“Muốn có nguồn nhân lực tốt, không thể ngồi chờ”

(VOV) -Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Vương Văn Việt chia sẻ, muốn có nguồn nhân lực tốt thì phải chủ động và... không sợ tốn kém.

PV: Để phát triển bền vững, nguồn nhân lực chất lượng cao đóng vai trò quyết định. Là tỉnh đang có nhiều bước đổi mới, Thanh Hóa xác định điều này như thế nào, thưa ông?


Ông Vương Văn Việt
Ông Vương Văn Việt: Đây là vấn đề mang tính quyết định sự phát triển nhanh và bền vững của một quốc gia cũng như của một địa phương. Thanh Hóa nhận thức rất sâu sắc vấn đề này nên hơn 10 năm nay chúng tôi đã tập trung xây dựng phát triển nguồn nhân lực. Chương trình 10 năm (2001-2010) được cụ thể bằng 5 năm một với mục tiêu và giải pháp cụ thể để tạo nguồn nhân lực phục vụ cho sự phát triển nội tại của tỉnh, và đương nhiên góp phần cung cấp nguồn nhân lực cho cả nước.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII của tỉnh xác định 5 chương trình công tác trọng tâm, trong đó có chương trình phát triển nguồn nhân lực đến 2015. Gần đây nhất, thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng quy hoạch phát triển nhân lực đến 2020, Thanh Hóa là một trong những địa phương chủ động tích cực làm vấn đề này và phê duyệt được kế hoạch phát triển nguồn nhân lực theo đúng tiến độ mà Chính phủ quy định.

Theo đó, chúng tôi đã triển khai nhiều kế hoạch và chương trình để chủ động đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh.

PV: Trong những đề án, chương trình đó, Thanh Hóa tập trung vào những mục tiêu, trọng điểm nào, thưa ông?

Ông Vương Văn Việt: Thứ nhất phải chú ý phát triển hệ thống trường lớp. Thanh Hóa hiện có 3 trường Đại học, trong đó có 2 trường thuộc tỉnh là Đại học Hồng Đức và Đại học Văn hóa Thể thao Du lịch, một trường thuộc Đại học Công nghiệp TPHCM cơ sở Thanh Hóa. Tới đây chúng tôi có thể phát triển thêm 2 trường nữa và khả năng đến 2020, chúng tôi có ít nhất 5 trường Đại học.

Hệ thống các trường CĐ, Trung cấp chuyên nghiệp, dạy nghề… cũng được Thanh Hóa hướng đến phát triển chất lượng để thu hút các nguồn lực về đào tạo.

Ngoài ra, mặc dù Trung ương, Chính phủ có các chương trình như 322 rồi 911, nhưng muốn chủ động trong đào tạo nguồn nhân lực tốt, Thanh Hóa cũng không thể chờ đợi những chương trình của Trung ương được.

Hiện nay chúng tôi đang triển khai 2 đề án. Trước hết là liên kết đào tạo với các trường Đại học ở nước ngoài (thực hiện từ 2006). Mục tiêu đề án này đặt ra là từ 2006-2015 đào tạo được 500 cán bộ có trình độ Đại học trở lên. Trong đó, 150 có trình độ Đại học, 250 có trình độ Thạc sĩ và 100 Tiến sĩ. Đến thời điểm này chúng tôi đã gửi được gần 200 người, và đã có gần 50 người hoàn thành chương trình này, đã về công tác tại tỉnh hoặc chuyển tiếp sinh tại các trường ở nước ngoài.

Các học viên được cử đi đào tạo tập trung vào 8 nhóm ngành chủ yếu mà Thanh Hóa đang cần: Nông- Lâm nghiệp, kỹ thuật- công nghệ, công nghệ thông tin, sản xuất chế biến, bảo vệ môi trường- biến đổi khí hậu, khoa học cơ bản, Khoa học xã hội nhân văn.

Các trường được chọn cũng rộng khắp, là những trường có thương hiệu, thứ hạng, có uy tín trong đào tạo những chuyên ngành, đặc biệt là các trường ở châu Âu và ở Mỹ, Australia.

Trước 2006, tỉnh cũng đã có những chính sách để thu hút chuyên gia, cán bộ nhưng lúc đó sức hút về Thanh Hóa đang rất yếu nên người ta vẫn thích làm việc ở những thành phố lớn hơn. Chúng tôi không thể chờ đợi được nên phải có các đề án này.

Đề án thứ 2 là do Ban Tổ chức Tỉnh ủy chủ trì để đào tạo cán bộ nguồn, cán bộ quản lý lãnh đạo. Triển khai từ năm 2011, hiện có hơn 100 người, từ Phó trưởng phòng của các ngành, đoàn thể, các huyện trở lên được cử đi học tập trung, bứt hẳn công việc chuyên môn.

Thanh Hóa xác định phải chủ động tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho các lĩnh vực kinh tế xã hội của tỉnh cũng như cán bộ quản lý sau này.

PV: Đối tượng được lựa chọn đưa đi đào tạo nước ngoài là những học sinh của Thanh Hóa?

Ông Vương Văn Việt: Những năm đầu tiên Dự án nêu ra đối tượng là học sinh Thanh Hóa, nhưng 3 năm trở lại đây, đối tượng được mở rộng là học sinh cả nước. Giữa đào tạo và sử dụng, đôi bên gặp nhau giữa cung và cầu, do đó, việc đào tạo không phải cứ khép kín trong địa bàn.

