Nên “phá đi làm lại” hay chỉ cần sửa đổi?
VOV.VN -Một kỳ thi với quá nhiều sự kiện "nhớ đời" làm đảo lộn cuộc sống, sinh hoạt của nhiều gia đình. Sang năm có tiếp tục thi theo cách này?
Năm nay là năm đầu tiên Bộ GD-ĐT tổ chức kỳ thi 2 chung, điểm của kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia được sử dụng để xét tuyển đại học, cao đẳng. Trong thời gian diễn ra kỳ thi này không có gì đáng bàn. Nhưng đợt xét tuyển nguyện vọng 1 kéo dài 20 ngày vừa khép lại là cả một chuỗi các vấn đề mà những người làm giáo dục phải suy ngẫm.
Vì là năm đầu tiên tổ chức kỳ thi “2 chung” nên việc không lường hết các khó khăn nảy sinh trong quá trình tuyển sinh là điều dễ hiểu. Điều quan trọng là từ thực tế kỳ thi này, Bộ GD-ĐT sẽ có những tiếp thu, chỉnh sửa như thế nào cho các năm sau không “giẫm phải vết xe đổ” của năm nay.
Theo các chuyên gia, 20 ngày đăng ký xét tuyển là thời gian quá dài, gây khó khăn cho nhà trường và thí sinh |
Phá đi làm lại từ đầu?
Nói về cách thức tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia và tuyển sinh đại học năm nay, quan điểm của PGS Văn Như Cương là “Không nên bàn đến chuyện sửa đổi kỳ thi vừa qua như thế nào cho tốt hơn mà phải làm lại”.
Ông nêu ví dụ cụ thể: Thí sinh khi biết điểm và điểm đủ tiêu chuẩn có quyền nộp 4 khoa/ trường/ nguyện vọng 1, 12 khoa/3 trường/ nguyện vọng 2... tiếp đó là các trường phải luôn cập nhật danh sách đăng ký xét tuyển 3 ngày/ lần để thí sinh nắm rõ được vị trí của mình, khả năng có thể đỗ của mình như Bộ đã đưa ra trước đó.
Cách làm này không có bất cứ một ưu điểm nào hết. Thí sinh không hề được định hướng rõ ràng như vẫn nghĩ mà đang lao vào "cuộc chơi đỏ đen", không khác gì đánh bạc hay chơi chứng khoán.
PGS Văn Như Cương: "Nếu cách làm năm nay không sửa được thì làm theo mô hình mới". |
Một mô hình PGS Văn Như Cương đề nghị là Bộ phải nghiên cứu cách làm của trường Đại học quốc gia Hà Nội. Thí sinh chỉ làm bài 1 buổi là xong. Bài thi bắt buộc thí sinh không thể học lệch, bởi kiến thức rất tổng hợp, có tiếng Anh, Sử, Địa, giáo dục công dân cũng có… nhận xét năng lực toàn diện, không học lệch được. Thứ hai, không gian lận được vì tất cả làm trên máy. Thi xong là biết điểm luôn. Nếu xác định mô hình này là tốt thì ta nhân rộng, tìm cách khắc phục những hạn chế, làm thế nào cho phù hợp.
“Tôi nhắc lại là cách làm năm nay không sửa chữa được thì làm theo mô hình mới. Nếu sang năm vẫn làm như thế này thì cực kỳ gay go”- PGS Văn Như Cương nhấn mạnh.
Còn theo GS Nguyễn Minh Thuyết thì thi theo cách năm nay thì diện tuyển sinh quá rộng, thí sinh cũng như các trường không biết được là những ai sẽ vào trường mình.
"Tôi nghĩ rằng, chúng ta đã quản điểm thi, thông báo điểm thi trên mạng rồi thì cũng nên để học sinh nộp hồ sơ đăng ký trên mạng. Khi nào các em đã lọt vào danh sách trúng tuyển rồi thì chuyển hồ sơ của mình đến trường, có thể trực tiếp hoặc qua bưu điện. Tôi nghĩ cần có sự thay đổi để thí sinh thuận lợi hơn, không nên để thí sinh chạy hết trường này đến trường khác" - GS Nguyễn Minh Thuyết nói.
