Nâng cao sinh kế cộng đồng dân cư ven biển
(VOV) -Cải tạo sinh kế, phát triển kinh tế - xã hội bền vững cho các vùng ven biển là giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu.
Việt Nam là quốc gia có bờ biển dài hơn 3.260 km, đất liền là các vùng đồng bằng trũng thấp, cho nên Việt Nam là một trong số những nước chịu ảnh hưởng lớn nhất của biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng.
PGS.TSKH Nguyễn Văn Cư, Tổng cục Trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết: Theo kịch bản gần đây nhất, đến cuối thế kỷ 21, mực nước biển có thể dâng cao từ 75cm – 1m, như vậy 40% diện tích đồng bằng sông Cửu Long có thể bị nước biển ngập, 11% diện tích canh tác của đồng bằng sông Hồng và 3% ở các vùng đồng bằng miền Trung sẽ bị mất. Biến đổi khí hậu và nước biển dâng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân ven biển, trước hết, ảnh hưởng đến sinh kế của trên 12% dân số nước ta. Cùng với đó, thiệt hại do biến đổi khí hậu cũng sẽ khiến GDP suy giảm từ 10 – 12%.
VOV online phỏng vấn PGS.TSKH Nguyễn Văn Cư:
PV: Thưa ông, thời gian qua Chính phủ Việt Nam đã có những chương trình nào để giúp cộng đồng dân cư ven biển ứng phó với biến đổi khí hậu?
PGS.TSKH Nguyễn Văn Cư: Chính phủ Việt Nam đã có chiến lược, chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng, đồng thời đặt ra một loạt giải pháp rất cụ thể để cho các dân cư ven biển chủ động ứng phó với vấn đề này như: Xây dựng, hoàn thiện, nâng cấp hệ thống đê biển, đê sông; xây dựng các mô hình sinh kế và nhân rộng các mô hình này tới các địa phương ven biển.
PGS.TSKH Nguyễn Văn Cư - Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam |
Bên cạnh đó, triển khai đồng bộ các giải pháp khác như lựa chọn các mô hình, cây con thích ứng với biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng ở các vùng ven biển, nhất là các vùng đồng bằng trũng thấp. Hàng loạt chương trình, dự án đã được đề ra cho các cấp, các ngành, địa phương triển khai thực hiện từ nay đến năm 2020 và những năm tiếp theo.
PV: Hiện có rất nhiều tổ chức phi chính phủ chung tay cùng người dân trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng. Ông đánh giá như thế nào về những đóng góp của các tổ chức này trong thời gian qua?
PGS.TSKH Nguyễn Văn Cư: Cùng với Chính phủ, các tổ chức xã hội, phi chính phủ đã cùng chung tay cùng với người dân, doanh nghiệp để cải tạo các sinh kế phục vụ ứng phó với biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng. Trong số này phải kể đến Trung tâm Bảo tồn sinh vật biển và Phát triển cộng đồng (MCD). Đây là Trung tâm trực thuộc Hội Khoa học và kỹ thuật biển Việt Nam, được thành lập năm 2003, với mục tiêu hòa đồng cùng cộng đồng dân cư ven biển và bảo tồn hệ sinh thái ven biển, đặc biệt bảo tồn các hệ sinh thái đặc thù, các khu Ramsar, khu nước ngập mặn.
MCD đã tập hợp được động đảo các nhà khoa học trong và ngoài nước, cùng với người dân, xây dựng các mô hình nâng cao sinh kế của cộng đồng dân cư ven biển. Trên cơ sở các mô hình chuẩn, MCD đã nhân rộng, áp dụng cho các vùng miền khác nhau và đã đem lại hiệu quả nhất định.
Theo đánh giá của các chuyên gia trong và ngoài nước, MCD có nhiều đóng góp nhất trong việc cải tạo sinh kế, giúp người dân ven biển thích ứng với biến đổi khí hậu.
Mô hình tổ hợp tác nuôi ngao bền vững tại Giao Thủy - Nam Định |
PV: Theo ông, nhận thức cũng như phản ứng của người dân và chính quyền các địa phương với biến đổi khí hậu hiện nay như thế nào?
