Nam Bộ đối diện nguy cơ thiếu nước sản xuất nông nghiệp
VOV.VN - Ngày 19/7, tại tỉnh Cà Mau, Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai tổ chức Hội nghị tổng kết công tác phòng chống thiên tai khu vực miền Nam.
Theo Cục Ứng phó và khắc phục thiên tai, trong năm 2018, khu vực Nam Bộ xảy ra 14/21 loại hình thiên tai. Trong đó, gây thiệt hại và ảnh hưởng lớn nhất là lũ ở vùng ĐBSCL và bão số 9. Thiên tai đã làm 10 người chết, mất tích; 13 người bị thương. Thiệt hại về vật chất ước tính khoảng 117 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Phát triển - Nông thôn phát biểu tại hội nghị. |
Nhận định về xu thế thời tiết tại Nam bộ thời gian tới, Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết, hiện tượng ElNino sẽ duy trì trạng thái yếu từ nay đến tháng 9 tới và sau đó tiếp tục giảm.
Dự đoán lượng mưa năm nay không cao. Bên cạnh đó, mùa lũ sẽ không xuất hiện sớm ở đầu nguồn sông Cửu Long. Đỉnh lũ năm nay ở đầu nguồn cũng chỉ ở mức báo động 1 đến báo động 2, thấp hơn đỉnh lũ trung bình nhiều năm. Nguy cơ có thể làm thiếu nước cho sản xuất nông nghiệp tại các tỉnh Nam Bộ.
Ông Lê Đình Tuyết, đại diện Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia lưu ý các địa phương cần có phương án trữ nước để sản xuất nông nghiệp. Về bão ít có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến Nam Bộ, tuy nhiên, các diễn biến thời tiết rất phức tạp nên không chủ quan.
Năm nay nguy cơ thiếu nước sản xuất nông nghiệp tại các tỉnh Nam Bộ. |
Nói về nhiệm vụ trọng tâm mà Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai cùng các Bộ ngành và các địa phương cần tập trung triển khai trong thời gian tới, ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Phát triển - Nông thôn cho biết, sắp vào mùa mưa bão, phải đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công trình xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định bố trí vốn; củng cố nâng cấp hệ thống đê biển, đê bao chống ngập, cống đập ngăn mặn và kênh trục thủy lợi ở ĐBSCL.
Xác định các trọng điểm để sẵn sàng ứng phó khi tình huống xảy ra; củng cố, triển khai xây dựng và hoạt động lực lượng xung kích phòng chống thiên tai tại cơ sở như chỉ đạo của Chính phủ. Ngoài ra, phải huy động các nguồn lực để thực hiện lắp đặt thiết bị theo dõi, giám sát, cảnh báo thiên tai đáp ứng yêu cầu./.