Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế
(VOV) - Bộ Y tế sẽ cải cách các thủ tục khám, chữa bệnh ở khoa khám bệnh; rút ngắn thời gian phải chờ đợi của người dân.
Sau 3 năm thực hiện, Luật Bảo hiểm y tế bước đầu góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, tỷ lệ người tham gia bảo hiểm y tế tăng đáng kể. Tuy nhiên, nhiều người dân cho rằng, một số quy định trong luật chưa hợp lý, gây phiền hà cho người bệnh, nhất là với những người khám và điều trị bằng bảo hiểm Y tế.
Để giải quyết những vướng mắc trên, việc sửa đổi Luật Bảo hiểm Y tế là cần thiết. Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án thực hiện lộ trình bảo hiểm y tế toàn dân đến năm 2020. Theo đó, phấn đấu đến năm 2020 có trên 80% dân số tham gia bảo hiểm y tế.
Trong chuyên mục Dân hỏi Bộ trưởng trả lời tuần này, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến sẽ thông tin rõ hơn về những thay đổi trong chính sách bảo hiểm y tế và những giải pháp để nâng cao chất lượng, hiệu quả khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến |
Đến 2020, trên 80% dân số tham gia bảo hiểm y tế
PV: Thưa Bộ trưởng, Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án thực hiện lộ trình bảo hiểm y tế toàn dân đến năm 2020. Vậy, Bộ trưởng có thể cho biết nội dung chính của đề án là gì và tác động như thế nào tới chính sách bảo hiểm y tế toàn dân?
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Bảo hiểm y tế toàn dân là một trong những chính sách an sinh xã hội quan trọng và là nguồn tài chính vững bền giúp chăm sóc sức khỏe nhân dân. Nội dung chính của Đề án là tăng tỷ lệ bao phủ bảo hiểm toàn dân đến năm 2015 phải đạt được 70% và đến năm 2020 đạt trên 80%. Thứ hai là nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và tăng sự hài lòng của người bệnh và từng bước tăng nhu cầu, thỏa mãn yêu cầu của người bệnh. Thứ ba là phải tăng giá trị gói dịch vụ khám chữa bệnh. Có nghĩa là khi người dân đến khám chữa bệnh sẽ không phải trả thêm những khoản tiền nào nữa. Thứ 4 là tăng cường truyền thông giáo dục để nhân dân tự nhận thức rằng bảo hiểm y tế là quyền lợi của mình, coi bảo hiểm y tế như là bùa hộ mệnh để an tâm làm việc, khi nào vào bệnh viện thì đã có bảo hiể y tế chi trả. Và cái nữa, chúng tôi cũng thấy rằng, chính quyền các cấp và các ban ngành, đoàn thể cần đưa chỉ tiêu bảo hiểm toàn dân và chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội gắn với các chỉ tiêu về xây dựng nông thôn mới.
PV: Vậy theo Bộ trưởng, thay đổi nào là quan trọng nhất trong chính sách về vấn đề bảo hiểm y tế thể hiện sau khi Đề án được phê duyệt và sau khi sửa đổi bổ sung Luật bảo hiểm Y tế?
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Thay đổi lớn nhất là làm sao càng nhiều người dân tham gia bảo hiểm thì càng tốt, người dân phải nhận thức được đây là quyền lợi của mình chứ không phải là nghĩa vụ. Hiện nay, chỉ khi nào ốm người dân mới tự nguyện mua, vì nhiều người chưa biết đấy là quyền lợi. Với mệnh giá như hiện nay thì gói dịch vụ y tế của chúng ta khá ưu việt vì có sự hỗ trợ Nhà nước và cả hệ thống y tế. Thứ hai là giảm bớt tiền chi cho người dân, có nghĩa là khi tham gia bảo hiểm y tế thì các dịch vụ y tế cơ bản sẽ được bảo hiểm y tế thanh toán.
PV: Như Bộ trưởng đề cập, thời gian vừa qua người dân chưa thực sự ý thức bảo hiểm y tế là quyền lợi sát sườn. Vì sao lại như vậy? Có một người dân chia sẻ với Bộ trưởng như thế này: "Hàng tháng tôi phải đóng bảo hiểm y tế 1,5% lương. Nhưng khi đi khám bệnh, nếu không phải điều trị tốn phí nhiều thì chúng tôi bảo nhau là cứ đi khám bình thường cho nhanh, không bị rắc rối, nhiêu khê. Chưa kể đến chất lượng khám chữa bệnh có bảo hiểm y tế mà thái độ của những bác sĩ ở đây cũng đáng phải bàn. Từ tâm sự này, nhiều người dân đặt câu hỏi với Bộ trưởng là bao giờ mới xóa bỏ được tình trạng phân biệt khi khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế?
