Nguyên Thứ trưởng GD-ĐT: Đào tạo Đại học không ổn!
VOV.VN - "Đầu vào thi cử quá nặng nề, nhưng trong quá trình học không có sự sàng lọc, học bao nhiêu ra trường bấy nhiêu..."
Trong trả lời phỏng vấn VOV online, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục- Đào tạo chia sẻ về nhiều vấn đề trong giáo dục đào tạo hiện nay. Ông cho rằng, một trong những trở ngại lớn trong quá trình đổi mới giáo dục là phương pháp giảng dạy hiện nay chưa có sự thay đổi so với cả chục năm trước, vẫn theo lối “thầy giảng, trò chép”. Cùng với đó, việc đào tạo Đại học và sau Đại học cũng còn nhiều bất cập, quá nặng nề về đầu vào, trong khi đầu ra gần như bị bỏ ngỏ…
Thi tốt nghiệp như việc bốc thăm may, rủi
PV: Thưa ông, trong cuộc họp mới đây về chấn hưng giáo dục do MTTQ Việt Nam tổ chức, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan có đề nghị Bộ Giáo dục xem xét bỏ kỳ thi tốt nghiệp phổ thông. Quan điểm của ông như thế nào về việc này?
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ: Theo tôi hiểu, ý của Phó Chủ tịch nước cho rằng, nếu tổ chức thi tốt nghiệp phổ thông như hiện nay, nghĩa là chúng ta đang bốc thăm may rủi mấy môn và đánh giá dựa vào mấy môn đó. Và việc thi tốt nghiệp như vậy cho kết quả đỗ 97-98%, còn việc không đỗ rất ít. Nếu đánh giá như hiện nay thì không nên tổ chức thi, phải tìm một cách đánh giá khác có hiệu quả.
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ (ảnh: Giaoduc.net) |
Ý của Phó Chủ tịch nước không phải là bỏ kỳ thi, mà tìm cách như các nước vẫn làm. Đó là họ đánh giá học lực của học sinh qua cả một quá trình, ít nhất là 3 năm học THPT. Từng học kỳ, học sinh học hành như thế nào, kết quả như ra sao sẽ được đánh giá cụ thể. Cuối năm lớp 12 sẽ đánh giá việc tốt nghiệp của học sinh đạt hay không đạt. Với một quá trình dài và kết quả học rõ ràng như thế, học sinh khó có thể gian lận được.
Cùng với đó, tất cả các môn học ở phổ thông được xem là cần thiết thì đều phải được đánh giá. Còn việc thi cuối cấp chẳng qua là để kiểm tra một số môn, ví dụ môn Toán, Tiếng Việt, Ngoại ngữ. Đây chỉ là kiểm tra thêm, còn thực tế phải đánh giá trong cả 6 học kỳ. Lúc bấy giờ mới xếp loại được học sinh: Giỏi, Khá, Trung bình, Kém.
Nếu bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT thì làm sao biết được cả quá trình 12 năm học của học sinh như thế nào. Vì thế nếu làm được việc đánh giá, chúng ta phân công để các trường, các địa phương tự làm. Trường nào đáng tin tưởng thì để họ tự đánh giá, còn trường nào không tự đánh giá được thì Sở GD-ĐT sẽ hỗ trợ. Việc này chỉ là vấn đề về kỹ thuật, không quá khó để làm.
PV: Nhưng thưa ông, việc đánh giá dù chỉ là yếu tố kỹ thuật nhưng vẫn phải dựa trên nhân tố con người?
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ: Đúng vì thế nên cần phải giáo dục đội ngũ giáo viên, đội ngũ cán bộ quản lý phải có trách nhiệm với việc đánh giá. Nếu ta nói hoàn toàn không tin được ở họ, thì đó là điều không đúng.
Nếu làm được như vậy, các trường Đại học, Cao đẳng cũng dựa trên cơ sở đó có thể xếp theo từng loại trường, trường nào thì tuyển sinh ở thang điểm nào. Ví dụ trường có thể đào tạo chất chất lượng cao, thì ở mức điểm đánh giá tốt nghiệp phổ thông là 100; trường 80-100 thì chất lượng thấp hơn một chút và 60-80, 40-60 thì ở một loại trường khác. Còn ở mức thấp hơn 40 thì đi học trường nghề chẳng hạn…
Nếu đánh giá được như vậy, chúng ta có thể giảm được 2 kỳ thi nặng nề như hiện nay. Theo dự tính, mỗi kỳ thi hiện nay tốn khoảng 1.000 tỷ đồng, số tiền này có thể tập trung cho nhiều việc khác, ví dụ như chăm lo đời sống của giáo viên. Nhiều giáo viên hiện không có trách nhiệm đầy đủ một phần do ý thức, nhưng một phần do đời sống của họ quá khó khăn, nên mới phát sinh ra hiện tượng dạy thêm, học thêm và các tiêu cực khác… Đối với đội ngũ giáo viên, phải làm sao đảm bảo cho đời sống của họ được tốt hơn.
