Lớp dạy Pencak Silat của võ sư mù

VOV.VN - Thầy giáo khiếm thị Nguyễn Kim Hoàng tại Hà Nội dù bị suy thận giai đoạn cuối nhưng vẫn dành thời gian dạy võ miễn phí cho 40 học viên.

Sân trường THCS Tân Định (Hoàng Mai, Hà Nội) vào một chiều chủ nhật đầu đông ấm cúng hơn những ngày thường khi các em đến sớm để chờ được chúc mừng người thầy của mình vừa được vinh danh Giải thưởng tình nguyện Quốc gia - cựu VĐV Pencak Silat Nguyễn Kim Hoàng.

1.Những lời nói ngọt ngào, những tiếng vỗ tay, cười đùa ấm áp của thầy và trò cũng thoáng qua nhanh khi thầy hô dàn hàng, khởi động cho buổi tập Pencak Silat. Khi em Trần Lan Anh, học sinh lớp 9 trường THCS Tân Định “trách” thầy không thông báo tin vui cho bất cứ học sinh nào để các em được cùng chia sẻ những giây phút thầy được ghi nhận có cống hiến và thành tích xuất sắc trong công tác tình nguyện vì cộng đồng, thầy cười rất hiền: “Các con còn nhỏ, tối phải học văn hóa, đường sá xa xôi làm sao mà đi được”.

Nhìn dáng hình to khỏe với nước da hồng hào, ít ai biết người thầy của lớp học võ đặc biệt này - thầy giáo khiếm thị Nguyễn Kim Hoàng sinh năm 1978 (tại Hà Nội) - cựu vận động viên Pencak Silat, đang bị suy thận giai đoạn cuối.

Hiện, mỗi tuần anh phải đến viện chạy thận 3 lần nhưng anh vẫn đi xe buýt đến trường THCS Tân Định, trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Quốc gia Hà Nội) và công viên Bách Thảo Hà Nội để dạy võ miễn phí cho khoảng 40 học sinh.

Có lẽ, hôm nay cũng là dịp hiếm hoi khi thầy Hoàng được vợ - chị Hà Tố Lan đèo đến sân tập. Nhìn ánh mắt Tố Lan, tôi biết chị rất hạnh phúc khi được sống lại với những ký ức cùng niềm đam mê với cái nghiệp mà chị đã cùng chồng theo đuổi từ trẻ…

Nếu như Tố Lan thuyết phục mãi mới được bố mẹ cho theo nghiệp võ từ năm 12 tuổi, đến 19 tuổi được vào đội tuyển, gặt hái nhiều huân huy chương từ môn võ cổ truyền, Wushu, múa kiếm, rồi Pencak Silat, rồi mở lớp dạy võ… thì Hoàng cũng gặp không ít rào cản từ gia đình khi anh được chọn vào đội tuyển.

Ngay từ lúc lên 7, Hoàng đã sớm bộc lộ rõ năng khiếu khi theo học võ cổ truyền. Sau 8 năm tập luyện, anh được thầy tin tưởng, giao đứng lớp huấn luyện các võ sinh tại Võ đường Thanh Lê. Sau 1 năm Hoàng được thầy chuyển sang lớp Pencak Silat - là lớp võ sinh thứ 2 theo học bộ môn này.

Cũng trong giai đoạn này, Hoàng gặt hái được nhiều huân huy chương và được mời vào đội tuyển thành phố. Thời gian tập luyện nặng hơn khiến anh chểnh mảng việc học văn hóa. Anh kể: “Hồi ấy, học lớp 10, thấy tôi bị nợ 4 môn quan trọng: Văn, Toán, Lý, Hóa, bố mẹ không cho vào đội tuyển nữa. Suốt 3 tháng hè học ôn văn hóa nên năm sau tôi không còn bị nợ môn, các cụ mới cho học võ tiếp”.

2. Có lẽ ngọn lửa đam mê dạy võ được người thầy đầu tiên truyền lại, mặc dù tốt nghiệp khoa Công nghệ Thông tin - Đại học Mở Hà Nội, ngoài công việc chính, Hoàng và Tố Lan mở thêm lớp dạy võ cho học sinh, sinh viên.

Sự đồng cảm trong công việc lẫn cuộc sống đã kết họ thành đôi. Năm 2006, họ đón công chúa nhỏ ra đời. Tố Lan kể: “Ngày trước tôi từng tuyên bố với bạn bè, sẽ nhất định không lấy người đàn ông nào không cho mình tập võ làm chồng”.

Vậy mà, chỉ được đến năm 2010, chồng đổ bệnh, chị tất tả ngược xuôi, thời gian ở BV chiếm phần nhiều, thời gian dành cho con gái cũng hạn hẹp…

Tố Lan kể, năm 2010, tự nhiên thấy hai má Hoàng đỏ ửng, chị cứ nghĩ anh bị cao huyết áp, đến khi thấy mắt Hoàng mờ dần, Tố Lan mới động viên Hoàng vào BV Mắt T.Ư kiểm tra.

