chí này để xét tinh giản.
Ông Trịnh Văn Chiến chia sẻ: “Nếu không đạt tiêu chí thì phải ra đi. Trong cơ quan nhà nước cũng phải có sự đánh giá. Không phải vào cơ quan nhà nước, ấm chân rồi là ỳ ra, rất nguy hiểm cho bộ máy của chúng ta. như thế không bao giờ chúng ta thực hiện được những nhiệm vụ chúng ta chỉ đạo. Hai năm vừa rồi, Thanh Hóa đã tiến hành các công việc này và bước đầu đã có chuyển biến mạnh”.
Về công tác tuyển dụng cán bộ, theo ông Trịnh Văn Chiến, trong 3 năm qua, Thanh Hóa tiếp tục quản chặt đầu vào bộ máy từ tỉnh đến cơ sở thông qua thi tuyển nghiêm minh. Ông Chiến khẳng định: “Chúng tôi chọn các ứng viên thực sự có năng lực. Tất cả những việc này gây nhiều sức ép cho thí sinh. Trong tỉnh có nhiều chỗ tác động nhưng nếu không làm thế thì người dân mất lòng tin đối với chúng ta nên tỉnh kiên quyết làm. Khi đã tạo bình đẳng, các cháu con nhà nghèo có năng lực cũng có cơ hội vào cơ quan Nhà nước, tạo sự cạnh tranh bình đẳng”.
Theo phản ánh của ông Chiến, việc thi tuyển công chức ở Thanh Hóa làm rất nghiêm túc nên thí sinh trượt nhiều lắm. Năm vừa rồi có 2.363 thí sinh đăng ký thi vào bộ máy nhà nước. Nhưng ngay thi vòng 1, với 2 môn điều kiện là Ngoại ngữ và Tin học chỉ có 1.072 thí sinh vượt qua.
Và ông Chiến bày tỏ lo lắng: “Không biết bây giờ các cháu học hành ở các trường thế nào, các trường đào tạo ra sao mà trượt nhiều như thế trong khi đề không phải là khó. Đào tạo không đi vào thực chất thì rất khó”.
Ông Chiến nói tiếp: “Vòng thi thứ 2, trong số 1.072 thí sinh thì chỉ có 165 thí sinh đạt yêu cầu. Trong 2.363 thí sinh chúng tôi chỉ lấy vào trong bộ máy được 165 thí sinh. Khi chuyển hồ sơ của các cháu vào các cơ quan, sở ngành thì nhiều đồng chí giám đốc các sở ngành nói rằng thấy chả con cháu nhà ai, nhưng lý lịch của các cháu này thì học bạ, quá trình phấn đấu công tác rất khá, toàn học sinh ở các trường có tên tuổi cả, còn các trường không có tên tuổi thì không vào được”.
Theo khẳng định của ông Chiến: Cách làm này nhận được sự đồng tình rất lớn của nhân dân tỉnh Thanh Hóa. Ông Chiến cũng chia sẻ: “Để nghiêm với người dân, thí sinh rất dễ còn nghiêm với anh em trong bộ máy, những người trong hội đồng thi là khó thực hiện nhất. Các chỉ đạo của UBND thì làm đầy đủ, nhưng họ có rất nhiều mẹo để lách, từ số báo danh, chấm điểm… Tôi nghĩ, năm 2015, Chính phủ nên chỉ đạo chặt chẽ công tác này. Chúng ta tiến hành trong nhiều năm thì chắc chắn bộ máy sẽ tốt”.
Trước đó, trong các phiên họp của Chính phủ, Thủ tướng thường xuyên yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương phải quán triệt, thực hiện nghiêm túc các Nghị quyết của Trung ương và Quốc hội, trong năm 2015, không tăng thêm biên chế cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính./.