Sẽ xem xét xử lý nếu có địa phương khác sai phạm trong chấm thi như Hà Giang
VOV.VN -Nếu phát hiện sai phạm không chỉ ở Hà Giang mà còn ở địa phương khác, Bộ GD-ĐT sẽ trình lên Ban Chỉ đạo thi quốc gia để có phương hướng xử lý phù hợp.
Chiều 17/7, tại TP Hà Giang, Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT Hà Giang, UBND tỉnh Hà Giang chính thức họp báo thông tin về vụ việc điểm thi bất thường ở tỉnh này.
Sau khi có kết quả thanh tra điểm thi bất thường ở Hà Giang, dư luận còn hoài nghi là có thể còn có tỉnh, thành khác cũng có những sai phạm như ở Hà Giang mà Bộ GD-ĐT chưa phát hiện ra.
Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng, Bộ GD-ĐT (áo trắng) phát biểu tại cuộc họp báo
Trước hoài nghi của dư luận, trao đổi với phóng viên VOV.VN tối 17/7, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng (Bộ GD-ĐT) khẳng định, Bộ luôn tiếp thu và sẵn sàng tiếp nhận mọi thông tin từ phía người dân, dư luận xã hội về những phát hiện mới về sai phạm ở kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018.
Đặc biệt là nếu phát hiện sai phạm không chỉ ở Hà Giang mà còn xảy ra ở các địa phương khác, Bộ GD-ĐT sẽ trình lên Ban Chỉ đạo thi quốc gia về vấn đề này để xem xét, cân nhắc và có phương hướng xử lý phù hợp.
Chưa đủ yếu tố để hủy bài thi ở Hà Giang
Đề cập câu hỏi của phóng viên báo chí về việc có hủy bài thi THPT Quốc gia ở Hà Giang hay không, ông Mai Văn Trinh khẳng định, quy chế thi đã nêu rõ, khi có nghi vấn về điểm thi thì có thể chấm thẩm định một phần hoặc toàn bộ bài thi. Trong 2 qua, Bộ GD-ĐT đã tiến hành rà soát toàn bộ môn Ngữ văn và kết quả cho thấy, không có sự sai lệch nào.
Với các môn thi khác, theo khoản 5 và khoản 6 của Điều 49 quy chế thi THPT Quốc gia, cho đến thời điểm hiện nay, Bộ GD-ĐT nhận thấy chưa đủ căn cứ sai phạm để hủy bài thi ở Hà Giang. Công việc xác minh sai phạm ở Hà Giang vẫn đang được cơ quan chức năng tiếp tục tiến hành, rà soát. Nếu thấy có đủ các yếu tố, điều kiện để hủy bài thi ở Hà Giang thì Bộ GD-ĐT sẽ xem xét đến công đoạn này.
Về xử lý sai phạm trong chấm thi ở Hà Giang, ông Mai Văn Trinh cũng cho biết thêm, Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Công an Tô Lâm, lãnh đạo tỉnh Hà Giang kiên quyết xử lý đúng người, đúng tội và không có vùng cấm.
“Chúng ta không thể vì một vài cá nhân mà ảnh hưởng 63 tỉnh thành có hàng triệu thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia. Chúng ta không thể để những điều này làm ảnh hưởng các tổ chức xã hội, sinh viên tình nguyện đã vất vả đưa thí sinh đi thi từ vùng lũ”, ông Mai Văn Trinh nhấn mạnh./.
Có 85 bài thi Vật lý đã chênh lên từ 1,0 điểm đến 7,75 điểm (điểm chấm thẩm định là 1,0; điểm đã công bố là 8,75 điểm);
Có 56 bài thi Hóa đã chênh lên từ 1,0 điểm đến 8,75 điểm (điểm chấm thẩm định là 0,75; điểm đã công bố là 9,5 điểm); Có 08 bài thi Sinh đã chênh lên từ 1,0 điểm đến 4,25 điểm (điểm chấm thẩm định là 4,75; điểm đã công bố là 9,0 điểm);
Có 09 bài thi Lịch sử đã chênh lên từ 1,0 điểm đến 7,25 điểm (điểm chấm thẩm định là 2,5; điểm đã công bố là 9,75 điểm);
Có 03 bài thi Địa lí đã chênh lên từ 1,25 điểm đến 3,0 điểm (điểm chấm thẩm định là 6,0; điểm đã công bố là 9,0 điểm);
Có 52 bài thi tiếng Anh đã chênh lên từ 1,4 điểm đến 7,8 điểm (điểm chấm thẩm định là 1,2; điểm đã công bố là 9,0 điểm);
Có tất cả 114 thí sinh, với hơn 330 bài thi có tổng điểm đã công bố chênh lên hơn 1,0 điểm so với điểm chấm thẩm định. Không ít thí sinh có tổng điểm chênh lên hơn 20 điểm so với điểm chấm thẩm định. Cá biệt có những thí sinh có tổng điểm được làm tăng lên đến 26,8 điểm, thậm chí 29,95 điểm so với điểm chấm thẩm định.
Qua chấm thẩm định cũng cho thấy một số bài thi có điểm tăng hơn so với điểm đã công bố từ 0,2 đến 1,0 điểm. Cá biệt có 3 bài thi môn GDCD có điểm chấm thẩm định tăng hơn 5,75 điểm so với điểm đã công bố.
Sai phạm thi ở Hà Giang: Hàng trăm bài thi đã bị nâng “khống” từ 1 đến 8,75 điểm
Sai phạm trong chấm thi THPT ở Hà Giang: Tổ chức thi lại hay chỉ chấm lại?
Cán bộ Sở GD-ĐT Hà Giang trực tiếp can thiệp vào bài thi bằng cách nào?