Thứ trưởng GD-ĐT: “Tổ chức một kỳ thi quốc gia chung không lãng phí”
VOV.VN -Bộ GD-ĐT đang hoàn thiện đề án cho việc tổ chức một kỳ thi quốc gia. Đề án sẽ được công bố để lấy ý kiến đông đảo dư luận xã hội.
Việc tổ chức một kỳ thi quốc gia chung sẽ không mâu thuẫn, chồng chéo với Đề án tuyển sinh riêng của các trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) và không gây lãng phí ngân sách Nhà nước. Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga tại buổi họp báo sau khi kết thúc 2 đợt thi ĐH năm 2014.
Kết quả của kỳ thi quốc gia chung (ghép kỳ thi tốt nghiệp THPT và ĐH, CĐ làm một) sẽ được lấy làm căn cứ để các trường ĐH, CĐ xét tuyển thí sinh vào trường hoặc lấy một phần kết quả để xét tuyển. Vì vậy, những lo ngại về việc tổ chức một kỳ thi quốc gia chung sẽ gây lãng phí cho xã hội là không có cơ sở.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga (thứ 2 từ trái sang): Việc tổ chức một kỳ thi quốc gia chung sẽ không mâu thuẫn, chồng chéo với Đề án tuyển sinh riêng của các trường ĐH, CĐ
Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết, Bộ GD-ĐT đã yêu cầu các trường ĐH, CĐ trong tháng 9/2014 phải trình lên Bộ đề án tuyển sinh riêng của trường mình và lộ trình để áp dụng đề án.
Bắt đầu từ năm nay, các trường ĐH, CĐ được tự chủ trong tuyển sinh theo các phương thức: thi tuyển, xét tuyển, kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển kèm theo phỏng vấn. Dù theo hình thức nào thì các trường ĐH, CĐ vẫn phải đảm bảo chất lượng tuyển sinh đầu vào. Thí sinh được tuyển chọn cũng phải đảm bảo trình độ thì mới có thể học tập ở trường.
Bộ GD-ĐT sẽ quy định ngưỡng tuyển sinh để các trường ĐH, CĐ lấy đó làm căn cứ tuyển chọn sinh viên theo phương thức lấy từ cao xuống thấp đến lúc đủ chỉ tiêu đã được phê duyệt.
Hiện nay, Bộ GD-ĐT đang hoàn thiện đề án cho việc tổ chức một kỳ thi quốc gia. Đề án sẽ được công bố để lấy ý kiến dư luận xã hội.
Thứ trưởng Bùi Văn Ga khẳng định, việc tổ chức một kỳ thi quốc gia chung nhằm đánh giá chính xác kiến thức, tư duy của thí sinh. Đây cũng là xu thế chung của nhiều trường ĐH, CĐ tiên tiến trên thế giới.
Nếu chỉ còn một kỳ thi quốc gia duy nhất, đề thi sẽ có một số lượng câu hỏi mang tính chất cơ bản, không đánh đố để hầu hết học sinh đỗ tốt nghiệp THPT. Những câu hỏi nâng cao sẽ đánh giá năng lực thật sự của học sinh đạt điểm số xét tuyển vào ĐH, CĐ.
Bộ GD-ĐT cũng đang xúc tiến nghiên cứu để có được ngân hàng đề thi đảm bảo chất lượng để phục vụ cho việc tổ chức một kỳ thi quốc gia chung./.