Sau một thời gian điều trị, mắt anh càng mờ hơn. Đến khi Hoàng không nhìn rõ mặt mọi người, tiến hành biết bao xét nghiệm mới phát hiện anh mắc căn bệnh lupus ban đỏ.

“Lúc ấy, tôi và gia đình cũng không biết lupus là như thế nào? Khi nghe bác sĩ nói đây là một bệnh tự miễn mạn tính, không rõ nguyên nhân, gây tổn thương hầu hết các hệ cơ quan trong cơ thể và trong trường hợp nặng, có thể đe dọa tính mạng người bệnh. Khi biết con rể bị suy thận, dẫn đến mù mắt, mẹ tôi khóc và khẩn cầu bác sĩ hãy lấy mắt của bà để thay cho Hoàng…”, Tố Lan nói.

Khi biết rằng, căn bệnh rối loạn hệ miễn dịch làm hỏng thận và cướp đi đôi mắt của Hoàng trong khi nguồn thu nhập chỉ trông chờ vào đồng lương hưu của bố Hoàng và tiền dạy võ của 2 vợ chồng, Hoàng trở nên tuyệt vọng. Mù loà, trong khi hằng ngày phải đến bệnh viện lọc máu, Hoàng thấy mình vô dụng, nhiều lần anh muốn chết đi cho vợ con đỡ khổ.

Lúc ấy, mặc dù trong lòng Tố Lan suy sụp và yếu mềm, nhưng chị phải tỏ ra rất cứng cỏi, chị động viên chồng: “Em muốn có một gia đình hoàn chỉnh, em không muốn mất anh, em không muốn con em mất một người bố cho dù anh có thế nào đi chăng nữa. Anh phải đấu tranh để được sống với vợ con thì anh mới hơn người bình thường”.

Khi nghe chồng có ý định mở lớp dạy võ miễn phí, Tố Lan ủng hộ ngay, thậm chí còn tình nguyện ở nhà nội trợ, chuyển sang buôn bán tại nhà để kiếm tiền trang chải cho gia đình.

Vì mắt không còn sáng như xưa nữa nên việc đi lại khiến Hoàng gặp khó khăn hơn nhiều. Tuy nhiên, chính những lúc này, những võ sinh mà vợ chồng anh đào tạo trước đó lại tình nguyện làm trợ giảng và cùng nhau góp sức giúp Hoàng nhanh chóng trong việc tuyển sinh cũng như mua dụng cụ, thuê sân bãi để anh mở lớp dạy võ miễn phí. Con số lớp học đông lên nhanh chóng do các võ sinh đều mong muốn được học lại người thầy nổi tiếng một thời nghiêm khắc nhưng rất đỗi vui vẻ, gần gũi.

Nhìn những trợ giảng thị phạm trên sân, những đường quyền khi họ đưa chưa đúng, rồi nghe tiếng thở, tiếng bước chân của học sinh không đều, chị Lan chạy đến chỉ dẫn. Chị bảo: “Có chút thời gian rảnh nào, tôi sẵn sàng ra sân “làm mắt” cho chồng”. Rồi Tố Lan tâm sự: “Mình dạy, phải nắm được gia cảnh, tính cách từng trò, rồi điểm yếu và mạnh của võ sinh, từ đó chia sẻ và kịp thời uốn nắn. Điều quan trọng là tạo dựng tình thầy trò đúng như một gia đình. Chứ nói học miễn phí mà học sinh vô tổ chức, nghỉ học không lý do là không được”.
Thầy giáo khiếm thị Nguyễn Kim Hoàng sinh năm 1978 (tại Hà Nội) nhận giải thưởng Tình nguyện Quốc gia 2015

Chứng kiến giờ tập luyện của lớp học võ miễn phí này của anh, giọng nói sang sảng, những động tác thị phạm dứt khoát của Hoàng cùng sự cởi mở, tinh thần lạc quan khiến người đối diện thêm cảm phục tình yêu nghề và nghị lực phi thường của Nguyễn Kim Hoàng.

3. Đúng lúc chuông điện thoại của Hoàng vang lên với điệu sáo “lên chùa bẻ một cành sen, ăn cơm bằng đèn đi cấy sáng trăng”, Tố Lan liền khoe: “Từ ngày gia nhập vào Hội Người mù của quận Ba Đình, anh Hoàng biết sử dụng phần mềm dành cho người mù, tự thổi sáo rồi thu âm làm nhạc chuông, nhắn tin thành thạo. Cũng từ ngày biết sử dụng gậy, Hoàng không bị va quệt và xây xước nhiều nữa. Anh còn giúp Hội Người mù sửa máy tính mỗi khi hỏng hóc, nên mọi người quý lắm!”.

Khi hỏi về thành tích vừa đạt được, Hoàng cười: “Tôi hiểu được việc đóng góp của mình cho xã hội so với mọi người là vô cùng nhỏ bé. Tuy nhiên, khi được xã hội ghi nhận công sức nhỏ bé của mình, tôi thấy rất vui và cảm nhận cuộc sống này ý nghĩa biết bao”.

