Nhà báo Kim Cúc - người làm báo “với cả cuộc đời”
VOV.VN -Có không ít thính giả đã nhận xét: mỗi lần nghe thấy giọng Kim Cúc trên làn sóng hay tường thuật trực tiếp là không thể bỏ qua.
Bây giờ thì việc có những người bị bắt giam ở xã hay phường rồi bị chết vẫn còn xảy ra không chỉ ở vùng nông thôn hay thành phố thậm chí ngay ở cả thủ đô.
Mỗi khi đọc thấy tin rất đáng buồn ấy, tôi lại không khỏi nghĩ đến chuyện đã xảy ra vào ngày 25/4/1986. Ấy là em học sinh Nguyễn Văn Thanh ở xã Hiền Lương, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ (lúc đó là huyện Sông Thao, tỉnh Vĩnh Phú) sau một đêm bị giam và bị công an xã đánh, phải đưa đi cấp cứu ở Bệnh viện huyện và đã tử vong.
Ngày 23/12/1987, một phiên tòa công khai được Tòa án nhân dân tỉnh Vĩnh Phú mở để xét xử kẻ gây nên cái chết của em Thanh với tôị danh “bắt giữ người trái phép và đánh đập gây ra cái chết cho học sinh Nguyễn Văn Thanh”. Đây có thể coi là phiên tòa “đặc biệt”. Đặc biệt vì lần đầu tiên việc Công an bắt và người đó bị đánh chết trong nhà tạm giam của một xã, được phanh phui trên công luận và lần đầu tiên kẻ thủ ác bị đưa ra xét xử.
Chuyện em Thanh xảy ra cách đây đã hơn 28 năm, nhưng vẫn còn nguyên giá trị cảnh báo và vẫn “nóng” trong dư luận xã hội. Vì những người bị chết trong nhà tạm giam như vậy sau này đều được thông báo là do những nguyên nhân khác như là “tự sát” hay cơn bạo bệnh! Do vậy mỗi lần đọc và nghe thấy những tin như thế trên các phương tiện thông tin đại chúng, tôi lại không thể không nhớ lại chuyện em học sinh Nguyễn Văn Thanh. Vì đó cũng là lần đầu tiên trong làng báo Việt Nam có các nhà báo lao vào một cuộc chiến với cái xấu, cái ác. Họ đã thành công, góp phần đem lại niềm tin cho nhân dân. Trong số các nhà báo đó có nữ nhà báo Nguyễn Thị Kim Cúc. Chị đã cùng các đồng nghiệp ở Đài Tiếng nói Việt Nam và các báo, lặn lội lần theo dấu thư gửi về Đài Tiếng nói Việt Nam, để đi điều tra tìm ra sự thật về cái chết của em Thanh rồi chấp bút đưa vụ việc lên làn sóng.
Nhà báo Nguyễn Thị Kim Cúc |
Có thể nói Kim Cúc là nhà báo (và cũng là nhà báo nữ) đầu tiên trong làng báo nước ta đi vào đề tài rất nhạy cảm và khó khăn này. Và chị cũng là nhà báo đầu tiên được nhận Bằng khen của Hội nhà báo Việt Nam (năm ấy chưa trao giải báo chí hàng năm như bây giờ) về đề tài chống tiêu cực. Sau này trên cương vị lãnh đạo, chị còn chỉ đạo tất cả các vụ chống tiêu cực trên Đài Tiếng nói Việt Nam.
Kim Cúc khởi nghiệp làm báo ở Đài phát thanh giải phóng A (tức Đài phát thanh Giải phóng đặt tại Miền Bắc trong những năm chiến tranh). Sau năm 1975, Đài phát thanh Giải phóng A hoàn thành nhiệm vụ, chị trở về Đài Tiếng nói Việt Nam và làm biên tập viên, phóng viên thời sự. Đó là những năm tháng mà phóng viên nhà Đài đi công tác thường với cái máy ghi âm nặng tới gần 7 kg.
Khi về viết bài lại ngồi trước chiếc máy chữ cũng to nặng đặt trên bàn. Hầu hết các phóng viên hồi đó đều tự đánh máy tin, bài của mình. Nhưng biết đánh máy chữ đúng kiểu, tức là dùng cả 10 đầu ngón tay, thì ngoài chị em ở tổ đánh máy chuyên nghiệp, ở phòng Thời sự chỉ có ba người. Lão tướng Trần Thiên Nhiên có nhiều phóng sự hay và viết nhanh cũng chỉ biết đánh “mổ cò”, tức chỉ sử dụng hai ba ngón tay trên bàn phím. Ba người biết sử dụng máy đánh chữ đúng kiểu, mà hồi đó chúng tôi gọi là như múa trên bàn phím, chỉ có Kim Cúc và hai đồng nghiệp nam.
