Năm 2025, khởi động 6 tuyến giao thông nối ĐBSCL với TP.HCM
VOV.VN - ĐBSCL và TP. HCM thống nhất hoàn thiện ít nhất 6 Dự án giao thông vận chuyển hàng hóa và hành khách. Năm 2025 được xem là mốc thời gian khởi động các Dự án nhằm tiến đến hoàn chỉnh khung hạ tầng giao kết nối để “vùng trời” phía Nam bứt phá.
ĐBSCL có ưu thế khi nằm sát với đô thị đầu tàu của cả nước, là TP.HCM. Từ lâu, Vùng đã hoạch định những chiến lược, phải kết nối với TP.HCM để mở ra cơ hội giao thương, phát triển kinh tế - xã hội. Trong số các Dự án hợp tác, thì “giao thông đi trước mở đường”.
Sáu dự án giao thông được ưu tiên khởi động trong năm 2025, bao gồm: Mở rộng đường cao tốc TPHCM - Trung Lương – Mỹ Thuận; mở rộng Quốc lộ 1A; mở rộng Quốc lộ 50B; triển khai tuyến đường ven biển và đường biên giới; cùng Bộ GTVT khẩn trương hoàn thiện pháp lý Dự án đường sắt TP.HCM – Cần Thơ; triển khai tuyến mẫu thủy nội địa Cần Thơ – Cái Mép – Cát Lái.
Khu vực phía Nam của thành phố là cửa ngõ của miền Tây với quốc lộ 50. Dự án mở rộng Quốc lộ 50 với tổng chiều dài hơn 7km, từ nút giao Nguyễn Văn Linh đến ranh giới tỉnh Long An đang được thi công khẩn trương để hoàn thiện trong năm 2025.
Ông Nguyễn Phước Thuận – Phó Ban điều hành dự án đường bộ 4, BQL Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP. HCM cho biết: “Khi nhận được bàn giao mặt thì chủ đầu tư chúng tôi sẽ yêu cầu các đơn vị thi công triển khai ngay để kịp tiến độ đã đăng ký và hiện nay các đơn vị thi công đang triển khai các hào kỹ thuật và lắp đặt cống thoát nước. Nếu như được các hộ dân còn lại đồng ý bàn giao mặt bằng thì việc đẩy nhanh tiến độ thi công rất thuận lợi”.
Sau khi hoàn tất mở rộng QL50, TP.HCM tiếp tục triển khai dự án mở mới tuyến Quốc lộ 50B qua huyện Bình Chánh và Nhà Bè về Tiền Giang. Tuyến Quốc lộ 50B, dài 55 km đóng vai trò quan trọng trong việc liên kết giữa TP. HCM và khu vực miền Tây. Điểm đầu của tuyến đường nằm trên đường Phạm Hùng (TP. HCM) và điểm cuối tại ngã ba Trung Lương (Tiền Giang).
Kế đến là mở rộng cao tốc TP.HCM – Mỹ Thuận. Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ GTVT khẩn trương triển khai các bước tiếp theo để có thể khởi công Dự án mở rộng cao tốc TP. HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận trong quý 2/2025.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về việc nghiên cứu triển khai Dự án này theo phương thức PPP, Bộ GTVT đã giao Liên danh Tập đoàn Đèo Cả - Công ty CP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP. HCM - Công ty CP Tasco là nhà đầu tư lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Phó Chủ tịch UBND TP. HCM Bùi Xuân Cường cho biết: "Để triển khai sớm thì thành phố cũng thống nhất như hiện nay là tập trung về xây lắp đã triển khai đoạn TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương là 8 làn xe bao gồm nút giao chợ Đệm. Trong đó về quy hoạch thì hiện nay lại tăng quy mô lên hiện nay là khoảng 10 đến 12 làn xe".
Con đường “giá trị” tiếp theo là tuyến ven biển phía Nam dài 780km, điểm đầu từ TP.HCM đi qua 7 tỉnh, gồm: Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Kiên Giang, Bạc Liêu và Cà Mau. Bến Tre đã khởi công dự án cầu Ba Lai 8, đây là dự án thành phần trên tuyến.
