Nhà báo Hữu Thọ: “Viết để được trọng mới khó”

(VOV) -Theo nhà báo lão thành Hữu Thọ, viết khen dễ được người ta thích, nhưng để được trọng không phải ai cũng đủ tầm.

Cần có độ lùi để đánh giá một tác phẩm báo chí

Nhà báo Hữu Thọ cho rằng, báo chí hiện nay nhận thức chính trị cao, bám sát những nhiệm vụ chính trị lớn của đất nước như Nghị quyết Trung ương 4, hoạt động Quốc hội, trong đó có lấy phiếu tín nhiệm, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, vấn đề biển đảo… Tuy nhiên, theo ông, chủ đề được bám sát nhưng thực hiện được chủ đề đó lại ít những bài hay. Nguyên nhân có thể do người viết không chuyên tâm, không kỹ càng trong việc nghiên cứu và thực hiện tác phẩm.

Một điều nữa mà nhà báo Hữu Thọ băn khoăn là những thông tin đưa lên trang báo hiện nay sai sót nhiều. Do đó, người viết báo phải luôn nỗ lực để đi đến bản chất của sự thật thì mới đánh giá đúng được sự thật, không chỉ ở bề ngoài. Muốn vậy, mỗi người phải sửa phong cách làm báo cho hiện đại hơn, sâu sắc hơn để có tác phẩm xứng đáng với cuộc sống, với nhân dân.

Nhà báo Hữu Thọ trong chương trình phát thanh đặc biệt "Thi đua ái quốc- tiếp lửa và truyền lửa" nhân kỷ niệm 65 năm (11/6/1948 – 11/6/2013) ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi thi đua ái quốc tại Đài Tiếng nói Việt Nam.

Nhà báo Hữu Thọ cũng thừa nhận có lần ông đã viết sai. Cụ thể khi ba lần ông viết về “Vĩnh Phú lên đồi”, thì có đến hai lần theo ông là chưa đúng. Lần thứ nhất ông viết và sau này ông nhận ra là “góp phần” cổ vũ phá rừng, phá cây công nghiệp để trồng sắn ở Đồng Tâm, huyện Đoan Hùng. Lần thứ hai ông viết về đưa máy kéo sản xuất quy mô lớn trên đồi cũng chưa đúng vì cuối cùng đã thất bại. Ông chỉ nhận đã viết đúng về Vĩnh Phú lên đồi lần ba, đó là khi giao đất cho nhân dân để phủ xanh đất trống đồi núi trọc.

“Cả 3 lần tôi đều đạt giải thưởng thưởng báo chí đấy, trong khi có đến hai lần viết chưa đúng. Nên tôi nghĩ, cần có độ lùi thời gian nhất định để đánh giá tính đúng sai, hay dở của một tác phẩm báo chí. Và ngòi bút có trách nhiệm là khi chúng ta luôn suy nghĩ về điều mình viết, chứ không phải lĩnh thưởng là xong”, ông chia sẻ.

“Viết để người ta trọng mới khó”

Một thực tế hiện nay trên mặt báo xuất hiện nhiều thông tin tiêu cực, giật gân, câu khách. Tuy nhiên, theo nhà báo Hữu Thọ, đó cũng là điều bình thường khi độc giả thường quan tâm đến việc lạ, việc xấu do tâm lý tò mò. Vấn đề không phải là đăng bao nhiêu bài thì vấn đề đó nổi trội, mà vấn đề là bài viết có động đến tâm can của con người không?

Nhà báo Hữu Thọ tâm sự: “Nếu bạn viết về cái xấu thì có thể gây ra sự bực tức, cáu gắt, nhưng nếu bạn viết về một tấm gương thì bạn có thể mua được nước mắt của người đọc. Mình đọc bài báo về tấm gương nào đó có khi mình khóc- đó là khởi đầu tính thiện trong con người, trong thương cảm người đọc kính phục và noi gương”.

Nhà báo Hữu Thọ (phải), Nguyên Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Nguyên Trưởng Ban Tư trưởng- Văn hóa Trung ương và Nhà giáo Nhân dân, Anh hùng Lao động Nguyễn Đức Thìn, nguyên là Tổng phụ trách Đội trường Trung học cơ sở Tam Sơn, Bắc Ninh, người phát động phong trào “Nghìn việc tốt”  nổi tiếng trong những năm 60 của thế kỷ trước.

Ông cũng cho rằng, sở dĩ những bài viết về người tốt việc tốt nhiều khi không được giải cao, vì bài viết chưa đến cái tầm gây xúc động lòng người. Giải chưa cao vì người viết chưa đúng tầm chứ không phải người tốt chưa đến mức xuất sắc.

“Nghề viết không ai lừa lọc được đâu. Tấm lòng người viết hiện lên con chữ, nên người ta đọc biết rằng anh công phu thế nào, yêu mến nhân vật đến đâu, anh muốn biểu dương nhân vật ở mức độ nào”, ông khẳng định.

Theo ông, để trở thành một nhà báo được yêu mến có khi không khó. Hay viết khen thì dễ được thích, nhưng viết làm sao để người ta “trọng” thì không phải ai cũng làm được.

Trong cuộc sống hiện nay, theo nhà báo Hữu Thọ, một người hôm nay tốt nhưng ngày mai chưa chắc đã tốt, thậm chí phạm tội. Viết về người tốt khó ở chỗ anh phải viết cho chân thật và hồi hộp theo dõi nhân vật mình viết, tức gắn cả danh dự và tên của mình để biểu dương nhân vật ấy. Người viết cần phải vững vàng để đánh giá sự việc, tránh tô hồng hay bôi đen. Đó mới là người làm báo có trách nhiệm./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

 Giải A báo chí Quốc gia:  "Thao thức"  cùng Sông Tranh 2
Giải A báo chí Quốc gia: "Thao thức" cùng Sông Tranh 2

(VOV) -Loạt phóng sự của Phạm Tấn Tư, Phan Thanh Hà và Đặng Văn Năm: “Dư chấn” lòng dân, đoạt giải A Báo chí Quốc gia 2012.

 Giải A báo chí Quốc gia:  "Thao thức"  cùng Sông Tranh 2

Giải A báo chí Quốc gia: "Thao thức" cùng Sông Tranh 2

(VOV) -Loạt phóng sự của Phạm Tấn Tư, Phan Thanh Hà và Đặng Văn Năm: “Dư chấn” lòng dân, đoạt giải A Báo chí Quốc gia 2012.

VOV đoạt Giải A báo chí: Sức hút từ “bước ngoặt lịch sử”
VOV đoạt Giải A báo chí: Sức hút từ “bước ngoặt lịch sử”

(VOV)- Những câu chuyện, khoảnh khắc và chi tiết lần đầu được đề cập… tạo nên sức hấp dẫn của chương trình “Bước ngoặt thần kỳ của lịch sử”.

VOV đoạt Giải A báo chí: Sức hút từ “bước ngoặt lịch sử”

VOV đoạt Giải A báo chí: Sức hút từ “bước ngoặt lịch sử”

(VOV)- Những câu chuyện, khoảnh khắc và chi tiết lần đầu được đề cập… tạo nên sức hấp dẫn của chương trình “Bước ngoặt thần kỳ của lịch sử”.