Trông các bạn ngồi vào bàn dùng máy chữ thật là đáng phục: mắt không cần nhìn vào bàn phím mà dòng chữ cứ hiện ra theo ý nghĩ. Nhưng rồi mọi người phục và quý mến người nữ đồng nghiệp xinh và duyên dáng này chính là năng lực và cách ứng xử. Nói như ngôn ngữ bây giờ là năng lực của Kim Cúc trong làm báo không chỉ là việc khai thác và thể hiện các vấn đề trong thực tế mà còn làm được công việc của một nhà báo phát thanh gần như từ A đến Z. Thu thập tư liệu khi đi công tác, rồi về viết và dựng thành bài rồi trình bày trên làn sóng, tức là đọc và sau này là đọc trực tiếp trên làn sóng. Chỉ có khâu trích băng là còn phụ thuộc vào kĩ thuật như anh chị em phóng viên, biên tập khác. Lại nhờ có chất giọng trời cho và tự luyện mà Kim Cúc nhanh chóng trở thành một trong những cây bút chủ lực của Ban Thời sự, của Đài Tiếng nói Việt Nam.
Có không ít thính giả đã nhận xét: mỗi lần nghe thấy giọng Kim Cúc trên làn sóng hay tường thuật trực tiếp là thể nào cũng gắn với một sự kiện trong đời sống chính trị hay kinh tế, văn hóa của đất nước, mà thính giả không thể bỏ qua. Từ tỉnh Ninh Thuận nơi đầy nắng và gió, một thính giả nghe Đài lâu năm gửi thư về Đài Tiếng nói Việt Nam vẫn còn nhớ và nhắc tới tên “nữ phóng viên Kim Cúc” thuở nào. Nó như một phần thưởng chẳng phải ai cũng dễ được nhận trong đời làm báo nói của mình. Là nữ, nhưng Kim Cúc lại chả mấy khi vắng mặt trong các sự kiện và các vấn đề “nóng” về kinh tế, văn hóa của đất nước để kịp thông tin tới người nghe những điều bổ ích.
Chính vì vậy mà chị đã có mặt và gặp những người dân ở vùng đất Mũi và nhiều vùng đất Tây Nam Bộ, ở Tây Nguyên, ở biên giới phía Bắc trong cuộc chiến tranh 1979, những người công nhân ở trên các cung của tuyến đường Hồ chí Minh, những người lính ở đảo Trường Sa lớn, và vị Bộ trưởng Bộ Ngoại giao nước ta tại Brunei khi Việt Nam là thành viên thứ 7 của Hiệp hội các nước ASEAN. Những người mà chị đã gặp trong các chuyến đi đều được ghi và kể lại trong các bài báo và các phóng sự mà sau này chị trích in một phần trong cuốn sách “VỚI CẢ CUỘC ĐỜI” xuất bản năm 2006. Trong những lần trò chuyện về nghề, chị thường khẳng định một trong những điều cần cho người làm báo là: “Hãy đi thật nhiều, gắn bó mật thiết với đời sống” và “Hãy xử lí thông tin bằng cái tâm trong sáng”!
Một thế mạnh của nhà báo Kim Cúc được thính giả và đồng nghiệp ghi nhận- đó là tường thuật trực tiếp các sự kiện quan trọng của đất nước (ảnh: Hồng Quân) |
Căn hộ của Kim Cúc ở trong một tòa nhà cao tầng, khách đến thăm dễ dàng nhận ra chủ nhân của nó là một người gắn bó với “Tiếng nói Việt Nam”. Nó được thể hiện qua không ít những hiện vật kỉ niệm gắn với công việc khi còn làm phóng viên và sau này trong vai trò là lãnh đạo Đài Tiếng nói Việt Nam.
Toát lên sự gắn bó với “Tiếng nói Việt Nam” vẫn là chiếc radio để nghe và nhận xét, góp ý cho các chương trình phát thanh hàng ngày. Có lần chị tỏ ý tiếc không đem về được quả bàng vuông ở đảo Trường Sa lớn, nhưng chị đã có bài thơ về “Cây phong ba” khi cùng các nhà báo phản ánh cuộc sống và được hòa vào không khí của các chiến sĩ văn công biểu diễn phục vụ những người lính đảo với hai câu kết: “Lý thương nhau” ngọt ngào trong giọng hát và “Người ơi, người ở đừng về”…
Sau chuyến đến với những người lính ở 5 hòn đảo thuộc quần đảo Trường Sa trở về, cùng với các phóng viên của Đài Tiếng nói Việt Nam trước đây từng ra Trường Sa và các đảo khác, Kim Cúc có thêm những người bạn mới. Không chỉ là những bức thư, mà khi có dịp về đất liền những người lính đảo đã cố gắng giành thời gian đến thăm Đài Tiếng nói Việt Nam, cầu nối thân thiết biển đảo với đất mẹ, trong đó có vị Đại tá, Phó Giáo sư, Tiến sĩ tóc đã bạc sau gần 6 năm gắn với các công trình xây dựng phục vụ quốc phòng và dân sinh trên các đảo. Đó còn là một chiến sĩ trẻ ở đảo Trường Sa lớn, sau trở thành sĩ quan và từ vị khách đã trở thành… chàng rể của Đài Tiếng nói Việt Nam.