Học sinh ưu tú, giỏi của các tỉnh, thành nếu chấp nhận các điều kiện phục vụ thì sẽ được tham gia Đề án, được thụ hưởng toàn bộ cơ chế chính sách của tỉnh.

PV: Được biết, ngoài tiêu chí về học lực, các sinh viên được đưa đi học nước ngoài phải cam kết trở về phục vụ địa phương?

Ông Vương Văn Việt: Thanh Hóa có cơ chế chính sách rất rõ. Trước hết, kinh phí học Tiếng Anh hoàn toàn do tỉnh lo. Khi học viên được đưa đi đào tạo, tỉnh sẽ lo học phí (tối đa 15.000 USD/năm), sinh hoạt phí và những lệ phí đưa học viên ra nước ngoài đi học.

Đến thời điểm này, với gần 200 học viên được cử đi đào tạo, tỉnh Thanh Hóa đã chi gần 5 triệu USD, đó là chưa tính bản thân các học viên và trường Hồng Đức liên hệ để giành học bổng của các trường đối tác.

Cơ chế cũng rất mở, nếu các doanh nghiệp cần nguồn nhân lực thì tỉnh cũng sẽ hỗ trợ như về kinh phí học Tiếng Anh.

Chúng tôi xây dựng quy định theo đúng Nghị định 54 của Chính phủ, rằng tỉnh nào bỏ tiền ra thì sau đào tạo phải về phục vụ cho tỉnh. Cam kết thời gian phục vụ gấp 3 lần thời gian đào tạo, tính cả đào tạo nguồn. Ví dụ Đại học tính 1 năm học Tiếng Anh, 3 hoặc 4 năm nước ngoài thì trách nhiệm phục vụ là 15 năm. Nếu Thạc sĩ, thì 1 năm tạo nguồn 1 năm, 2 năm đào tạo thì anh chỉ mất 9 năm phục vụ địa phương. Tiến sĩ là 12 năm phục vụ địa phương.

Anh nào không thực hiện đúng thì có trách nhiệm bồi hoàn. Tuy nhiên, quy định việc bồi hoàn chúng tôi cũng đang điều chỉnh để vừa khuyến khích, nhưng cũng ràng buộc trách nhiệm đối với những người đi học.

PV: Nói một cách ngắn gọn, muốn có nguồn nhân lực tốt thì chúng ta phải chủ động, có kế hoạch và… không sợ tốn kém, thưa ông?

Ông Vương Văn Việt: Đầu tư xây dựng hạ tầng, con đường đều là những hạng mục rất quan trọng, với vốn đầu tư hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng nhưng cũng phải mất nhiều năm, nâng cấp nhiều lần.

Giờ đào tạo con người, số tiền 5 triệu USD tương đương hơn 100 tỷ đồng là rất nhỏ nếu đem ra so sánh, nhưng chúng ta lại có được con người có trình độ, tri thức và có khả năng hội nhập về kinh tế quốc tế. Phải suy nghĩ như vậy để quyết tâm làm.

Tôi tin tưởng rằng, với các dự án như trên thì sau 2015 đến 2020, đội ngũ lãnh đạo quản lý và nguồn nhân lực được đào tạo nước ngoài về đây sẽ là một trong những hạt nhân quan trọng góp phần thực hiện thắng lợi những mục tiêu kinh tế xã hội của Thanh Hóa.

PV: Vâng, xin cảm ơn ông!./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Du lịch xứ Thanh: Đánh thức tiềm năng
Du lịch xứ Thanh: Đánh thức tiềm năng

(VOV) - Quan trọng nhất là giải các bài toán về cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực du lịch và xây dựng hình ảnh.

Du lịch xứ Thanh: Đánh thức tiềm năng

Du lịch xứ Thanh: Đánh thức tiềm năng

(VOV) - Quan trọng nhất là giải các bài toán về cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực du lịch và xây dựng hình ảnh.

Thanh Hóa cần đổi mới phương thức thu hút đầu tư
Thanh Hóa cần đổi mới phương thức thu hút đầu tư

(VOV)-Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Thanh Hóa cần tính toán cơ chế, chính sách thuận lợi để thu hút đầu tư theo hướng nâng cao chất lượng.

Thanh Hóa cần đổi mới phương thức thu hút đầu tư

Thanh Hóa cần đổi mới phương thức thu hút đầu tư

(VOV)-Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Thanh Hóa cần tính toán cơ chế, chính sách thuận lợi để thu hút đầu tư theo hướng nâng cao chất lượng.

“Nhiều bài học để Thanh Hóa bảo tồn Thành Nhà Hồ”
“Nhiều bài học để Thanh Hóa bảo tồn Thành Nhà Hồ”

(VOV) -Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Vương Văn Việt tin tưởng, Thành Nhà Hồ sẽ là điểm đến hấp dẫn trong tương lai gần.

“Nhiều bài học để Thanh Hóa bảo tồn Thành Nhà Hồ”

“Nhiều bài học để Thanh Hóa bảo tồn Thành Nhà Hồ”

(VOV) -Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Vương Văn Việt tin tưởng, Thành Nhà Hồ sẽ là điểm đến hấp dẫn trong tương lai gần.