Một biện pháp nữa là các trường đào tạo giáo viên phải tính toán chứ không thể đào tạo theo kiểu tràn lan như hiện nay. Có thể phải quy hoạch lại vài chục trường sư phạm hoặc ít hơn nữa, nhưng phải có chế độ chính sách, chỗ ở, học bổng cho sinh viên một cách đầy đủ. Có chú trọng đào tạo đội ngũ giáo viên ở các trường sư phạm, thì khi ra trường họ mới làm tốt công việc của mình, đóng góp cho việc đổi mới giáo dục.
Cũng cần tính toán lại vấn đề bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên, không như thời gian vừa qua, bồi dưỡng theo kiểu “cưỡi ngựa xem hoa” như vậy không có hiệu quả.
Cách giảng dạy hiện còn quá thụ động
PV: Một yếu tố đóng góp qua trọng vào chất lượng đào tạo là phương pháp giảng dạy. Trong khi đó, theo đại đa số ý kiến chuyên gia cho rằng, nếu so với cả chục năm trước, cách giảng dạy ở nước ta vẫn chưa có nhiều thay đổi, chủ yếu theo cách “thầy đọc, trò chép”. Ông có cho rằng đây thực sự là một trở ngại trong việc đổi mới nền giáo dục nước nhà?
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ: Cách học của ta lâu nay rất thụ động, theo cách “thầy đọc, trò chép”. Trên thế giới, người ta đã thay đổi cách dạy này từ lâu. Họ đặt vấn đề cho người học phải tự giải quyết tất cả mọi việc. Học sinh họ có thể thoải mái trình bày ý tưởng, suy nghĩ của họ về một vấn đề, người thầy có nhiệm vụ uốn nắn lại nếu như suy nghĩ của học sinh còn lệch lạc.
Còn cách dạy như hiện nay, thầy trên bảng giảng bài, học sinh ngồi dưới có thể ngủ, có thể nghe (ảnh minh họa) |
Tôi chỉ lấy một ví dụ đơn giản, nếu thầy đưa ra một cái cốc làm bằng thủy tinh và giải thích dùng để uống nước thì học trò cũng chỉ biết vậy. Nhưng nếu ta đặt câu hỏi ngược lại cho học sinh: “Đây là cái gì?”, thì học sinh có nơi sẽ gọi là cái cốc, có nơi gọi là cái ly, có nơi cái cốc làm bằng thủy tinh, có nơi làm bằng đất nung, và cũng có thể làm bằng ống tre… Cái cốc đó không chỉ công dụng là đựng nước mà có thể đựng chè, đựng thuốc và cũng có thể làm tặng phẩm trong ngày Lễ, ngày sinh nhật… Vấn đề ở chỗ, người thầy không phải giảng giải cho học sinh đây là cái cốc mà phải hỏi ngược lại đây là cái gì để phát huy kiến thức phong phú của học sinh.
Phương pháp dạy mới nôm na là như vậy. Người thầy phải thay đổi cách dạy, phải tăng cường việc giúp học sinh học nhóm để các em phát huy sáng kiến của từng người để xây dựng sức mạnh tập thể. Khi dạy một bài nào đó, thầy nên hướng các em nêu được vấn đề và nội dung chính cần phải giải quyết… Đến giờ giảng của thầy, học sinh có thể lên báo cáo các vấn đề mình đặt ra, nếu chỗ nào học sinh hiểu lệch lạc thì lúc đó người thầy mới phát huy vai trò, uốn nắn trở lại cho các em hiểu đúng.
Còn cách dạy như hiện nay, thầy trên bảng giảng bài, học sinh ngồi dưới có thể ngủ, có thể nghe, có thể rất chăm chú nhưng trong đầu các em lại không hướng vào bài giảng mà đang nghĩ chuyện khác. Học sinh gần như không học được gì, nhưng đến gần ngày thi, thầy tóm tắt, hướng dẫn vài nội dung trọng tâm. Học sinh sẽ học theo các trọng tâm đó. Khi thi, em nào “trúng tủ” thì ngồi chép, em nào “lệch tủ” thì lại gian lận, chép bài, xem phao…
Vì thế, phải đổi mới phương pháp giảng dạy mới giải quyết rất nhiều vấn đề về chất lượng đào tạo hiện nay.
PV: Thưa ông, nhiều người cũng cho rằng học sinh Tiểu học hiện nay đang có sự quá tải. Vậy theo ông, ở lứa tuổi các em, nên có “liều lượng”học như thế nào là phù hợp?
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ: Theo tôi, hiện nay học sinh Tiểu học học hơi quá tải, không cần thiết phải như vậy. Phải làm thế nào để các em học mà chơi, chơi mà học.
