HĐND TP.HCM chất vấn nhiều vấn đề về giao thông
VOV.VN - Sáng nay (11/7), Kỳ họp HĐND TP.HCM tiếp tục với phần chất vấn và trả lời chất vấn. Trong đó, chất vấn Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM Trần Quang Lâm, các đại biểu đặc biệt quan tâm đến công tác lập và triển khai quy hoạch, giao thông kết nối vùng, giao thông công cộng…
Kinh nghiệm Vành đai 3 để triển khai các dự án khác
Đại biểu Lê Minh Đức chất vấn, Sở Giao thông vận tải và Thành phố làm gì để thoát khỏi tình trạng quy hoạch phát triển giao thông vận tải và giao thông kết nối vùng còn chậm.
“Việc chậm xây dựng hạ tầng giao thông là điểm nghẽn trong phát triển kinh tế - xã hội không chỉ của Thành phố mà còn của vùng Đông Nam bộ. Vậy Thành phố đã và đang giải pháp gì để khắc phục trong thời gian tới?”,
Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM trả lời: Năm 2022, UBND Thành phố tổ chức hội nghị rà soát đánh giá về giao thông vùng và đánh giá, quy hoạch Thành phố cơ bản phù hợp và đáp ứng xu hướng phát triển, phù hợp quy hoạch ngành quốc gia. Tuy nhiên, cần bổ sung một số vấn đề như: ưu tiên kết nối vùng với các tỉnh Tây Nam bộ, Đông Nam bộ, đặc biệt là kết nối đồng bộ với Đồng Nai, Bình Dương; Phát triển giao thông đô thị đồng bộ, bổ sung quy hoạch đường ven sông, đường sắt đô thị, mono rail... TP làm bài bản kịp thời tích hợp vào quy hoạch chung Thành phố và quy hoạch TP Thủ Đức.
Ông Lâm cũng thừa nhận là quy hoạch đã có nhưng việc thực hiện còn chậm. HĐND Thành phố đã tăng cường giám sát và nhìn ra các vấn đề cần khắc phục là về bồi thường, giải phóng mặt bằng. Nhưng phần lớn dự án chậm là bởi thiếu vốn, khi nguồn vốn hiện nay chỉ đáp ứng 30% nhu cầu phát triển.
Thành phố kỳ vọng vào Nghị quyết 98 với các cơ chế với như cho phép thực hiện hợp đồng BOT trên đường hiện hữu, hợp đồng BT thanh toán bằng tiền (trước kia đã thành công với cầu Sài Gòn 2) sẽ giải bài toán này.
Ông Trần Quang Lâm cho biết thêm: “Khi có nguồn lực rồi, có dự án rồi thì phải triển khai ngay. Rút bài học kinh nghiệm Vành đai 3, Chủ tịch UBND Thành phố cũng nhận thấy rằng, phải nghiên cứu cách làm đó để triển khai nhanh các dự án”.
Phát triển metro để giải bài toán giao thông
Đại biểu Hoàng Thị Diễm Tuyết cho rằng, hiện nay, phương tiện cá nhân tăng quá cao gây nên ùn tắc và nhiều vấn đề khác. Vấn đề tai nạn giao thông cũng rất đáng quan tâm khi người tử vong chủ yếu là người trẻ, là trụ cột gia đình.
“Giám đốc Sở Giao thông vận tải cho biết, chúng ta sẽ phát triển các phương tiện giao thông công cộng như thế nào để giảm ùn tắc và người dân sử dụng phương tiện công cộng nhiều hơn nữa?”
Về vấn đề này, ông Trần Quang Lâm cho biết, trong tuần trước, Trung ương đã tổ chức triển khai Chỉ thị 23 về đảm bảo trật tự an toàn giao thông trong tình mới. Thành phố cũng có kế hoạch về an toàn giao thông từ nay đến năm 2030 và hàng năm đều có kế hoạch gồm các nhóm về thể chế chính sách, giải pháp hạ tầng, giải pháp phi công trình và tuyên truyền, chế tài xử phạt…
Theo ông Trần Quang Lâm, để giảm giao thông cá nhân thì HĐND TP.HCM có Nghị quyết về phát triển giao thông công cộng, kết hợp giải pháp giảm phương tiện cá nhân với 27 nhóm giải pháp trực tiếp và gián tiếp. Tuy nhiên, có nhiều giải pháp còn chậm như triển khai các tuyến giao thông ưu tiên BRT, thu phí xe vào nội đô…Về lâu dài, ông Trần Quang Lâm cho rằng, với quy mô 13 triệu dân, tỷ lệ nén cao thì chỉ có phát triển metro mới là giải pháp căn cơ.
“Chúng ta không thể giải quyết bài toán giao thông căn cơ nếu như không có hệ thống metro, sức chở lớn. Hiện, Thành phố có kế hoạch, có Kết luận 49 của Bộ Chính trị (về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045). Thành phố đang chỉ đạo xây dựng kế hoạch đề án phát triển gắn với đề án phát triển mà Quốc hội, Chính phủ cho. Sắp tới có thể chúng ta xin thêm cơ chế riêng để phát triển metro, phát hành trái phiếu trong và ngoài nước để ưu tiên đầu tư metro”, ông Trần Quang Lâm cho hay.
Ngoài ra, các đại biểu HĐND cũng quan tâm, có nhiều ý kiến về tiến độ triển khai đường trên cao, các dự án giao thông như đường song hành Quốc lộ 50, cầu đường Bình Tiên, cầu Cần Giờ, phát triển giao thông thủy, phát triển mô hình TOD.