Câu nói của Hoàng: “Cái mà mình hy vọng và mong nhất là có thể nhìn được dủ chỉ trong một mét thôi, để được nhìn thấy mặt con gái nhỏ, để có thể dạy con gái học, được nhìn thấy con trưởng thành và thay đổi như thế nào…”. Mong ước tưởng như giản đơn ấy của Hoàng cứ ám ảnh tôi mãi. Tôi chỉ biết nguyện cầu có một phép màu để biến ước mơ bình dị của anh sớm thành hiện thực.

Cựu vận động viên Pencak Silat Nguyễn Kim Hoàng là 1 trong 9 cá nhân được vinh danh trong lễ trao Giải thưởng Tình nguyện Quốc gia 2015 diễn ra tối 5/12, tại Hà Nội do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp với Chương trình Tình nguyện Liên Hợp Quốc (UNV) tổ chức.

Đây là hoạt động thường niên do Trung ương Đoàn và UNV tổ chức nhằm biểu dương các cá nhân, tổ chức tình nguyện có cống hiến và thành tích xuất sắc trong công tác tình nguyện vì cộng đồng, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

TS trẻ thuyết phục Thủ tướng về dự án “mắt thần” cho người khiếm thị
TS trẻ thuyết phục Thủ tướng về dự án “mắt thần” cho người khiếm thị

VOV.VN - Tác giả của công trình sáng chế “mắt thần” cho người khiếm thị là Tiến sĩ Nguyễn Bá Hải ở TP HCM, công dân trẻ tiêu biểu toàn quốc năm 2014.

TS trẻ thuyết phục Thủ tướng về dự án “mắt thần” cho người khiếm thị

TS trẻ thuyết phục Thủ tướng về dự án “mắt thần” cho người khiếm thị

VOV.VN - Tác giả của công trình sáng chế “mắt thần” cho người khiếm thị là Tiến sĩ Nguyễn Bá Hải ở TP HCM, công dân trẻ tiêu biểu toàn quốc năm 2014.

ASEAN Para Games 8: “Cây gậy trên đường đua của người khiếm thị“
ASEAN Para Games 8: “Cây gậy trên đường đua của người khiếm thị“

VOV.VN - “Người dẫn đường” - Họ là VĐV, là cây gậy trên đường đua, là đôi mắt trong cuộc sống, là người bạn tâm tình của các VĐV khiếm thị.

ASEAN Para Games 8: “Cây gậy trên đường đua của người khiếm thị“

ASEAN Para Games 8: “Cây gậy trên đường đua của người khiếm thị“

VOV.VN - “Người dẫn đường” - Họ là VĐV, là cây gậy trên đường đua, là đôi mắt trong cuộc sống, là người bạn tâm tình của các VĐV khiếm thị.

Lời tâm sự từ gia đình cô gái khiếm thị
Lời tâm sự từ gia đình cô gái khiếm thị

Sự thật được phơi bày, bố mẹ, anh chị của Nguyễn Như Đào vẫn không một lời trách cứ mà vẫn dành nhiều tình cảm cho chàng trai Nguyễn Bá Thanh.

Lời tâm sự từ gia đình cô gái khiếm thị

Lời tâm sự từ gia đình cô gái khiếm thị

Sự thật được phơi bày, bố mẹ, anh chị của Nguyễn Như Đào vẫn không một lời trách cứ mà vẫn dành nhiều tình cảm cho chàng trai Nguyễn Bá Thanh.

Điện thoại di động dành cho người khiếm thị
Điện thoại di động dành cho người khiếm thị

VOV.VN - Với bộ đọc bằng tiếng Việt khách hàng người khiếm thị sẽ dễ dàng hơn khi thao tác trên Smartphone

Điện thoại di động dành cho người khiếm thị

Điện thoại di động dành cho người khiếm thị

VOV.VN - Với bộ đọc bằng tiếng Việt khách hàng người khiếm thị sẽ dễ dàng hơn khi thao tác trên Smartphone

Cô giáo khiếm thị Đỗ Lê Na: Đài là “ông tơ” “bà nguyệt” của chúng tôi
Cô giáo khiếm thị Đỗ Lê Na: Đài là “ông tơ” “bà nguyệt” của chúng tôi

VOV.VN -Nhờ Đài TNVN mà "câu chuyện cổ tích" giữa cô giáo khiếm thị Đỗ Lê Na và anh Lê Trọng Hùng trở thành sự thực và nên duyên vợ chồng.

Cô giáo khiếm thị Đỗ Lê Na: Đài là “ông tơ” “bà nguyệt” của chúng tôi

Cô giáo khiếm thị Đỗ Lê Na: Đài là “ông tơ” “bà nguyệt” của chúng tôi

VOV.VN -Nhờ Đài TNVN mà "câu chuyện cổ tích" giữa cô giáo khiếm thị Đỗ Lê Na và anh Lê Trọng Hùng trở thành sự thực và nên duyên vợ chồng.