Với cương vị Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, một công việc quan trọng của Kim Cúc là chỉ đạo công tác tuyên truyền hàng ngày. Thế nhưng, chị vẫn không quên viết sau mỗi chuyến đi, kể cả những chuyến đi công tác ở nước ngoài. Là lãnh đạo, nhưng chị vẫn rất gần gũi với anh chị em phóng viên. Không thấy chị to tiếng bao giờ, nhưng công việc vẫn rất được anh em chấp hành tốt. Đó trước hết là vì chị rất biết lắng nghe và tôn trọng người khác khi trao đổi và giao việc. Có không ít lần về làm việc tại Ban Thời sự, gặp lúc có sự kiện anh em hỏi ý kiến, Kim Cúc không chỉ trao đổi mà còn tham gia vào công việc giúp biên tập viên xử lý tốt nhất thông tin.
Có lần Kim Cúc còn vào phòng thu trực tiếp đọc tin, bài như đã từng làm trước đây, khiến kíp thực hiện chương trình có thêm kinh nghiệm của một nhà báo đã dành trọn cuộc đời cho nghề báo phát thanh. Và những lúc như vậy, các phóng viên trẻ lại được biết thêm khối chuyện của lớp người đi trước như Kim Cúc đã trải qua lúc làm phóng viên, biên tập Thời sự thuở “hàn vi”.
Kể cả câu chuyện mỗi lần đi làm ca 2, tức là thực hiện các bản tin Thời sự phát lúc lúc 20h, 21h30 và 23h. Để phòng những sự cố không muốn có thể xảy ra, các bạn nam làm ca 3 (phải làm qua đêm để thực hiện các chương trinh phát buổi sáng bắt đầu từ 5h), tự thấy có trách nhiệm vui vẻ đưa các bạn nữ sau khi xong ca 2 về tận nhà, rồi quay trở lại cơ quan làm việc tiếp. Kim Cúc là một trong những nữ biên tập thường được các đồng nghiệp nam làm ca 3 đưa về tận nhà ở khu tập thể phố Thụy Khuê.
Kim Cúc biết đi xe đạp, nhưng dường như “trời” lại không cho chị cái dũng khí đi xe gắn máy, mặc dù đã được mọi người hướng dẫn tập không ít lần. Thế là khi còn làm Thời sự còn diễn ra cái cảnh: một đồng nghiệp nam đi xe gắn máy chạy sau cho đến khi Kim Cúc đạp xe về đến nhà.
Năm 2004, làng báo nước ta lại có thêm một ấn phẩm mới: đó là tạp chí Bút Nữ ra hàng tháng. Như tên gọi của nó: Bút Nữ là những câu chuyện của phụ nữ làm báo do Kim Cúc sáng lập và kiêm chủ bút. Đây còn là câu lạc bộ đầu tiên để tập hợp tất cả những nữ nhà báo ở nước ta.
Trong một lần trả lời phỏng vấn của tờ tuần báo “Nhà báo và Công luận”, Kim Cúc khẳng định: “Phải luôn có những ý tưởng, những đề xuất mới”. Chị không chỉ cố gắng làm mà còn tạo điều kiện để mọi người có thể thực hiện được tùy theo năng lực của mình. Và sau này, khi Đài Tiếng nói Việt Nam trở thành tập đoàn báo chí đa phương tiện (có thêm báo viết, báo mạng và báo hình), chị tiếp tục có những đóng góp không nhỏ như chị nói: “Phải luôn có những ý tưởng, những đề xuất mới”.
Gặp Kim Cúc thấy chị luôn vui vẻ. Nhưng thực ra chị lại là một người không thiếu những điều trăn trở. Song chị biết nén cái suy tư riêng để vươn lên trong cuộc sống như lời trong bài thơ “Gặp mùa thu” của chị:
Ngày qua, và hôm nay
Dẫu bao nhiêu đắng chát
Niềm yêu vẫn đong đầy…
Kim Cúc đã sống và làm việc như thế: VỚI CẢ CUỘC ĐỜI./.