Đề thi Ngữ văn lớp 10: Giáo viên đánh giá ra sao?
VOV.VN -Theo cô Nguyễn Kim Thanh, với biểu điểm khá rõ ràng, đề thi Ngữ văn vào lớp 10 có tính phân loại năng lực của thí sinh.
Sáng 8/6, hơn 75.000 thí sinh Hà Nội bắt đầu làm bài thi môn Ngữ văn trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT.
Trong đề thi năm nay, phần câu hỏi “mở”, yêu cầu kiểm tra năng lực, tư duy của thí sinh về kiến thức xã hội được đưa lên đầu tiên (phần I). Những kiến thức cơ bản về kiến thức môn Ngữ văn ở cấp THPT được Sở GD-ĐT Hà Nội đưa xuống phần sau (phần II).
Cô Nguyễn Kim Thanh, giáo viên dạy Ngữ văn, trường THCS Hoàn Kiếm-Tân Trào, Hà Nội cho rằng: Việc đảo câu hỏi đề thi cũng là chuyện bình thường, không phải dập khuôn mẫu là cứ phải đưa những câu hỏi kiểm tra kiến thức cơ bản trước rồi mới tới câu hỏi “mở”. Điều này cũng sẽ khiến học sinh có cách thức nhận thức rõ hơn về việc học Văn phải gắn với thực tiễn đời sống xã hội.
Cô Nguyễn Kim Thanh, giáo viên dạy Ngữ văn, trường THCS Hoàn Kiếm-Tân Trào, Hà Nội |
Theo cô Nguyễn Kim Thanh, với biểu điểm khá rõ ràng, đề thi Ngữ văn có tính phân loại năng lực của thí sinh. Đề thi gồm câu hỏi “mở”, những vấn đề đời sống xã hội chắc chắn sẽ giúp thí sinh hiểu rõ hơn Văn học không chỉ là văn bản, phải nhớ chi tiết, học thuộc lòng mà các em cần phải biết về cuộc sống xung quanh mình. Nếu học sinh vẫn ghi chép, học tập theo văn bản thì chắc chắn sẽ không thể được đánh giá cao.
Trong đề thi Ngữ văn đã đề cập đến tấm gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh có sự am hiểu sâu rộng về văn hóa các nước trên thế giới nhưng luôn giữ được bản sắc văn hóa dân tộc với một tâm hồn thanh cao.
Dựa vào tấm gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ban soạn thảo ra đề Ngữ văn đã đưa ra câu hỏi mở: “Em hãy trình bày suy nghĩ (khoảng 2/3 trang giấy thi) về trách nhiệm của thế hệ trẻ đối với việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc trong thời kỳ hội nhập và phát triển”.
Mục đích của câu hỏi này là muốn cho học sinh hiểu rằng, dù các bạn trẻ có muốn học hỏi, hội nhập với văn hóa các nước thì cũng phải giữ được bản sắc văn hóa dân tộc, phẩm chất của con người Việt Nam.
Ngoài câu hỏi mở ở phần I của đề thi là những câu hỏi đều nằm trong chương trình Ngữ văn của sách giáo khoa THPT.
Theo cô Nguyễn Kim Thanh, với đề thi như thế này, học sinh xếp loại Khá, Giỏi có thể đạt từ 7 điểm trở lên. Nếu thí sinh chú ý đến biểu điểm và bám chặt vào nội dung đề thì sẽ đạt điểm cao. Học sinh nào nắm chắc kiến thức cơ bản Ngữ văn THPT đều có thể đạt điểm trên trung bình./.
Đề thi Ngữ văn vào lớp 10 của Hà Nội