Chia sẻ quan điểm này, Tiến sỹ Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội cho rằng: “Bộ Giáo dục-Đào tạo đã không triệt để ứng dụng tin học. Đáng lẽ học sinh không cần phải đến trường, không cần phải nộp cái gì cả. Mỗi em có một mã số mà điểm thi quốc gia thì Bộ đã quản rồi, thì chỉ cần với điểm ấy, nguyện vọng đầu tiên thi vào trường nào, chọn trường đó và trường căn cứ vào phổ điểm thi, vào nguyện vọng của mỗi trường, mỗi khoa người ta xét. Theo tôi chỉ cần để 5 ngày thôi cho học sinh nhập, sau 5 ngày thì các trường đó đã có quyền chọn”.
Nên giữ lại và sửa cái gì?
PGS.TS. Trần Xuân Nhĩ, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam cho rằng, việc giảm từ 2 kỳ thi xuống còn một kỳ để giảm bớt sự tốn kém và căng thẳng cho học sinh. Đây là điều rất đáng hoan nghênh. Vấn đề cần phải suy nghĩ là nên làm như thế nào để năm tới tốt hơn.
Theo PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, một trong những giải pháp là tăng cường tính tự chủ - hay nói cách khác, giao quyền tự chủ cho các trường ĐH, CĐ nhiều hơn nữa thì sẽ bớt rắc rối như năm nay. Sự thực là các trường ĐH, CĐ chưa được giao quyền tự chủ hoàn toàn cho nên mới sinh chuyện như vậy. Có nghĩa chúng ta làm tốt một kỳ thi THPT Quốc gia là trách nhiệm của Bộ GD-ĐT và các Sở. Sau đó dựa trên các kết quả đó, quá trình học tập ở trường phổ thông, các trường ĐH, CĐ tự chủ tuyển sinh sẽ tốt hơn.
* Hỗn loạn trong ngày cuối cùng nộp hồ sơ xét tuyển nguyện vọng 1
* Có thể thấy trước những hệ lụy lâu dài
* Cần nghiêm túc nhìn nhận những thất bại
Thêm vào đó, kỳ thi THPT Quốc gia có thể triển khai sớm hơn. "Vì để đến tháng 7 thì thời gian tuyển vào các trường ĐH rất gấp gáp và sinh ra những sự lộn xộn đó. Đây là hệ quả tất yếu” – ông Trần Xuân Nhĩ nói.
GS.TS. Trịnh Minh Thụ, Phó hiệu trưởng trường ĐH Thủy Lợi cho rằng: Nếu trong năm tới, Bộ vẫn sử dụng hình thức xét tuyển như năm nay thì sẽ phải rút ngắn thời gian, để giúp các trường thuận lợi trong việc thu nhận hồ sơ, tập trung xét tuyển.
GS.TS. Trịnh Minh Thụ nói: “Theo tôi, chỉ khoảng 1 tuần là thuận lợi, đủ thời gian đăng ký. Qua tìm hiểu chúng tôi thấy, kể cả những em điểm cao hay điểm thấp, phổ điểm nào cũng băn khoăn lo lắng liệu nộp vào trường này có chắc hay không? Liệu rút ra có được không? Thời gian suy nghĩ dài rất mệt mỏi, không giải quyết được gì. Việc rải rác thu hồ sơ khó khăn cho các trường, cũng như kéo dài nỗi lo lắng cho thí sinh và gia đình”.
Cảnh chen lấn, xếp hàng rút - nộp hồ sơ lần đầu tiên xuất hiện trong lịch sử tuyển sinh nước nhà? |
Với kinh nghiệm làm giáo dục lâu năm, GS Nguyễn Minh Thuyết cũng lo lắng rằng, nếu còn thi theo kiểu này thì sang năm những khó khăn sẽ còn nguyên. Bởi vậy, dù sang năm chúng ta chưa thể đổi ngay cách tổ chức thi tốt nghiệp và tuyển sinh đại học- cao đẳng được mà vẫn phải thi chung như năm nay, nhưng phải có một số cải tiến.
