Tự chủ giáo dục tại TPHCM: Các trường đang mong một chính sách hỗ trợ
Thứ Sáu, 19:00, 31/03/2017
VOV.VN - Đến thời điểm hiện tại, khái niệm “tự chủ” vẫn còn khá mơ hồ với nhiều cơ sở giáo dục tại TPHCM do vướng phải không ít khó khăn.
Theo các chuyên gia, việc tự chủ mang đến nhiều ưu thế cho các cơ sở giáo dục từ mầm non tới đại học. Khi được giao quyền tự chủ, các trường có thể chủ động cân đối thu chi, đầu tư tập trung cho cơ sở vật chất cũng như đội ngũ nhân lực, từng bước nâng cao chất lượng giảng dạy và mở rộng hội nhập quốc tế. Thế nhưng, đến thời điểm hiện tại, khái niệm “tự chủ” vẫn còn khá mơ hồ với nhiều cơ sở giáo dục tại TPHCM do vướng phải không ít khó khăn.
Theo các chuyên gia, việc tự chủ mang đến nhiều ưu thế cho các cơ sở giáo dục từ mầm non tới đại học.
Báo cáo mới nhất của Sở Giáo dục – Đào tạo TPHCM cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, từ bậc mầm non đến trung học phổ thông, thành phố chỉ có duy nhất một cơ sở giáo dục đạt mức tự chủ 100%. Đó là Trường Mầm non Nam Sài Gòn tại quận 7. Thế nhưng, theo chia sẻ của bà Nguyễn Đặng Thị Phương Hoa, hiệu trưởng nhà trường, việc tự chủ vẫn chưa được như mong muốn vì vướng mức trần học phí.
Bà Nguyễn Đặng Thị Phương Hoa cho biết: “Từ khi thành lập cho đến bây giờ, học phí của nhà trường vẫn là 400 ngàn đồng/học sinh/tháng. Năm 1997, lương cơ bản là 144.000 đồng còn bây giờ đã là 1.210 .000 đồng nhưng học phí vẫn không thay đổi được. Đó là điều nan giải của nhà trường”.
Để đảm bảo chất lượng nuôi dạy trẻ, Trường Mầm non Nam Sài Gòn phải chủ động tuyển thêm nhiều nhân sự cho các vị trí tăng cường dịch vụ. Tuy nhiên, vì không thể tăng học phí suốt 20 năm qua nên lương của những nhân viên nói trên cũng như các khoản đầu tư nâng chất hoạt động khác đều được lấy từ mức thu thỏa thuận giữa nhà trường với phụ huynh. Bên cạnh đó, nhà trường còn tổ chức các lớp ngoại khóa, năng khiếu để có thêm kinh phí. Được gắn mác “tự chủ hoàn toàn” nhưng trên thực tế, Trường Mầm non Nam Sài Gòn vẫn chưa thể toàn quyền tự quyết khoản thu học phí đảm bảo chương trình đào tạo cũng như tái đầu tư.
Những rào cản đó đối với các trường học còn lại tại TPHCM lớn hơn rất nhiều. Ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở Giáo dục – Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cho hay: “Có 2 vấn đề cơ bản là tự chủ tài chính và tự chủ về đội ngũ nhân sự. Hiện nay, tự chủ về tài chính trong ngành giáo dục – đào tạo thành phố vẫn chưa thể đạt 100% do vướng các quy định về mức trần cho các khoản thu. Về nhân sự cũng bị giao chỉ tiêu biên chế”.
Không đến mức khó khăn như hệ thống giáo dục phổ thông, vài năm trở lại đây, một số trường đại học tại TPHCM đã thí điểm khá hiệu quả mô hình tự chủ hoàn toàn. Là 1 trong 4 cơ sở giáo dục đại học đầu tiên tại thành phố thí điểm mô hình tự chủ từ năm 2015, đến nay, Trường Đại học Mở Thành phố đã có những bước tiến rõ rệt từ chất lượng giảng dạy, nghiên cứu đến các chương trình hợp tác quốc tế, hội nhập. Được chủ động điều chỉnh mức học phí tương xứng với chất lượng đào tạo, nhà trường có thêm khoản thu để tăng lương thu hút nhân lực chất lượng cao cũng như tái đầu tư cho công tác giáo dục thông qua nhiều chương trình học bổng, hoạt động ngoại khóa… Thế nhưng, đại diện Đại học Mở Thành phố Hổ Chí Minh cho hay, hiện nhà trường vẫn rất cần được hỗ trợ vốn vay kích cầu của thành phố để đầu tư kịp thời những công trình quy mô lớn theo chuẩn khu vực và quốc tế.
VOV.VN -Nhiều trường đại học đang thu học phí không được nhiều nên không có khả năng đầu tư cho sự phát triển của trường...
Đồng quan điểm, ông Hoàng Đức Long, Hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính – Marketing, một trong số những cơ sở giáo dục được đánh giá là khá thành công với mô hình tự chủ tại thành phố cho hay, có rất nhiều hạng mục đầu tư vượt khỏi mức hoạch định của các trường. Trong đó, việc mua đất hoàn thiện cơ sở vật chất đạt chuẩn là vấn đề không hề đơn giản.
Ông Hoàng Đức Long nói: “Với khoản thu và mức đầu tư như hiện nay, may ra 100 năm sau chúng tôi mới đủ tiền mua 5, 10 ha đất với mức giá thời hạn như bây giờ. Vì vậy, nếu không có cơ chế, các trường tự chủ sẽ không bao giờ đạt chuẩn một trường đại học”.
Đó là câu chuyện của các trường đã thành công trong việc tự chủ tài chính. Đối với những cơ sở giáo dục đại học chưa thể tăng nguồn thu từ học phí, thử thách càng lớn hơn. Điển hình như Trường Đại học Luật TPHCM, dù rất muốn theo mô hình tự chủ nhưng theo bà Mai Hồng Quỳ, hiệu trưởng nhà trường, điều kiện hiện tại không cho phép.
Đến thời điểm hiện tại, khái niệm “tự chủ” vẫn còn khá mơ hồ với nhiều cơ sở giáo dục tại TPHCM do vướng phải không ít khó khăn.
“Nếu như bây giờ theo cơ chế thị trường mà đào tạo luật tại trường chúng tôi thu tiền học phí như các trường quốc tế với số tiền hàng chục triệu đồng, chắc chắn chúng tôi sẽ rất khó khăn trong vấn đề tìm người học. Bởi vì đến 80% sinh viên đang theo học tại trường là cư dân vùng sâu vùng xa và các địa phương khó khăn”.
Người đứng đầu Trường Đại học Luật Thành phố mong rằng trường bà và các cơ sở giáo dục tương đương sẽ sớm nhận được sự đầu tư có chọn lọc từ thành phố để đủ điều kiện tự chủ trong tương lai không xa. Nhiều trường đại học khác cũng hy vọng, thời gian tới, Bộ Giáo dục – Đào tạo cũng như Thành phố Hồ Chí Minh sẽ có những chính sách, cơ chế thông thoáng hơn, những chương trình hỗ trợ thiết thực hơn giúp ngày càng nhiều trường tự tin hướng theo mô hình tự chủ./.
VOV.VN -Tự chủ sẽ giúp các trường đại học nâng cao chất lượng đào tạo. Nhà nước không "bỏ lửng" khi các trường tự chủ mà hỗ trợ các trường dưới hình thức khác.
VOV.VN -Tự chủ sẽ giúp các trường đại học nâng cao chất lượng đào tạo. Nhà nước không "bỏ lửng" khi các trường tự chủ mà hỗ trợ các trường dưới hình thức khác.