Ai sẽ là quán quân Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 18?
VOV.VN -Sau 52 cuộc thi tuần, tháng và quý, cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 18 đã chọn được 4 nhà leo núi xuất sắc.
Sáng nay (2/9) chính thức diễn ra trận chung kết Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 18 để tìm ra quán quân cho chiếc vòng nguyệt quế.
Sau 52 cuộc thi tuần, tháng và quý, cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 18 đã chọn được 4 nhà leo núi xuất sắc.
1./. Nguyễn Hữu Quang Nhật với lợi thế ở phần thi Tăng tốc
Với phong thái thi đấu điềm tĩnh, kiến thức đa dạng và phong phú, Nguyễn Hữu Quang Nhật (trường THPT Phan Châu Trinh, Đà Nẵng) là người đầu tiên điền tên mình vào trận chung kết năm Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 18 khi giành vòng nguyệt quế cuộc thi quý 1 với tổng điểm 280.
Nguyễn Hữu Quang Nhật (trường THPT Phan Châu Trinh, Đà Nẵng) |
Quang Nhật tự đánh giá phần thi mà mình yếu nhất là Vượt chướng ngại vật. Tuy nhiên, vòng thi Tăng tốc là một thế mạnh lớn của em với nhiều lần trả lời nhanh, đạt số điểm tuyệt đối.
Ngoài kiến thức chung, nam sinh đến từ Đà Nẵng cho biết rất thích những câu hỏi về lĩnh vực thể thao bởi đây là sở trường của em.
Quang Nhật từng tham gia cuộc thi Chinh phục dành cho học sinh THCS và giành giải nhất tuần chương trình.
2./. Chu Quang Trường- chàng trai luôn mang theo ngôi sao xanh hy vọng
Chu Quang Trường (trường THPT Nguyễn Chí Thanh, TP HCM) là thí sinh chiến thắng cuộc thi quý 2 với 290 điểm một cách đầy nghẹt thở để mang cầu truyền hình thứ 2 của trận chung kết năm Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 18 về TP HCM.
Chu Quang Trường (trường THPT Nguyễn Chí Thanh, TP HCM) |
Nam sinh đã không thể kìm nén được xúc động và bật khóc trong sung sướng ngay trên sân khấu của chương trình.
Chu Quang Trường được mọi người chú ý vì luôn mang theo bên mình một ngôi sao xanh hy vọng ở các vòng thi tuần, tháng, quý và lần lượt đều giành được chiến thắng.
Thí sinh đến từ TP HCM đặc biệt có thế mạnh về khả năng tiếng Anh.
3./. Nguyễn Hoàng Cường - đối thủ đáng gờm của nhiều thí sinh
Nguyễn Hoàng Cường (trường THPT Hòn Gai, tỉnh Quảng Ninh) là thí sinh giành tấm vé thứ 3 vào trận Chung kết năm Đường lên đỉnh Olympia 2018 sau khi xuất sắc giành được số điểm 320 ở cuộc thi quý 3.
Nguyễn Hoàng Cường bước vào trận chung kết Đường lên đỉnh Olympia năm 2018 với tư cách là người nắm giữ kỷ lục khi là thí sinh đầu tiên của cuộc thi trong suốt nhiều năm qua giành được điểm tuyệt đối trong phần thi Khởi động.
Nguyễn Hoàng Cường (trường THPT Hòn Gai, tỉnh Quảng Ninh) |
Ở cuộc thi tháng, Hoàng Cường đã giành 120 điểm phần thi Khởi động trong thời gian 53 giây và cũng giành được số điểm chung cuộc 370 - cao nhất của Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 18 tính đến thời điểm hiện tại.
Với phong thái có chút rụt rè và bẽn lẽn nhưng nam sinh đến từ Quảng Ninh cho thấy mình sẽ là một đối thủ đáng gờm đối với bất kỳ đối thủ nào.
Hoàng Cường cũng là thí sinh có bảng thành tích rất đáng nể phục khi theo học tiếng Pháp từ năm lớp 1. Từng 3 lần giành giải học sinh giỏi cấp tỉnh tiếng Pháp, tham dự cuộc thi học sinh giỏi quốc gia tiếng Pháp năm lớp 10.
4./. Lê Thanh Tân Nhật- cậu học trò xứ Quảng với thế mạnh về Lịch sử
Lê Thanh Tân Nhật (trường THPT thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị) là thí sinh cuối cùng giành được tấm vé vào trận chung kết Đường lên đỉnh Olympia năm 2018 sau khi trải qua màn rượt đuổi điểm số đầy kịch tính ở cuộc thi quý 4, với 275 điểm.
Lê Thanh Tân Nhật (trường THPT thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị) |
Điểm đặc biệt ở Tân Nhật là em có thế mạnh và am hiểu về kiến thức Lịch sử.
Một điểm thú vị khác ở Tân Nhật là em đến từ mảnh đất Quảng Trị, nơi sản sinh ra các nhà vô địch Đường lên đỉnh Olympia Văn Viết Đức (năm thứ 15) và Phan Đăng Nhật Minh (năm thứ 17).
Quán quân Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 18 ngoài vòng nguyệt quế sẽ được nhận thêm phần thưởng trị giá 35.000 USD và cúp kỉ niệm. Các thí sinh xếp thứ hai và ba lần lượt giành được số tiền thưởng là 20 triệu và 10 triệu đồng./.
Đường lên đỉnh Olympia: Hoàng Cường chiến thắng ở giây phút cuối cùng
Ước mơ giản dị của Quán quân Đường lên đỉnh Olympia mùa thứ 17
Thí sinh “Đường lên đỉnh Olympia” vào thẳng đại học: Nên hay không?