Đại biểu Quốc hội: Có hay không đường dây “chạy” điểm thi?
Đại biểu Quốc hội Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) cho rằng, vụ việc tiêu cực về kết quả thi tại Hà Giang vừa qua một lần nữa đã mất niềm tin về giáo dục.
Liên quan tới lùm xùm điểm thi ở Hà Giang, đại biểu Quốc hội mong muốn cơ quan điều tra cần phải vào cuộc quyết liệt. Có hay không việc đang tồn tại đường dây 'chạy' điểm thi hoặc còn ai khác đứng sau vụ gian lận gây chấn động này?
Đại biểu Quốc hội Phạm Thị Minh Hiền
Chia sẻ với phóng viên, đại biểu Quốc hội Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) cho rằng, vụ việc tiêu cực về kết quả thi Tốt nghiệp THPT tại Hà Giang vừa qua một lần nữa đã mất niềm tin về giáo dục.
“Đấy là tôi vẫn còn nhiều lạc quan với tư cách của một phụ huynh học sinh có con, có cháu đang thụ hưởng nền giáo dục công lập của nước nhà. Bởi nếu không có niềm tin vào sự đổi mới giáo dục hiện nay, tôi biết đặt con cháu mình vào đâu trong hành trình tiếp thu tri thức khi không còn sự lựa chọn nào khác?
Ở một vị trí khác cao hơn, là đại biểu dân cử, tôi đã nhìn thấy nhiều “cú rơi tự do” về niềm tin đối với nền giáo dục đào tạo trong dư luận xã hội suốt một thời gian dài.
Rất nhiều tiếng nói từ lương tri đã được cất lên liên quan đến vấn đề thi cử trong giáo dục ở các cấp chứ không riêng gì kỳ thi Tốt nghiệp THPT, nhưng rồi dường như những vấn đề đặt ra không nhận được câu trả lời thấu đáo, thay vào đó là những chương trình đổi mới đầy tính ảo vọng của những nhà quản lý giáo dục”, bà Hiền chi sẻ.
Thấu cảm trước sự bức xúc và giận dữ của dư luận, nhất là với những phụ huynh và các em học sinh tham gia kỳ thi vừa rồi, theo đại biểu Phạm Thị Minh Hiền, phải nói thẳng rằng, kỳ thi Tốt nghiệp THPT quốc gia vừa rồi có đánh giá thực chất trình độ thí sinh không, có khách quan không, có tiết kiệm cho ngân sách hay không thì chúng ta cũng thấy rất rõ.
Nhưng, việc dư luận xã hội nhìn nhận đánh giá và việc Bộ Giáo dục và Đào tạo có báo cáo đánh giá kết quả kỳ thi quốc gia vừa qua, được công khai minh bạch trước công luận lại là 2 câu chuyện khác nhau.
Đồ họa vụ gian lận điểm thi ở Hà Giang |
Sau kết luận thẳng thắn và trách nhiệm của Cục Khảo thí Kiểm định chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo), đại biểu mong muốn cơ quan điều tra cần phải vào cuộc quyết liệt. Không chỉ làm rõ hành vi gian lận có chủ đích của chỉ một cá nhân mà cần làm rõ và trả lời cho được những nghi ngờ của dư luận xã hội, có hay không việc đang tồn tại “đường dây” chạy điểm thi với quy mô ra sao, hoặc còn ai khác đứng đằng sau vụ gian lận gây chấn động này?
Hiện nay, dư luận đang có những suy đoán theo chiều hướng tiêu cực khiến cho phụ huynh và học sinh ở những địa phương khác rất hoang mang, lo lắng và bức xúc. Tôi đề nghị, các cơ quan chức năng cần nhanh chóng vào cuộc để điều tra làm rõ. Nếu phát hiện sai phạm thì phải có hình thức xử lý thích đáng và cần thiết là truy cứu trách nhiệm hình sự.
Không thể để một hành vi gian lận được thực hiện rất ngang nhiên giữa thanh niên bạch nhật vô pháp vô thiên trong phạm vi của một kỳ thi cấp quốc gia, được kiểm soát nghiêm ngặt về an ninh theo quy định pháp luật.
Chúng ta đang dạy điều gì cho thế hệ tương lai, cho rường cột nước nhà từ những hành vi gian dối đến ghê sợ của người lớn như vậy? Chúng ta cần phải nhìn rộng ra rằng, có thể đó chỉ là hành vi sai phạm của một cá nhân, nhưng kết quả của kỳ thi này lại là kết quả của một địa phương và của cả quốc gia.
Nếu vụ việc không bị phát hiện thì chắc chắn đó là kết quả được công nhận hợp pháp nhưng thực chất lại chứa đựng sự gian dối vô cùng nguy hiểm, sự bất công rất lớn và cả sự nhẫn tâm không thể dung tha bởi đã cướp đi không ít những cơ hội của không ít em học sinh xứng đáng nhận được”, đại biểu Hiền bày tỏ.
Từ sự việc này, đại biểu Hiền cho rằng, đã đến lúc ngành giáo dục cần nghiêm túc xem xét lại có nên duy trì việc tổ chức thi Tốt nghiệp các cấp nữa hay không.
Rõ ràng chúng ta thấy rằng, hầu như năm nào ở các kỳ thi chuyển cấp, từ cấp tiểu học cho đến cấp THPT, đặc biệt, kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia đều luôn có những bài viết phản ánh trên báo chí về những tiêu cực liên quan đến kỳ thi, từ đề thi cho đến hình thức thi, tính kỷ luật cho đến chất lượng thi...
Cũng theo đại biểu, dù hiện nay, không có quy định bắt buộc các Bộ trưởng phải phát ngôn trước công luận về những bê bối, tiêu cực xảy ra trong lĩnh vực ngành đang quản lý.
Nhưng xét cho cùng, không cần phải có những quy định bắt buộc thì tinh thần trách nhiệm, cách ứng xử văn minh với những đối tượng bị thiệt thòi, yếu thế do cách quản lý yếu kém của ngành mình gây ra, thì sự lên tiếng thể hiện quan điểm hoặc trấn an, trả lời dư luận là một việc nên làm đối với một tư lệnh ngành có tâm và có tầm./.
Người thân thí sinh được “nâng điểm” ở Hà Giang có bị xử lý?
Gian lận điểm thi ở Hà Giang: Nhà ông Vũ Trọng Lương đóng kín cửa
Đề nghị khởi tố vụ gian lận thi cử chấn động ở Hà Giang
10 điểm đến ở Hà Giang đi mãi chẳng muốn về
Vụ gian lận chấn động ở Hà Giang: Phải chấn chỉnh kỳ thi “2 trong 1”
Sai phạm chấm thi ở Hà Giang: Để địa phương chấm sẽ khó tránh tiêu cực