Các chuyên gia giáo dục hiến kế đổi mới thi cử
VOV.VN -Bộ GD-ĐT chọn đổi mới thi cử là khâu đột phá trong đổi mới căn bản toàn diện nền giáo dục, điều này nhận được nhiều ý kiến của chuyên gia.
Đổi mới để giáo dục theo kịp thời đại, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, bồi dưỡng nhân tài là nhiệm vụ cấp thiết của ngành giáo dục và toàn xã hội. Báo Tiếng nói Việt Nam giới thiệu những ý kiến của các chuyên gia về “Hiến kế chấn hưng giáo dục”.
Thi cử chỉ là khâu để sàng lọc
Bộ GD-ĐT đã chọn đổi mới thi cử là khâu đột phá trong đổi mới căn bản toàn diện nền giáo dục. Xung quanh vấn đề này đã thu hút nhiều ý kiến đề xuất của các chuyên gia giáo dục…
Trước tiên, cần tái cấu trúc lại hệ thống giáo dục quốc dân, chứ hiện nay mạnh hệ thống nào hệ thống đó phát triển, hệ thống dạy nghề phát triển một kiểu, hệ thống phát triển phổ thông một kiểu khác, đại học cũng vậy. Điều đó cho thấy, chúng ta đang thiếu sự chỉ đạo nhất quán xuyên suốt trong quá trình đổi mới.
Vì vậy, cần tiến hành đổi mới cùng lúc 4 yếu tố cấu thành chất lượng giáo dục như: xác định mục tiêu giáo dục, nội dung giáo dục, phương pháp dạy và học, phương pháp kiểm tra đánh giá. Đổi mới giáo dục cần phải làm một cách đồng bộ, nhất quán, có đầu có cuối chứ cứ đổi mới hết lần này đến lần khác như hiện nay sẽ gây nhiều hệ lụy cũng như tốn kém cho xã hội. Trước tiên, Bộ phải tái cấu trúc lại hệ thống quốc dân, tiếp đó là đi vào đổi mới từng khâu như giáo viên, CT- SGK, trong đó có việc thi cử, đánh giá…
** GS. Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch T.Ư Hội Khuyến học Việt Nam: Phải giao quyền tự chủ cho các trường đại học
Nhà trường vẫn là yếu tố quan trọng nhất, giáo viên phải tính xem học sinh
cần được trang bị những kiến thức gì, áp dụng thế nào trong cuộc sống... Vì thế, để đổi mới, phải bắt đầu từ khâu đào tạo giáo viên. Họ chính là anh thợ xây, nếu họ năng lực kém thì không thể nâng cao chất lượng giáo dục. Còn việc thi cử đánh giá chỉ như khâu để sàng lọc, đánh giá trình độ học sinh, đảm bảo công bằng trong giáo dục.
Tôi đánh giá thấp tính hiệu quả trong việc đổi mới thi cử của kỳ thi Quốc gia THPT vừa qua, vì khâu xét tuyển đã khiến cho thí sinh mệt mỏi và các trường thì khổ sở vì tuyển sinh… Vì thế, để làm cuộc cách mạng đổi mới giáo dục thực sự, Bộ cần đặt niềm tin vào các trường đại học, phải giao quyền tự chủ cho các trường tuyển sinh, chứ không nên “làm khó” các trường bằng cách phải lấy kết quả từ kỳ thi chung để tuyển sinh đại học.
Ai đào tạo thì giao quyền đánh giá thí sinh cho họ, bởi mỗi trường đều có những đặc thù riêng nên sẽ có tiêu chí lựa chọn riêng. Vì sản phẩm đào tạo (đầu ra) của các trường sư phạm, kinh tế, kỹ thuật là khác nhau nhưng khi tiến hành thi đầu vào lại giống nhau, như vậy là sự bất hợp lý.
Ví dụ như ngành sư phạm cần có những tiêu chí chọn gắt gao, nhưng với cách tuyển sinh này thì việc thiếu thầy giỏi là đương nhiên. Do vậy, Bộ GD-ĐT nên để cho các trường tự chủ, thi tuyển sinh ĐH, CĐ.
** Nguyên Bộ trưởng GD-ĐT, GS. Phạm Minh Hạc: Phổ thông là móng của ngôi nhà
Trên thế giới, nhiều nước vẫn giữ thi phổ thông nhưng họ làm nghiêm túc lắm và môn thi tương ứng với khoa, ngành ở ĐH. Các em học sinh ở Anh kết thúc thời gian học phổ thông ở lớp 10, phải hoàn thành tất cả các môn học. Sau đó, các em có 2 năm chỉ để học 5 - 6 môn liên quan đến ngành mình sẽ học ở ĐH.
Đề thi do Bộ GD-ĐT ra, mỗi trường ĐH yêu cầu bài thi viết riêng. Tất cả nộp cho Bộ chấm và trả kết quả trực tiếp cho học sinh. Nước Pháp gọi thi tốt nghiệp THPT là thi Tú tài và có khi Bộ trưởng phải báo cáo Quốc hội về đề thi, chất lượng bài thi để quốc hội phân tích. Đào tạo đại học ở mỗi trường một khác nhưng phổ thông thì phải đại trà. Phổ thông là móng của ngôi nhà.
** PGS. Văn Như Cương: Dạy cho học sinh những gì có thể áp dụng trong cuộc sống
Một thực tế là kiến thức học sinh được học trong nhà trường chưa phải là những kiến thức thực sự cần thiết (còn lượng lớn kiến thức vô bổ) thì việc chỉ thay đổi cách thức kiểm tra đánh giá là chưa phù hợp. Vì vậy, theo tôi, khâu đột phá chính là việc các nhà trường dạy cho học sinh những gì, học thế nào, áp dụng ra sao trong cuộc sống./.