Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nói gì về chủ trương “tích hợp” môn Sử?
VOV.VN -Bộ trưởng khẳng định không giảm môn Lịch sử, còn vấn đề để riêng môn độc lập hay gắn với các môn khác sẽ tiếp tục được thảo luận.
Trả lời chất vấn của đại biểu ĐB Lê Văn Lai (Quảng Nam) về đề án giáo dục phổ thông tổng thể, trong đó thay đổi cách giảng dạy bộ môn Lịch sử, từ môn học độc lập sang môn tích hợp, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận khẳng định: Đúng là dư luận quan tâm đến môn Lịch sử, vì không thấy môn học này xuất hiện trong chương trình giáo dục mới. Tuy nhiên, vấn đề này chỉ tập trung vào chương trình THPT, còn chương trình tiểu học và THCS về cơ bản nhận được sự nhất trí.
Ông Phạm Vũ Luận trả lời chất vấn tại Quốc hội (Ảnh chụp màn hình) |
“Môn Lịch sử không bị coi nhẹ”
Đây là khẳng định của Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, đồng thời nhấn mạnh Lịch sử được coi trọng hơn so với chương trình hiện hành. Theo ban soạn thảo chương trình báo cáo và phía Bộ đã kiểm định, kiểm tra thì hiện nay học sinh ở THPT đang học 1,5 tiết Lịch sử/1 tuần. Trong thiết kế chương trình dự thảo, học sinh không học chuyên ban khoa học xã hội sẽ học bình quân 2,5 tiết Lịch sử/1 tuần, tăng 1 tiết; những em vào phân ban khoa học xã hội học 4 tiết/1 tuần. Tất cả những tiết học này đều là bắt buộc.
Đại biểu QH: Thay đổi cách dạy Lịch sử khiến xã hội “xáo trộn tâm can”
Như vậy, nội dung và khối lượng kiến thức về Lịch sử là tăng lên. Vì sao lại đưa môn này vào môn Công dân với Tổ quốc? Bộ trưởng GD-ĐT lý giải, vì có chủ trương tích hợp; bên cạnh đó, trong luật về giáo dục quốc phòng an ninh có quy định giảng dạy về lịch sử giữ nước, lịch sử quốc phòng. Ban soạn thảo dự kiến đưa vào chỗ này để tránh trùng lắp.
Ngoài các nội dung lịch sử được giảng dạy trong phần Công dân với Tổ quốc, ở những môn học khác cũng dự kiến có giảng dạy Lịch sử. Ví dụ về Văn học cũng gắn với Lịch sử.
“Chúng ta giảng về Hịch Tướng sĩ, Bình ngô Đại cáo, Tuyên ngôn độc lập, nếu không gắn với Lịch sử các cháu sẽ không hiểu được và không thể có rung động. Không phải chỉ Văn học mà Địa lý, Âm nhạc, Mỹ thuật cũng gắn kết, hỗ trợ với Lịch sử. Ví dụ dạy bài hát “Câu hò bên bến Hiền Lương”, “Xa khơi”, nếu không gắn với Lịch sử thì các cháu không hiểu, không rung động. Cho nên rất nhiều môn học khác nữa cũng sẽ làm nhiệm vụ giáo dục truyền thống, giáo dục, hỗ trợ cho Lịch sử” – ông Phạm Vũ Luận nói.
Bộ trưởng khẳng định không giảm môn Lịch sử, vấn đề để riêng môn độc lập hay gắn với các môn khác. Đây là vấn đề thật sự cần thảo luận.
Lịch sử có còn là môn độc lập?
Sau khi Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhắc lại câu hỏi: “Theo Bộ trưởng, Lịch sử có còn là môn độc lập trong SGK không?”. Ông Phạm Vũ Luận cho biết: “Hiện nay ban soạn thảo đang lắng nghe ý kiến rộng rãi của toàn dân. Trên cơ sở đó, chúng tôi sẽ có thảo luận, tiếp thu. Chúng tôi dự kiến sẽ có báo cáo, làm việc với Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội đồng Lý luận Trung ương, Hội đồng Giáo dục quốc gia, Ủy ban Văn hóa, Thanh thiếu niên nhi đồng, các hội. Sau đó sẽ báo cáo với Thủ tướng Chính phủ. Vì đây là chuyện rất hệ trọng.
Quan điểm của chúng tôi là, nếu phân tích thấy việc tích hợp làm nhẹ, không làm tăng được thì không tích hợp. Còn việc tích hợp thấy vẫn đảm bảo thì vẫn cho tích hợp. Chúng tôi sẽ làm việc với các hiệp hội, chuyên gia giáo dục để có kết luận cuối cùng”.
Sẽ xem xét về bài thơ “Sông núi nước Nam”
Về chất vấn của ĐB Lê Văn Lai về việc tự ý thay đổi bản dịch cũ của bài “Sông núi nước Nam” đã tồn tại bao đời nay, đã có chỗ đứng trong lòng dân tộc, coi là bản “Tuyên ngôn độc lập” đầu tiên của nước ta bằng bản dịch mới, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết, văn bản này xuất hiện trong SGK lớp 7 từ năm 2003 lần đầu tiên, sau đó tiếp tục được tái bản.
“Tôi không có cơ hội để biết được năm 2003 lý do thế nào để làm, nhưng xin khẳng định ý kiến cá nhân là trong lần làm SGK này, những thay đổi không cần thiết, không đem lại hiệu quả cao sẽ không đưa vào” – ông Phạm Vũ Luận nói./.