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Chúng tôi rất chia sẻ với những người dân khi đi khám bệnh bằng thẻ bảo hiểm y tế trong thời gian vừa qua. Bởi lẽ thứ nhất do quá tải cho nên thời gian phải chờ đợi rất lâu. Thứ hai là thủ tục phiền hà. Khi đã tham gia đóng bảo hiểm y tế thì không phải đóng thêm nhiều tiền nữa cho nên có thêm nhiều thủ tục. Thứ ba là thái độ của một số cán bộ y tế cũng chưa thật tận tình hướng dẫn.
Một thực tế nữa là giá dịch vụ y tế trước đây chi trả cho bảo hiểm y tế quá thấp, nên người dân phải mua thêm nhiều thuốc và các dụng cụ. Nói chung là người dân vẫn phải bỏ tiền túi nhưng lại rất phiền hà. Ví dụ, cắt amidan trước thì bảo hiểm y tế chỉ chi trả 40.000 nhưng thực chất chi phí phải đến 450.000-600.000 đồng. Phần chênh lệch đó bệnh viện lại phải ghi đơn để bệnh nhân đi mua thêm. Cho nên tôi thực sự rất chia sẻ với những bất cập mà người dân gặp phải này. Ngành Y tế đang cố gắng nỗ lực một loạt các giải pháp để từng bước khắc phục tình trạng này nhằm nâng cao hơn chất lượng dịch vụ và khám chữa bệnh để thu hút ngày càng nhiều người tham gia bảo hiểm y tế.
Rút ngắn thời gian chờ đợi khám, chữa bệnh
PV: Bộ trưởng có thể nói rõ hơn là chúng ta sẽ có những bước đi cụ thể nào để nâng cao hơn nữa chất lượng dịch vụ liên quan đến bảo hiểm y tế, tránh tình trạng như người dân đã nêu như trên?
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Thứ nhất là chúng tôi đã được Chính phủ phê duyệt Đề án giảm tải bệnh viện, bởi vì một trong những nguyên nhân làm giảm chất lượng khám là do quá tải. Đề án có nhiều giải pháp, nhưng trước mắt chúng tôi tập trung thực hiện nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh bằng các Chỉ thị và một loạt các chính sách ban hành về nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. Đó là cải cách các thủ tục khám, chữa bệnh ở khoa khám bệnh; rút ngắn thời gian chờ đợi từ 4 đến 7 tiếng đồng hồ trước đây sẽ rút ngắn xuống trung bình khoảng 2 đến 3 tiếng đồng hồ, tùy theo loại khám thông thường hoặc khám có thêm các xét nghiệm chức năng. Giảm bớt số chữ ký mà bảo hiểm xã hội quy định trước đây thay vì phải có 6 chữ ký, thậm chí có nơi 7 chữ ký mới được khám xong thì hiện nay rút xuống còn 4 chữ ký.
Thứ hai là việc điều chỉnh giá dịch vụ, yêu cầu các bênh viện phải mở thêm các bàn khám bệnh, mở thêm các ô tiếp đón và phát số điện tử hoặc hẹn giờ khám bệnh. Có thêm nhiều bàn chỉ dẫn, bố trí nơi xét nghiệm lấy máu cùng với nơi khám bệnh để bệnh nhân không mất nhiều thời gian đi lại. Bộ Y tế cũng ban hành chỉ thị về nâng cao quy tắc ứng xử. Khoa khám bệnh là bộ mặt bệnh viện nên sẽ phải từng bước cải thiện để giảm bớt phiền hà khi tham gia bảo hiểm y tế.
Hiện nay, một số nơi đã làm và đã thực hiện. Ví dụ Khoa khám bệnh của bệnh viện Bạch Mai; Bệnh viện nhân dân Gia Định-TP HCM, bệnh viện Trưng Vương TP HCM, bệnh viện đa khoa Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình… Với các bệnh viện tỉnh hiện nay thì các văn bản hướng dẫn của Bộ Y tế đang được các giám đốc Sở y tế, Giám đốc bệnh viện triển khai. Chúng tôi hy vọng rằng từng bước, chất lượng và sự hài lòng của người dân sẽ dần được cải thiện.