PGS.TSKH Nguyễn Văn Cư: Chúng tôi cho rằng, người dân đã nhận thức được tác hại của biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng đối với đời sống cũng như phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là phương thức canh tác của họ. Điều dễ dàng nhận thấy là nước mặn xâm nhập sâu hơn, tình trạng thiếu nước ngọt đã xảy ra, hạn hán rất nghiêm trọng nhưng khi mưa lũ thì sức tàn phá rất dữ dội; mực nước biển cũng dần nâng cao, nhiều vùng trước đây rất ổn định nhưng hiện nay đã bị sói, sạt… gây thiệt hại lớn cho dân cư.
Tuy nhiên, người dân và ngay cả với các cấp lãnh đạo, chính quyền địa phương nhận thức về biến đổi khí hậu chưa thực sự đầy đủ. Nhiều người cho rằng đây là việc của tương lai – có thể là 50 hoặc 100 năm sau.
Để các cấp lãnh đạo cũng như người dân ven biển nhận thức rõ được tác hại của biến đổi khí hậu và nước biển dâng, giúp họ chủ động ứng phó với thiên tai, điều quan trọng là phải nâng cao nhận thức của họ thông qua các cuộc hội thảo, truyền thông, các lớp tập huấn… Từ đó người dân từng bước nâng cao nhận thức về vai trò của việc ứng phó với biến đổi khí hậu; cũng như cải tạo sinh kế, nâng cao đời sống, phát triển kinh tế - xã hội bền vững cho các vùng ven biển.
PV: Thời gian qua chúng ta đã có giải pháp gì giúp người dân nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng?
PGS.TSKH Nguyễn Văn Cư: Thời gian qua, Chính phủ đã có Đề án 373 về tuyên truyền nâng cao nhận thức phát triển bền vững biển và hải đảo Việt Nam. Đây là chương trình truyền thông, do Chính phủ giao Tổng cục Biển và hải đảo Việt Nam là cơ quan chủ trì thực hiện, phối hợp với các Bộ, ngành và các địa phương có liên quan.
Chúng tôi đã triển khai 11 dự án trong đề án tổng thể này. Trong đó có dự án được phối hợp rất chặt chẽ với địa phương, từ việc xây dựng các dữ liệu, đến phát hành áp phích, khẩu hiệu, tài liệu hướng dẫn phân phát cho người dân; mở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho cộng đồng dân cư, cũng như các cấp lãnh đạo địa phương chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng.
Các tình nguyện viên tham gia làm sạch môi trường sinh thái vùng ven biển |
PV: Thời gian tới, các cơ quan quản lý, đặc biệt là Tổng cục Biển và hải đảo, có chương trình hành động nào để phối hợp với các địa phương nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về biến đổi khí hậu, thưa ông?
PGS.TSKH Nguyễn Văn Cư: Tổng cục Biển và hải đảo Việt Nam đã có chương trình hành động trong thời gian tới. Ngoài việc phối kết hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương cũng như các tổ chức phi chính phủ trong việc thực hiện tốt các đề án tổng thể truyên truyền nâng cao nhận thức, cũng như phát triển bền vững biển đảo Việt Nam, chúng tôi còn giao trách nhiệm cho các Chi cục Biển đảo các địa phương ven biển để thực hiện tốt vai trò của mình.
Trước hết, đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Chương trình quốc gia về quản lý tổng hợp đôi bờ cho các tỉnh Bắc Trung Bộ và Duyên hải Nam Trung Bộ và có thể mở rộng ra cả phía Bắc và phía Nam đối với các tỉnh, thành có biển.
Thứ hai, phối hợp với các địa phương có biển xây dựng đội ngũ tuyên truyền viên, trong đó sử dụng lực lượng thanh thiếu niên ở địa phương là lực lượng xung kích, giúp nâng cao nhận thức cho người dân trong việc sử dụng hợp lý các dạng tài nguyên cũng như bảo vệ môi trường biển, hải đảo. Đồng thời dựa trên cách tiếp cận mới - đó là tiếp cận quản lý tổng hợp dựa trên hệ sinh thái, để sau đó tạo điều kiện thích ứng với biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng.
Tuy nhiên, về mặt lâu dài, chúng ta cần hoàn thiện khung pháp lý để người dân có trách nhiệm hơn với biển đảo đất nước, bảo vệ môi trường sinh thái của vùng biển, hải đảo đất nước.
PV: Chân thành cảm ơn ông!./.