Kéo dài cấp THCS lên thành 5 năm: Các trường khó “xoay” kịp
VOV.VN- Trong khi một số ý kiến đồng tình với việc kéo dài thời gian học THCS lên 5 năm thì nhiều ý kiến cho rằng cần có thời gian và nên thực hiện thí điểm.
Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực vừa tổ chức phiên thảo luận với nhiều nội dung về hệ thống giáo dục quốc dân.
Với dự thảo Tờ trình về Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông và đề nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết mới về chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông được đưa ra tại phiên họp, có một số nội dung đổi mới chưa thấy trong các thông tin được công bố trước đây.
Theo đó, trong phần nhiệm vụ và giải pháp, Tờ trình đưa ra vấn đề xác định lại số năm học của mỗi cấp học trong hệ thống giáo dục phổ thông. Điều khiến dư luận quan tâm là trong Tờ trình nhắc đến phương án cho Giáo dục cơ bản được thực hiện trong 10 năm học (5 năm học giáo dục Tiểu học và 5 năm học giáo dục THCS), giáo dục định hướng nghề nghiệp được thực hiện trong 2 năm học THPT. Với sự thay đổi trên, nhiều cán bộ, giáo viên THCS ở Hà Nội đã có những ý kiến khác nhau.
Khó có thể định hướng nghề nghiệp ổn định cho học sinh từ cấp THCS
Bà Nguyễn Thanh Hà, Hiệu trưởng trường THCS Thăng Long, Hà Nội cho rằng, hệ thống giáo dục quốc dân đang hiện hành với thời gian học 12 năm, trong đó có cấp Tiểu học là 5 năm, THCS 4 năm và THPT là 3 năm vẫn phù hợp.
Hiện nay, tâm lý học sinh từ 12-15 tuổi đã được định hình ổn định. Nếu kéo dài cấp THCS lên thành 5 năm thì lứa tuổi THCS sẽ lớn hơn so với lứa tuổi của các em.
Nếu nói kéo dài thời gian học để có thể giúp học sinh định hướng nghề nghiệp thì chưa chắc đã hiệu quả vì nếu 12 tuổi học sinh thích học ngành A nhưng đến 15, 18 tuổi lại thích ngành học B. Thêm nữa, từ trước đến nay, phụ huynh vẫn là người chủ yếu định hướng nghề nghiệp cho con.
Hầu hết các phụ huynh đều muốn con tốt nghiệp THPT rồi thi lên bậc học cao hơn chứ chưa quen với định hướng cho con theo một ngành nghề phù hợp với năng lực, sở thích của con từ khi các cháu còn đang học ở cấp học dưới. Vì vậy, để định hướng nghề nghiệp hiệu quả, trước hết cần phải thay đổi tư duy của phụ huynh khi định hướng nghề nghiệp cho con cái.
Theo bà Nguyễn Thanh Hà, việc định hướng nghề nghiệp cho học sinh một cách ổn định nhất là thời gian học THPT. Còn nếu thời gian học THPT giảm xuống còn 2 năm sẽ là quá ngắn cho học sinh phát huy hết năng lực cũng như lựa chọn ngành nghề phù hợp.
Ở cấp THCS, việc định hướng nghề nghiệp nên chỉ mang tính tư tưởng, giúp học sinh hình dung được ngành nghề định theo. Chứ định hướng nghề nghiệp một cách cụ thể, rõ ràng nên là thời gian các em học THPT.
Ở nhiều nước trên thế giới, học sinh từ cấp THCS đến THPT đã được nhà trường mời một số trường ĐH, công ty, doanh nghiệp đến để giới thiệu về mô hình hoạt động cũng như yêu cầu của họ. Sau những cuộc trò chuyện, học sinh mới được xét học những trường, ngành nghề nào đó dựa vào những thang điểm khác nhau. Tiếp theo, các em được đi tham quan cơ sở đào tạo, dạy nghề ở các trường ĐH, công ty, doanh nghiệp.
Các nước còn tư vấn nghề nghiệp cho học sinh thông qua những hình thức khảo sát, tham quan thực tế. Ví dụ như nếu học sinh thích ngành Y thì sẽ được đưa đến các bệnh viện để được các y, bác sĩ giới thiệu cách thức khám, chữa bệnh cũng như những khó khăn khi làm ngành nghề này. Khi được giới thiệu, học sinh sẽ hình dung được ngành nghề mình định theo học như thế nào để quyết định có nên tiếp tục theo học nữa hay không.
Hiện nay, ở Việt Nam, ở một số trường học đã bắt đầu tổ chức những buổi dã ngoại đưa học sinh đi tìm hiểu một ngành nghề nào đó. Ví dụ như, có trường đã đưa học sinh đi đến các vùng ngoại ô để tìm hiểu xem phương thức trồng trọt, chăn nuôi như thế nào.
