Hà Nội cần làm gì để giảm mạnh dịch sốt xuất huyết?
VOV.VN - Hà Nội cần khắc phục ngay tình trạng “đánh trống ghi tên”, hoạt động chiếu lệ của nhiều đội xung kích trong việc phòng chống dịch sốt xuất huyết.
Theo Sở Y tế Hà Nội, tuần qua, trên địa bàn thành phố vẫn ghi nhận gần 3.000 bệnh nhân sốt xuất huyết. Mặc dù có dấu hiệu giảm nhưng số mắc vẫn ở mức cao. Trong khi đó có ý kiến cho rằng việc phun hóa chất của cơ quan chức năng Thủ đô chưa triệt để, nhà phun nhà không, đặc biệt là sau khi phun xong vẫn có nhiều muỗi. Vậy Hà Nội cần làm gì để giảm mạnh dịch sốt xuất huyết?
Mặc dù tại tổ dân phố 21, phường Thụy Khuê, quận Tây Hồ đã được phun hóa chất tới 3 lần nhưng tại nhiều gia đình vẫn có muỗi. Vì thế vẫn có những bệnh nhân sốt xuất huyết được phát hiện.
Máy phun mù nhiệt. |
“Tôi chưa hiểu nguyên nhân vì sao mà phun hóa chất đã rất quyết liệt nhưng vẫn có bệnh nhân sốt xuất huyết. Riêng ngõ này đã có hơn 10 bệnh nhân rồi. Thế mới lạ”, ông Phan Văn Nhâm, một người dân ở Thụy Khuê cho hay.
Sau ít giờ phun hóa chất, vẫn thấy có muỗi, là tình hình chung tại nhiều quận, huyện ở Thủ đô. Do đó nhiều người đặt câu hỏi: có hay không tình trạng muỗi kháng hóa chất? Trước câu hỏi này, ông Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương khẳng định: hóa chất diệt muỗi vẫn có hiệu lực tốt. Thử nghiệm mới đây nhất tại phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai cho thấy: tỷ lệ muỗi chết sau 24 giờ là 98,7%, còn tại phường Ngọc Hà (quận Ba Đình) tỷ lệ này là 98%.
“Sau phun thì chết hết rồi, nhưng mà bọ gậy không xử lý hết cho nên là những con bọ gậy tuổi già chỉ cần vài giờ sau là đã nở ra ngay và tràn vào nhà bởi nó vẫn ở vườn và sân nhà đó. Lúc đó người dân lại cho rằng phun hóa chất không hiệu quả, phun muỗi không chết nhưng thực sự những con muỗi xuất hiện sau khi phun những con muỗi do bọ gậy chưa được xử lý triệt để nở ra”, ông Trần Như Dương cho biết.
Theo các chuyên gia y tế công cộng, muỗi gây bệnh sốt xuất huyết rất ít khi đậu trên tường, mà hay đậu ở nơi treo quần áo và góc nhà, xó bếp… nên việc phun hóa chất tồn lưu trên tường thường không được lựa chọn, thay vào đó là phun sương và phun mù nhiệt. Tuy nhiên hóa chất dùng cho 2 loại hình phun này chỉ phát huy tác dụng từ 30 phút đến khoảng 2 tiếng đồng hồ. Do đó, sau khi phun để diệt đàn muỗi trưởng thành thì việc diệt bọ gậy rất quan trọng.
Phát hiện bọ gậy trong lọ nước trồng cây phát lộc. |
Tuy nhiên, theo Tiến sỹ Vũ Đức Chính, Viện sốt rét Ký sinh trùng, côn trùng Trung ương hoạt động diệt bọ gậy của người dân và đội xung kích chưa hiệu quả: “Chúng tôi giám sát được ở phường Thanh Xuân Nam (quận Thanh Xuân) phát hiện muỗi vằn truyền bệnh sốt xuất huyết có mật độ là 0,37 con trước phun và 0,07 con sau phun, tức là giảm rất nhiều, còn chỉ số bọ gậy giảm không nhiều, từ 10 cá thể cho xuống đến 7 cá thể”.
Kết quả giám sát của Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương cũng cho thấy, tại phường Thịnh Liệt (quận Hoàng Mai) chỉ số bọ gậy trước khi diệt là 26%, sau khi đội xung kích và người dân diệt vẫn còn 12%. Tại phường Thanh Lương (quận Hà Đông) tỷ lệ bọ gậy trước diệt là 40% và sau diệt là 30%, tại phường Khương Thượng (quận Đống Đa) tỷ lệ bọ gậy trước diệt là 20% và sau diệt là 7%.
Trong khi hoạt động diệt bọ gậy của người dân và các đội xung kích chưa hiệu quả thì muỗi vằn truyền bệnh sốt xuất huyết đã “khôn” hơn, tìm những nơi mà người dân ít để ý đến như khay nước đằng sau tủ lạnh, lọ hoa, bát hương đọng nước ngoài nghĩa trang để đẻ trứng.
“Tất cả 100% các xã, phường đều đã có quyết định thành lập đội xung kích, tuy nhiên khi đi kiểm tra thì một số xã, phường vẫn chưa thực hiện được theo đúng chỉ đạo của thành phố, số hộ gia đình vẫn nhiều hơn con số mà thành phố quy định. Thành phố quy định không quá 50 hộ gia đình cho một đội xung kích. Hiện nay, 98% các Đội xung kích đã hoạt động, trong đó 60 % hoạt động một cách có hiệu quả, còn 40% chưa có hiệu quả”, ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội nói.
Trước việc dịch bệnh sốt xuất huyết ở Thủ đô chưa “hạ nhiệt”, Bộ Y tế đã huy động hơn 100 sinh viên trường y giúp thành phố giám sát hoạt động của các đội xung kích diệt bọ gậy.
“Hà Nội không nên coi nhiều ổ dịch nhỏ mà phải coi mỗi phường là một ổ dịch, coi cả quận đó là một ổ dịch, các quận nội thành là một ổ dịch rồi. Khi phun ta phải áp dụng tổng thể kể cả phun bằng máy công suất lớn, phun sương, phun mù nhiệt”. Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng Hà Nội cần khắc phục ngay tình trạng “đánh trống ghi tên”, hoạt động chiếu lệ của nhiều đội xung kích. Thành phố cũng cần tổ chức phun hóa chất bằng hình thức phun mù nhiệt trong nhà dân để có thể diệt muỗi ở mọi ngóc ngách trong nhà. Còn hình thức phun sương chỉ phù hợp ở ngoài trời, chứ nếu phun sương trong nhà như hiện nay thì muỗi đậu ở những góc khuất như: gầm bàn, gầm ghế có thể sẽ không chết.
Số ca mắc sốt xuất huyết ở Hà Nội có xu hướng giảm nhẹ tại nội thành, nhưng đang gia tăng mạnh ở ngoại thành. Nếu cơ quan chức năng và người dân không vào cuộc quyết liệt diệt nguồn gây bệnh là muỗi và bọ gậy thì dịch bệnh sẽ còn bùng phát mạnh./.