Hà Nội: Còn nhiều thách thức trong vấn đề quy hoạch
VOV.VN - Tốc độ đô thị hóa nhanh, kinh tế thị trường phát triển, một số vấn đề về quy hoạch hạ tầng kỹ thuật chưa theo kịp.
Thời gian qua, những bất cập trong vấn đề quy hoạch của thành phố Hà Nội như quy hoạch hệ thống cấp, thoát nước còn yếu kém, hạ tầng giao thông thiếu đồng bộ, quản lý trật tự xây dựng theo quy hoạch còn bị buông lỏng… đã gây nhiều bức xúc trong dư luận. Trước thềm Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ 16, người dân Thủ đô yêu cầu cũng như kỳ vọng vào những quyết sách đúng của Đảng bộ, chính quyền thành phố trong việc nâng cao chất lượng quy hoạch, khắc phục những nhược điểm để tạo động lực phát triển Thủ đô trong giai đoạn tiếp theo.
Đất đai để hoang hóa lãng phí ở Định Công, Hoàng Mai do quy hoạch thiếu công khai. |
Đã nhiều năm nay, người dân Hà Nội phải sống chung với cảnh tắc đường, phố biến thành sông mỗi khi mưa to, thiếu nước sạch sinh hoạt, hay thiếu vườn hoa, sân chơi… Vỉa hè ở nhiều nơi từ lâu không còn là chỗ dành cho người đi bộ, mà bị chiếm dụng thành khu vực kinh doanh, buôn bán. Lòng đường ở nhiều tuyến phố cũng được tận dụng một phần để ô tô. Nhà cao tầng không ngừng mọc lên, đồng nghĩa với áp lực quá tải về dân số, hạ tầng, trường học, bệnh viện… Tất cả những vấn đề đó khiến diện mạo Thủ đô có phần nhếch nhác, chất lượng cuộc sống của người dân không được đảm bảo. Sau đây là ý kiến của một số người dân mà chúng tôi đã ghi lại được.
“Tôi thấy quy hoạch hạ tầng giao thông, rồi hệ thống cấp nước cũng như thoát nước của thành phố còn nhiều yếu kém. Có khi mưa chỉ vài tiếng thôi nhưng mà nhiều nơi bị ngập sâu, ngập hết cả vào nhà dân. Người dân ở Thủ đô nhưng những thứ thiết yếu nhất như nước, điện, đường xá đi lại thì rất vất vả”
“Chúng tôi ở quận Cầu Giấy, vừa rồi có đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài mới xây dựng rất đẹp, vỉa hè rất rộng. Nhưng đường xong một cái là bắt đầu rất nhiều hàng quán lại tràn lan ra bán ở vỉa hè như bia hơi, phở, ốc…, lại nhộn nhạo, nếu không xử lý sớm thì rồi lại phát sinh thêm”.
Không thể phủ nhận, từ hòa bình lập lại cho đến nay, chính quyền Hà Nội đã coi trọng công tác quy hoạch và xem đây là việc phải đi trước một bước. Diện mạo Thủ đô có nhiều đổi mới với những công trình hiện đại được đầu tư xây dựng, hệ thống giao thông được mở rộng, nhiều khu đô thị mới được quy hoạch… Tuy nhiên, cùng với tốc độ đô thị hóa nhanh, kinh tế thị trường phát triển, một số vấn đề về quy hoạch hạ tầng kỹ thuật chưa theo kịp.
Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Hà Nội Đào Ngọc Nghiêm phân tích, mặc dù đã 4 lần điều chỉnh địa giới, 7 lần có quy hoạch chung, xây dựng rất nhiều quy hoạch chi tiết, nhưng hệ thống quy hoạch của Hà Nội vẫn chưa đồng bộ. Chẳng hạn, trong quy hoạch xây dựng có định hướng là phải giảm dân số, mở rộng diện tích đường sá, nhưng quy hoạch giao thông lại chưa đưa ra những yêu cầu thích hợp. Hay về thoát nước, cấp điện, trong quy hoạch xây dựng đặt ra yêu cầu rất lớn như hệ thống mạng lưới cấp nước, đường ống dẫn nước, bảo vệ môi trường để đảm bảo những tiêu chí tối thiểu như tiêu chuẩn nước cho 1 người, tiêu chuẩn cấp điện…
Ông Đào Ngọc Nghiêm cũng chỉ ra rằng, công tác dự báo chưa chuẩn xác dẫn đến nhiều quy hoạch chưa hợp lý và thiếu tính thực tiễn. Hơn nữa, khi đã có quy hoạch thì việc tổ chức thực hiện quy hoạch lại chưa được giám sát chặt chẽ: “Có quy hoạch rồi thì thiếu giám sát quá trình xây dựng. Phần lớn các doanh nghiệp đều tham gia vào phát triển đô thị nhưng họ luôn tìm lợi ích cho họ, họ có triển khai theo quy hoạch, nhưng cái nào đi trước, đi sau thì chúng ta thiếu quản lý. Cho nên nhiều khu vực có nhà ở, đã bán gần hết nhưng lại thiếu hạ tầng kỹ thuật, vườn hoa sân chơi, thậm chí những khu đã ở rồi nhưng vẫn không có hệ thống cấp nước, thoát nước đồng bộ, đặc biệt là hệ thống hạ tầng khung”.
Theo các chuyên gia, để khắc phục những bất cập trong công tác quy hoạch hiện nay, trước mắt, chính quyền thành phố Hà Nội cần tập trung vào những “điểm nóng” như hạ tầng giao thông để tránh ách tắc, hệ thống cấp nước, thoát nước, vệ sinh môi trường, đặc biệt là nâng cao vai trò, trách nhiệm của lực lượng thanh tra xây dựng… Để có hiệu quả, thì “nút thắt” cần giải quyết là cơ chế, chính sách.
Ông Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng: “Một vụ như sập biệt thự ở Trần Hưng Đạo, tất nhiên người ta biết là thành phố phải có phần trách nhiệm, hay người quản lý phải có phần trách nhiệm, thế nhưng là ai? Cứ nói chung chung không có con người cụ thể thì việc qua đi rồi lại tái diễn thôi. Cho nên muốn nâng cao được chất lượng quản lý nói chung mọi việc, nhưng riêng trong khâu quản lý xây dựng phát triển thành phố thì phải nêu rõ trách nhiệm, việc này mà không làm được thì ai phải chịu trách nhiệm. Tôi nghĩ đó là cái rất cấp bách”.
Về lâu dài, những hạn chế trong quy hoạch và tổ chức thực hiện quy hoạch hiện nay đòi hỏi phải sớm được điều chỉnh, khắc phục bằng một tầm nhìn mới. Đây cũng là yêu cầu mà người dân Thủ đô nói riêng, người dân cả nước nói chung đặt ra đối với những người đứng đầu thành phố, nhất là trong kỳ Đại hội Đảng bộ lần thứ 16 sắp tới.
Ông Đào Ngọc Nghiêm đánh giá, trong quá trình chuẩn bị cho Đại hội, Đảng bộ thành phố Hà Nội đã rất chú trọng đến việc tìm ra những định hướng, xác định rõ các yêu cầu quan trọng trong giai đoạn 5 năm tiếp theo và lấy ý kiến của các cơ quan liên quan, giới khoa học cũng như người dân. Điều đáng mừng là thành phố đã nhìn thấy được những vấn đề cấp bách trong công tác quy hoạch: “Rất mừng là trong 5 nhiệm vụ đặt ra thì có nhiệm vụ là phải nâng cao chất lượng quy hoạch, phải giải quyết đồng bộ quy hoạch và quy hoạch phải gắn với yêu cầu thực tiễn. Để thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ đó, Đảng bộ thành phố Hà Nội cũng đặt ra 3 khâu đột phá, trong đó cũng có 1 khâu là phải phát triển cho đồng bộ các quy hoạch, tức là phải hoàn thành đồng bộ các quy hoạch chứ không phải mỗi một ngành chỉ có làm quy hoạch của mình”.
Rõ ràng, những quyết sách của Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội sắp tới sẽ có vai trò quyết định đến sự phát triển của Thủ đô trong giai đoạn tiếp theo. Điều mà người dân mong mỏi ở chính quyền thành phố Hà Nội không phải là những quyết sách trên giấy, mà là ý chí, quyết tâm khắc phục những yếu kém trong công tác quy hoạch, cải thiện những vấn đề dân sinh bức xúc, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân cũng như xây dựng diện mạo Thủ đô ngày càng xanh, sạch, đẹp./.