Điều quan trọng là phải dạy cho học sinh biết kỹ năng và sử dụng được các kỹ năng đó trong cuộc sống. Cũng phải xem việc dạy kỹ năng phải tương đối đồng bộ với chương trình, để sắp xếp lại các môn học.
Còn vấn đề nếu nói là học thế nào là đủ, là thiếu thì phải xem xét, tính toán lại một cách cụ thể. Lúc đó mới có yêu cầu trở lại đối với học sinh của từng lớp tiểu học, trung học cơ sở nên học như thế nào. Vì thế, trong lộ trình đổi mới giáo dục cần phải xem xét một cách tổng thể.
PV: Bộ GD-ĐT vừa có văn bản về việc không chấm điểm cho học sinh lớp 1. Ông có cho rằng đây là một việc nên làm để giảm tải cho học sinh lớp 1?
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ: Tôi nghĩ rằng chúng ta không chấm điểm là nên làm. Ở nhiều nước đã thực hiện việc không chấm điểm, họ chỉ xem việc học sinh có đạt hay không đạt. Nếu Bộ GD-ĐT làm được việc này, tôi rất ủng hộ.
Đào tạo Đại học không ổn, rất lạc hậu
PV: Về đào tạo Đại học và sau Đại học, nhiều GS cho rằng việc này đang có nhiều bất cập. Vì thế dẫn đến việc nhiều người tìm mọi cách để có được tấm bằng thật, nhưng chất lượng giả. Ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào?
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ: Giáo dục Đại học ở nước ta đang quá nặng về đầu vào. Đầu vào rất chặt chẽ từ việc thi cử nặng nề 3 chung, xét điểm sàn và qua nhiều khâu xét tuyển khác nhưng trong quá trình học lại không có sự sàng lọc, học bao nhiêu ra hết bấy nhiêu. Cách học như thế không ổn, rất lạc hậu.
Còn đối với Đại học các nước, tôi cũng rất tán thành với họ việc mở rộng đầu vào. Căn cứ vào điều kiện để cho học sinh có thể đăng ký vào trường nào nhưng trong quá trình học phải sàng lọc. Có nơi, ngay từ năm thứ nhất đã lọc đi 1/3 và năm thứ 2-3 cũng sàng lọc. Cuối cùng chỉ còn lại những người đáp ứng được yêu cầu. Những người không đạt thì phải học lại, học đại học không phải 3-4 năm, mà có người học 6-7 năm.
PV: Trong điều kiện cơ sở vật chất nước ta còn hạn chế, cùng với đó là đa số mang nặng tư tưởng “vào đại học là con đường duy nhất”, thì phương án mở rộng đầu vào như ông vừa nói xem ra khó khả thi?
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ: Vấn đề ở chỗ là lâu nay chúng ta coi trọng về bằng cấp, nên tư duy nặng nề, cho rằng chỉ có con đường vào đại học là duy nhất. Mọi người vẫn tư duy theo kiểu học để có tấm bằng, tìm mọi cách gian lận để có tấm bằng.
Họ nên phải đổi mới theo tư duy của UNESCO “Học để làm gì, học để biết, biết để làm, để chung sống với cộng đồng”. khi học sinh học gian lận thì không phải là học.
Cho nên trước hết phải giáo dục cho các bậc cha mẹ, cộng đồng, học sinh hiểu được ý nghĩa của việc học. Ông cha ta đã nói “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”, không phải dứt khoát phải vào Đại học là vinh dự, người ta phải làm một nghề gì đó có ích cho xã hội. Ông cha ta đã có câu “liệu cơm gắp mắm”, vậy thì cha mẹ và học sinh xem sức của con em mình đến đâu để chọn học nghề gì cho phù hợp, nếu không có khả năng học Đại học thì đi học nghề.
Theo tôi được biết, hệ thống giáo dục của Hàn Quốc là khi học hết cấp 2 học sinh đã được trang bị một cách đầy đủ kiến thức phổ thông. Lên cấp 3 có thể phân hóa ngay, khoảng 40% (nhiều nhất là 50%) học sinh nào có khả năng mới cho học lên Đại học, Cao đẳng; 30% thì học trường Phổ thông có nghề (các học sinh này cũng hoàn thành cơ bản chương trình phổ thông); còn 1/3 không thể vào Đại học thì sẽ học một nghề ngắn hạn. Có những nghề kỹ thuật không đòi hỏi nhiều, họ chỉ cần đào tạo có bàn tay khéo léo, chỉ cần lắp ráp được một số chi tiết máy móc trong dây chuyền thế là được.
Nếu chúng ta làm cũng làm như thế thì sớm phân luồng đào tạo từ phổ thông và khi các em ra xã hội sẽ đáp ứng được yêu cầu.
PV: Xin cảm ơn ông./.