Thứ nhất: Phải để cho thí sinh tự chọn cụm thi của mình, tránh quy định các cụm thi cứng theo ranh giới hành chính. Vì nếu quy định như hiện nay thì sẽ có nhiều thí sinh ở cuối tỉnh, cuối huyện lẽ ra thi ở cụm B sẽ thuận lợi hơn nhưng các em lại buộc phải thi theo cụm A vì các em ở tỉnh thuộc cụm thi đó; nghĩa là phải di chuyển xa hơn.
Thứ hai, phải để cho các trường đại học, cao đẳng được quyền công bố ngay từ đầu phạm vi tuyển sinh của mình. Ví dụ, Đại học Bách khoa Hà Nội xác định chỉ tuyển những thí sinh thi ở cụm Đại học Bách khoa Hà Nội, cụm ĐH Bách khoa TP HCM hay ĐH QG Hà Nội và ĐHQG TPHCM... Như thế thì các trường mới có thể có được một số lượng thí sinh xác định, thí sinh cũng có thể biết được là triển vọng của mình như thế nào. Tuyển sinh như thế cũng sẽ công bằng hơn, vì trên thực tế có cụm coi thi lỏng tay, chấm thi cũng lỏng tay, trong khi có cụm, nhất là cụm do các trường top trên phụ trách coi thi chặt hơn, chấm thi chặt hơn.
Thứ ba, việc công bố điểm nên để cụm thi nào thì công bố điểm cho cụm thi ấy chứ không nên đưa tất cả về Bộ như năm nay. Nên tiếp tục công bố điểm thi của toàn bộ thí sinh. Năm nay, thí sinh chỉ biết điểm của mình, không biết điểm của các bạn khác. Như vậy, các em sẽ khó xác định được vị trí của mình để chọn trường. Bên cạnh đó, vì thực tế vẫn còn hiện tượng xuê xoa, dễ dãi, bệnh thành tích, thậm chí có cả tiêu cực nữa…, cho nên, công bố điểm của toàn bộ thí sinh cũng là cách để xã hội giám sát. Qua thông tin công khai, nếu người dân thấy có những cụm thi quá dễ dãi thì dư luận sẽ lên tiếng, Thanh tra sẽ vào cuộc, cụm thi ấy sang năm sẽ phải thay đổi. Còn nếu vì một điều gì đó mà mình giấu sự thật thì sang năm các vi phạm vẫn sẽ tái diễn.
Về lâu dài, việc thi tốt nghiệp nên giao cho các Sở Giáo dục-Đào tạo tổ chức và không nhất thiết cả nước phải thi vào cùng một ngày.
Cùng chung quan điểm với nhiều chuyên gia giáo dục khác, ông Nguyễn Minh Thuyết cũng cho rằng, việc tuyển sinh đại học, cao đẳng thì nên để các trường đại học, cao đẳng tự xác định phương án tuyển sinh. Trường có thể tổ chức thi tuyển sinh riêng, liên kết với trường khác tổ chức thi tuyển sinh theo cụm hoặc không tổ chức thi mà chỉ cần xét tuyển theo kết quả tốt nghiệp THPT./.
Năm nay là năm đầu tiên Bộ GD-ĐT tổ chức Kỳ thi THPT Quốc gia nên khó tránh khỏi những sai sót. Từ thực tế diễn biến kỳ thi và ý kiến đóng góp của các chuyên gia, dư luận xã hội, rất mong Bộ GD-ĐT sẽ nghiêm túc nhìn nhận lại các vấn đề từ cách thức tổ chức kỳ thi, ra đề thi, công bố điểm thi, thời gian đăng ký xét tuyển, phương thức xét tuyển, số lượng các nguyện vọng và đặc biệt là việc giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường đại học, cao đẳng... để tránh những sự cố đáng tiếc có thể gặp phải trong mùa tuyển sinh 2016.