Vụ “giáo viên” chửi học viên: Người dân cần lưu ý những gì khi học?
VOV.VN -Thông qua vụ giáo viên tiếng Anh chửi học viên là “óc lợn”, người học cần lưu ý tìm hiểu kỹ về các trung tâm khi đăng ký học ngoại ngữ.
Sau clip đăng tải cãi nhau, chửi học viên là đồ giẻ rách, tối 7/5, cô Nguyễn Thị Kim Tuyến đã livestream trên trang facebook của Trung tâm MST English để trần tình về sự việc.
Nhiều ý kiến tỏ ra bức xúc khi biết trung tâm đang hoạt động “chui” thì cô Kim Tuyến cho biết, trung tâm MST English là một phần thuộc Công ty MST đang hoạt động trên nhiều lĩnh vực. Trong đó, bản thân chỉ là người chia sẻ kiến thức cá nhân.
Nữ "giáo viên" tiếng Anh gọi học viên là "mặt người óc lợn" (Ảnh cắt từ clip) |
Tiếp đó, cô Tuyến còn đặt câu hỏi: “Bao nhiêu người đang dạy tiếng Anh ngoài kia có giấy phép, các bạn phải đặt câu hỏi một cách thông thái. Tôi khẳng định rằng 99% trung tâm ngoài kia đang hoạt động không có giấy phép, nếu như các bạn đang nói đến giấy phép chính thống”.
Theo báo cáo của Sở GD-ĐT Hà Nội, MST English thuộc Công ty cổ phần hệ thống giáo dục MST thành lập ngày 17/6/2016. Qua kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện cả 3 cơ sở đào tạo công khai của MST English đều chưa đăng ký hoạt động đào tạo ngoại ngữ tại Sở GD-ĐT Hà Nội theo quy định, vì vậy hoạt động của MST English là vi phạm các quy định hiện hành.
Trả lời phóng viên VOV.VN về việc quản lý các trung tâm ngoại ngữ, ông Kiều Văn Minh, Trưởng phòng Giáo dục thường xuyên - chuyên nghiệp, Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, trên website của Sở có thông tin các đơn vị, trung tâm ngoại ngữ được cấp giấy phép hoạt động với đầy đủ thông tin về người phụ trách, địa chỉ...
Theo ông Kiều Văn Minh, về mặt quản lý, Sở GD-ĐT Hà Nội cấp phép cho các trung tâm ngoại ngữ hoạt động. Mặt khác, Sở cũng thành lập ban kiểm tra liên ngành thường xuyên đi thanh, kiểm tra các trung tâm trên địa bàn; chỉ đạo các quận, huyện thành lập ban kiểm tra liên ngành kiểm tra quá trình hoạt động của các trung tâm ngoại ngữ một cách thường xuyên hoặc đột xuất.
“Cô giáo” Tuyến cần phải đưa ra bằng chứng chính xác
Mặc dù Sở GD-ĐT khẳng định như trên nhưng việc trung tâm MST English chưa đăng ký hoạt động đào tạo ngoại ngữ và những phát ngôn của cô Tuyến, nhiều người cho rằng, cần phải xử lý nghiêm khắc với trung tâm MST English cũng như đưa ra biện pháp mạnh mẽ hơn nữa để siết chặt hoạt động dạy ngoại ngữ ở các trung tâm, cơ sở do người dân mở ra.
Biển chỉ dẫn Trung tâm MST English tại tầng 3, toà nhà B, 197 Trần Phú, Hà Đông (ảnh: saostar) |
Chuyên gia giáo dục Hoàng Ngọc Vinh cho biết, việc cô giáo Tuyến khẳng định rằng, 99% trung tâm ngoại ngữ đang hoạt động không có giấy phép thì phải đưa ra bằng chứng cụ thể, chính xác chứ cứ nói mà không có dẫn chứng thì sẽ ảnh hưởng tới những trung tâm hoạt động, giảng dạy nghiêm túc, chất lượng cao.
Việc cơ quan chức năng phát hiện cả 3 cơ sở đào tạo công khai của MST English đều chưa đăng ký hoạt động đào tạo ngoại ngữ chỉ được làm rõ sau vụ cô giáo chửi học viên. Có thể cơ quan quản lý giáo dục và chính quyền địa phương chưa soi xét hết được hoạt động của các trung tâm nên cần phải tăng cường thanh kiểm tra, rà soát thật kỹ.
Theo ông Hoàng Ngọc Vinh, hiện nay, người dân đi học ngoại ngữ có rất nhiều mục đích. Có người đi học vì muốn được nâng cao kiến thức, tìm kiếm cơ hội việc làm. Nếu người học thực sự vì mục đích này thì thường rất khắt khe trong việc tìm hiểu chất lượng các trung tâm ngoại ngữ. Tuy nhiên, có người đi học vì muốn có bằng cấp, chứng chỉ. Nắm bắt được nhu cầu này, một số trung tâm ngoại ngữ ra đời với chức năng vừa giảng dạy vừa cấp chứng chỉ cho học viên.
Nhằm thu hút người học, nhiều trung tâm đã có chiêu thức quảng báo rất khéo léo, tinh vi thông qua mạng xã hội, sự phát triển của công nghệ thông tin nên người dân dễ “bị lừa” khi nghĩ rằng trung tâm đó giảng dạy hiệu quả, đã được cấp phép hoạt động
Để không bị lừa khi học ở những trung tâm không được kiểm chứng về chất lượng, chưa đăng ký hoạt động, người dân đều phải tìm hiểu kỹ lịch sử hoạt động của cơ sở đó như thế nào thông qua bạn bè, những người đã học trước đó...
Ngoài ra, người học nên vào website của cơ quan quản lý các trung tâm, cơ sở ngoại ngữ để biết rõ thông tin trước khi quyết định lựa chọn nơi học.
Về phía cơ quan quản lý nhà nước, cần cập nhật thông tin các trung tâm ngoại ngữ được cấp phép hoạt động cũng như chất lượng hoạt động ra sao để người dân dễ dàng tìm kiếm.
Người học cần tìm hiểu kỹ để không bị “tiền mất tật mang”
Nhận định về vấn đề này, bà Trần Thị Hồng Hạnh, giáo viên trường THCS Lê Quý Đôn, quận Cầu Giấy, Hà Nội cho rằng, việc một trung tâm tổ chức đào tạo ngoại ngữ có người ra vào thường xuyên không thể che mắt người dân và chính quyền địa phương.
Việc 3 cơ sở đào tạo công khai của MST English đều chưa đăng ký hoạt động đào tạo ngoại ngữ thì cơ quan chức năng chính quyền địa phương phải nhìn nhận lại.
Theo bà Hồng Hạnh, khi học ở những trung tâm ngoại ngữ chưa đăng ký với cơ quan chức năng có thẩm quyền quản lý thì người học có thể gặp những rủi ro nếu trung tâm đó có vấn đề gì đó hoặc vi phạm pháp luật.
Vì vậy, trước khi chọn nơi nào học đạt chất lượng cao và không để “tiền mất tật mang”, người dân cần tìm hiểu thật kỹ, không nên nghe theo sự quảng bá rầm rộ từ mạng xã hội, facebook cá nhân của một ai đó./.