Bà Thanh Hà cho rằng, nếu Việt Nam áp dụng được mô hình định hướng nghề nghiệp như trên thì rất hay, sẽ giúp học sinh hình dung ra được ngành nghề đó có phù hợp với sức khỏe, năng lực của mình không.
Cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên khó có thể đáp ứng kịp thời
Hiện nay, việc học sinh học Tiểu học với thời gian 5 năm, THCS là 4 năm và THPT là 3 năm đã trở nên quen thuộc và phù hợp với các em. Hơn nữa, nội dung, chương trình giảng dạy cho các cấp học này cũng đã ổn định.
Theo bà Trần Thị Hồng Hạnh, giáo viên dạy Ngoại Ngữ, trường THCS Lê Quý Đôn, Hà Nội, nếu kéo dài cấp THCS lên thành 5 năm sẽ gặp phải những bất cập về cơ sở vật chất trường học, đội ngũ giáo viên. Khi tăng thời gian học THCS lên thì các địa phương khó có thể đáp ứng được các yêu cầu trên một cách kịp thời. Ví dụ như hiện nay, nhiều trường học ở Hà Nội có số lượng học sinh rất đông trong khi diện tích trường, lớp học vẫn thế.
Ngoài ra, khi thay đổi thời gian học thì sẽ làm xáo trộn tâm lý, sự thích nghi của học giáo viên và học sinh khi phải thay đổi nội dung chương trình giảng dạy.
Nếu kéo dài thời gian học THCS là để giúp học sinh định hướng nghề nghiệp tốt hơn thì cũng không phải vì việc định hướng phụ thuộc rất lớn vào sự chuẩn bị và chương trình một cách cụ thể, rõ ràng và chu đáo chứ không cứ gì là phải kéo dài thêm 1 năm nữ.
Còn nếu thời gian học THPT giảm xuống còn 2 năm thì học sinh chưa thể thích nghi được với môi trường học tập mới vì trong khoảng học kỳ I là thời gian các em học sinh chuyển từ cấp THCS sẽ phải làm quen với trường học, thầy cô giáo và bạn bè mới. Còn lại hơn 1 năm, học sinh sẽ không thể thích ứng được với chương trình học tập và có thể phát huy hết khả năng của mình.
Kéo dài thời gian sẽ giúp ổn định tâm sinh lý của học sinh
Khác với các ý kiến không đồng tình với việc kéo dài cấp THCS lên thành 5 năm, bà Nguyễn Thị Thịnh, Hiệu trưởng trường THCS Yên Hòa đồng ý với việc kéo dài thêm 1 năm nữa đối với cấp học này. Vì học sinh Tiểu học hiện vẫn rất non nớt về kỹ năng sống nên kéo dài thời gian học THCS sẽ giúp các em phát triển nhân cách.
Ở lứa tuổi THCS, tâm sinh lý của học sinh có nhiều thay đổi bất thường nên cần có thời gian để giáo viên, phụ huynh và học sinh trao đổi trong việc uốn nắn tư duy, hành động của các em.
Hiện nay, ở cấp THCS đã có những tiết học định hướng nghề nghiệp cho các em nhưng thời lượng còn rất ít. Nếu như kéo dài thời gian học THCS lên thành 5 năm thì sẽ hỗ trợ cho việc định hướng nghề nghiệp cho học sinh một cách tốt hơn.
Giáo viên sẽ có thêm thời gian phân tích khả năng học tập của các em đến đâu để có sự lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với bản thân.
Nếu Bộ GD-ĐT có chương trình giảng dạy phù hợp thì thời gian học THPT xuống còn 2 năm vẫn có thể đáp ứng được so với yêu cầu giảng dạy.
Theo bà Nguyễn Thị Thịnh, khi thay đổi thời gian học cấp THCS và THPT thì Bộ GD-ĐT nên thí điểm ở một vài địa phương trước khi áp dụng đại trà ra cả nước để có thời gian ổn định cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên.
Nên thí điểm ở một vài địa phương trước khi áp dụng đại trà
Bà Trần Thúy Nga, Hiệu trưởng trường THCS Kim Chung, Hoài Đức, Hà Nội nêu ý kiến, việc thay đổi thời gian học THCS xuống còn 5 năm và giảm thời gian THPT xuống còn 2 năm có thể áp dụng được. Tuy nhiên, điều này sẽ khiến Quốc hội phải thay đổi Luật Giáo dục năm 2005 và các trường học phải thay đổi về cơ cấu tổ chức, hoạt động, cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên. Việc thay đổi này phải có thời gian và cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.
Nếu kéo dài thời gian học THCS thì một phần của chương trình giáo dục THPT có thể được đưa xuống cấp học này.
Thời gian học THPT xuống còn 2 năm cũng có thể thực hiện được và cấp học này nên là phân luồng và định hướng nghề nghiệp cho học sinh sẽ hiệu quả hơn. Để thực hiện tốt vấn đề này, chương trình học có thể bỏ bớt những bài học hàn lâm, mang nặng lý thuyết./.