Mong manh hàng Việt!
VOV.VN - Doanh nghiệp Việt cần năng động, sáng tạo hơn để đương đầu với những thách thức, để tiếp tục phát huy trên nền tảng đã gây dựng được
Sáng Chủ nhật vừa rồi, tại Hà Nội diễn ra Lễ tôn vinh, trao Giải thưởng “Sản phẩm, dịch vụ thương hiệu Việt tiêu biểu hưởng ứng Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” lần thứ Nhất. 100 doanh nghiệp được tôn vinh, trao giải lần này, là đại diện cho hàng ngàn doanh nghiệp Việt không ngừng nỗ lực, khẳng định chất lượng, thương hiệu hàng hóa Việt, trước hết là với người tiêu dùng Việt. Nhưng còn đó nhiều tâm tư, trăn trở của các doanh nhân về vị thế của hàng Việt, khi cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam bước sang năm thứ 6, trong bối cảnh hội nhập sâu, mở ra nhiều cơ hội, nhưng cũng lắm thách thức.
Phải khẳng định người tiêu dùng trong nước rất quan tâm tới sản phẩm Việt Nam. Nhưng có những yếu tố đang đe dọa chỗ đứng của hàng Việt ngay chính trên sân nhà.
Thứ nhất, đó là nạn hàng giả, hàng nhái đang ở mức độ “nghiêm trọng”, “đáng báo động”. Bất kể sản phẩm nào gây dựng được uy tín, khẳng định được chất lượng, là bị làm giả: từ đồ uống, bánh kẹo, quần áo, đến cả máy móc, thiết bị. Các cơ sở sản xuất trong nước làm giả hàng có thương hiệu, hàng Việt Nam chất lượng cao. Rồi hàng giả “made in Vietnam” còn tràn từ biên giới vào thị trường nội địa. Doanh nghiệp sản xuất chân chính phải chống đỡ với nạn hàng giả, hàng nhái, cũng hao tổn sức lực. Vậy phải có giải pháp đủ mạnh nào, để ngăn chặn nạn hàng giả hàng nhái?
Thứ hai, bản thân các doanh nghiệp, khi gây dựng được thương hiệu, hay chỉ đơn giản, là “hàng bán chạy”, đã không giữ được chất lượng như ban đầu, thậm chí còn vi phạm các quy định về đo lường chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm… khiến niềm tin của người tiêu dùng giảm sút. Vậy phải làm sao để xây dựng được văn hóa doanh nhân, doanh nghiệp, tuân thủ pháp luật, giữ chữ tín, hướng tới lợi ích của người tiêu dùng… để doanh nghiệp Việt lớn mạnh, phát triển bền vững?
Thứ ba, trong quá trình hội nhập, mở cửa, chúng ta thấy nhiều vụ mua bán, sáp nhập, mà trong đó, không ít các thương hiệu Việt đã về tay các nhà đầu tư nước ngoài. Câu chuyện trong quá khứ, 2 thương hiệu đình đám trong làng hóa mỹ phẩm, là P/S và Dạ Lan, thì chỉ P/S may mắn còn tồn tại, Dạ Lan đã bị xóa sổ, rơi vào quên lãng. Gần hơn, là câu chuyện của Phở 24, của TRIBECO… những thương hiệu Việt đã nằm trong tay chủ ngoại.
Hiện nay, để chiếm thị phần tại Việt Nam, nhiều nhà đầu tư trong các lĩnh vực bánh kẹo, đồ uống đang sẵn sàng bỏ ra một khoản lớn mua lại các thương hiệu nổi tiếng trong nước. Các chuyên gia nhận định, kịch bản xóa sổ thương hiệu trong nước, để đưa thương hiệu ngoài vào, như trường hợp kem đánh răng Colgate thay thế cho Dạ Lan chỉ sau 3 tháng thương hiệu này về tay Hãng Colgate Pamolive, rất có thể sẽ xảy ra nhiều hơn trong thời gian tới. Vậy mỗi doanh nhân, người điều hành doanh nghiệp phải xây dựng được bản lĩnh như thế nào, năng động, sáng tạo ra sao để ứng phó, để đương đầu với những thách thức, để tiếp tục phát huy trên nền tảng đã gây dựng được?
Vị thế hàng Việt, thương hiệu Việt đã được khẳng định trong lòng người tiêu dùng Việt, nhưng cũng vì thế, lại rất mong manh. Mong manh bởi diễn biến thị trường thay đổi rất nhanh, bởi các đối thủ cạnh tranh từ bên ngoài cũng rất nhanh nhạy. Chỉ một ví dụ rất gần, là hiện tượng “hàng tiêu dùng Thái Lan thắng đậm trong dịp Tết cổ truyền của Việt Nam”. Còn chúng ta cũng đã thấy, bánh kẹo của Indonesia xuất khẩu sang thị trường Việt Nam, bên cạnh chữ Indonesia, tiếng Anh, là những dòng chữ tiếng Việt to, rõ ràng về tên sản phẩm, thành phần chi tiết…, gây ấn tượng rất tốt với người tiêu dùng Việt. Rõ ràng, doanh nghiệp các nước này đã rất biết đón thời cơ khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN hình thành vào cuối năm nay.
Còn các doanh nghiệp Việt, có quan tâm đến những điều này, hay lại vẫn yên tâm với kết quả: 63% số người tiêu dùng "tự xác định khi mua hàng hoá sẽ ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, như kết quả khảo sát cách đây 9 tháng?!./.