Khung hạ tầng giao thông đường sắt TP.HCM – Cần Thơ cũng được đặt ra mục tiêu phải hoàn tất hồ sơ pháp lý trong năm 2025. Theo nghiên cứu sơ bộ dự án đường sắt TP.HCM - Cần Thơ có điểm đầu tại ga An Bình thuộc phường An Bình, TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương; điểm cuối tại ga Cần Thơ thuộc phường Phú Thứ, quận Cái Răng, TP Cần Thơ. Dự án đường sắt TP.HCM - Cần Thơ được nghiên cứu dài 175,2km, đi qua địa bàn 6 tỉnh, thành phố: Bình Dương, TP.HCM, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long và Cần Thơ. Tốc độ vận hành tàu khách là 160km/h, tàu hàng là 120km/h.
Bí Thư Thành ủy Cần Thơ Nguyễn Văn Hiếu cho biết năng lực của tuyến giao thông này trong tương lai: “Chúng tôi rất mong trong thời gian tới thì Bộ GTVT tham mưu cho Thủ tướng hết sức quan tâm dự án này. Ngoài tuyến chúng ta kết hợp đường bộ thì đường sắt hiện nay là một trong những tuyến có tỷ lệ cạnh tranh, năng lực cạnh tranh kinh tế rất cao cho nên chúng ta quan tâm và hai đầu cầu này sẽ kết nối thông thương và xử lý hàng loạt vấn đề liên quan khác để chúng ta tạo động lực phát triển”.
Trong năm 2025, TP.HCM và ĐBSCL cũng sẽ khởi động tuyến mẫu đường thủy nội địa Cần Thơ – Cáo Mép – Cát Lái. Tuyến mẫu thủy nội địa Cần Thơ – Cái Mép – Cát Lái được thiết kế sẽ xuất phát từ cụm cảng Cần Thơ đi qua các tỉnh ĐBSCL, đến khu cảng Cái Mép – Thị Vải (Vũng Tàu) qua Đồng Nai, vòng vào cảng Cát Lái (TP.HCM) và quay về Cần Thơ theo một chu trình khép kín. Nếu vận chuyển theo tuyến này thì chiều dài toàn tuyến được rút ngắn còn khoảng 200 km. Chi phí vận chuyển theo tuyến này dự khoảng 3.000.000 đồng/TEU.
Ngoài việc giảm chi phí vận chuyển, giảm áp lực vận tải đường bộ, tuyến thủy nội địa mẫu này sẽ giúp giảm chi phí logistics cho doanh nghiệp tầm khoảng 60 - 70%. Trong giai đoạn 5 năm đầu tiên hoạt động, sản lượng trên tuyến này sẽ tăng trưởng ít nhất 20%/năm.
Bà Trương Thị Kim Liên – Giám đốc công ty Gemadept Cần Thơ, đơn vị thiết kế tàu cho tuyến mẫu thủy nội địa Cần Thơ – Cát Lái cho biết: “Luồng Chợ Gạo thì đang quá tải, chúng tôi đang nghiên cứu dùng sà lan SB cho đi tuyến Định An và xin Bộ GTVT nâng tải trọng tàu dưới 92m sẽ chạy ven biển mà không tốn tiền hoa tiêu vì hiện nay chi phí dầu rất cao. Thay vì hiện nay chúng ta đi tuyến hiện hữu từ Cần Thơ ra Cái Mép mất 32 tiếng thì đi tuyến Định An thời gian sẽ giảm xuống mười mấy tiếng đồng hồ, cắt giảm chi phí tại chỗ”.
Việc nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông năm 2025 được cho là sẽ tạo ra nhiều xung lực giúp ĐBSCL bứt tốc với sự hỗ trợ từ “đầu tàu” TP.HCM. Hàng hóa ĐBSCL có thể “cập bến” các siêu thị lớn của thành phố, thay vì chỉ giới hạn ở hội chợ của địa phương. Điều này sẽ giúp gia tăng giá trị sản phẩm và cải thiện đời sống người dân trong vùng.