Hỗ trợ 100% hộ cận nghèo tham gia bảo hiểm y tế
PV: Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định nâng mức hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho một số đối tượng thuộc hộ gia đình cận nghèo. Cụ thể, quy định này tác động thế nào tới các đối tượng được thụ hưởng, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Hiện nay, Nhà nước hỗ trợ cho đối tượng cận nghèo là 70%. Tuy nhiên, những người cận nghèo tham gia bảo hiểm y tế rất thấp chỉ chiếm 20% trong tổng số cận nghèo.
Theo quy định mới, Nhà nước sẽ hỗ trợ 100% đối với các hộ cận nghèo thuộc các đối tượng sau: Hộ cận nghèo mới thoát nghèo; hộ cận nghèo sống ở những huyện kinh tế khó khăn thuộc quyết định 30A của Thủ tướng chính phủ và những huyện mà tỷ lệ hộ nghèo. Những diện này được hỗ trợ 100%. Đồng thời, năm 2012, Bộ Y tế cũng tham mưu để Chính phủ ban hành Quyết định 14 quy định những người nghèo, cận nghèo mà sống ở vùng núi, cùng dân tộc khó khăn mà bị các bệnh hiểm nghèo như là bệnh tim mạch, bệnh chạy thận nhân tạo, bệnh ung thư, bệnh mãn tính, thì Nhà nước hỗ trợ nốt phần đồng chi trả, kể cả thuốc men, tiền đi lại và hỗ trợ các khoản kinh phí kèm theo.
Bệnh viện vệ tinh và Bác sĩ gia đình sẽ góp phần giảm sự quá tải
PV: Thưa Bộ trưởng, chúng tôi được biết Bộ Y tế vừa đưa ra đề án “Bệnh viện vệ tinh” và “Bác sĩ gia đình”. Xin Bộ trưởng cho biết người dân thì sẽ được hưởng lợi như thế nào khi các đề án này đi vào hoạt động và mục đích của “Bệnh viện vệ tinh” và “Bác sĩ gia đình” là gì?
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Đây là một trong những biện pháp giảm tải tuyến bệnh viện Trung ương cơ bản. Ngoài việc tuyến Trung ương và tuyến cuối phải mở rộng hoặc tăng thêm giường hoặc xây dựng lên cơ sở 2, thì đây là giải pháp trước mắt. Nhưng về lâu dài thì phải xây dựng mạng lưới Bệnh viện vệ tinh, tức là những bệnh viện tuyến tỉnh phải thực hiện được các kỹ thuật cao bằng cách nhận chuyển giao kỹ thuật và đào tạo của các bệnh viện tuyến Trung ương cuối cùng, tập trung vào 5 chuyên khoa là u bướu, tim mạch, nhi, sản và chấn thương chẩn hình. Những bệnh viện trung ương hoặc bệnh viện tuyến cuối phải chịu trách nhiệm ít nhất là 5 bệnh viện vệ tinh của tuyến tỉnh và sau một thời gian chuyển giao thì bệnh viện vệ tinh có thể thực hiện các kỹ thuật cao. Hiện nay, một số bệnh viện như Bệnh viện Phú Thọ, bệnh viện Kiên Giang, bệnh viện Ninh Bình có thể xử lý được như tuyến Trung ương.
Đối với bác sĩ gia đình thì đây là một đề án đang được Bộ y tế làm thí điểm ở 7 thành phố và tỉnh thành. Mô hình bác sĩ gia đình là các bác sĩ ở trạm y tế và các phòng khám ngoài giờ với đội ngũ bác sĩ được đào tạo kiến thức những chuyên khoa cần thiết để phục vụ ban đầu, ngay tại chỗ. Đề án này đáp ứng nhu cầu chăm sóc khám chữa bệnh ban đầu vừa thiết thực với người dân, giúp người dân đỡ phải đi xa và giúp giảm tải bệnh viện. Sau khi làm thí điểm “Bác sĩ gia đình”, chúng tôi sẽ nhân rộng ra và những người tham gia khám sức khỏe ở các phòng khám Bác sĩ gia đình cũng sẽ được thanh toán bảo hiểm nếu tham gia bảo hiểm y tế.
PV: Xin cảm ơn Bộ trưởng!./.